Triệt phá các đường dây “rửa tiền”

Lượng tài sản trị giá khoảng 1 tỷ đô-la Singapore (tương đương 736 triệu USD) đã bị tịch thu hoặc phong tỏa trong một cuộc điều tra được xem là lớn nhất của lực lượng cảnh sát Singapore nhằm vào nhóm tội phạm “rửa tiền”. Hơn 400 sĩ quan được điều động tham gia các cuộc đột kích tại nhiều địa điểm trên khắp đảo quốc trong chuyên án đặc biệt này.
0:00 / 0:00
0:00
Hàng hóa xa xỉ và tiền mặt bị cảnh sát Singapore thu giữ trong cuộc đột kích. Ảnh: CHANEL NEWS ASIA
Hàng hóa xa xỉ và tiền mặt bị cảnh sát Singapore thu giữ trong cuộc đột kích. Ảnh: CHANEL NEWS ASIA

Một trong những vụ nghiêm trọng nhất

Theo hãng tin Reuters, mới đây, hàng trăm sĩ quan từ Cục Thương mại, Cục Điều tra hình sự, Cục Tình báo cảnh sát và Bộ Chỉ huy hoạt động đặc biệt của lực lượng cảnh sát Singapore đã đồng thời tiến hành đột kích tại nhiều địa điểm. Trong các bungalow sang trọng và căn hộ chung cư cao cấp bậc nhất tại “đảo quốc sư tử”, lực lượng chức năng Singapore đã bắt giữ 10 người nước ngoài trong độ tuổi từ 31 đến 44. Nhóm đối tượng này mang nhiều quốc tịch.

Lực lượng cảnh sát Singapore cáo buộc các đối tượng bị bắt giữ liên quan nhóm tội phạm có tổ chức ở nước ngoài với các hành vi lừa đảo, đánh bạc trực tuyến và cho vay tiền trái phép. Tại phiên xét xử ngày 30/8, tất cả 10 đối tượng đều bị từ chối yêu cầu bảo lãnh và tiếp tục bị tạm giam. Các công tố viên cho rằng, các nghi phạm có thể bỏ trốn nếu được tại ngoại bởi những bị cáo này có nhiều sự hỗ trợ cũng như tài sản ở nước ngoài.

Tổng cộng 105 tài sản, hàng chục tài khoản ngân hàng trị giá 110 triệu đô-la Singapore, 23 triệu đô-la Singapore tiền mặt, 50 ô-tô hạng sang, hàng trăm túi xách và đồng hồ xa xỉ, đồ trang sức và vàng miếng đã bị tịch thu hoặc phong tỏa trong cuộc đột kích tại 9 địa điểm. Lực lượng cảnh sát Singapore cho biết, 8 nghi phạm đang bị truy nã và 12 cá nhân đang bị điều tra.

Singapore là một trung tâm tài chính toàn cầu và có luật nghiêm ngặt chống tội phạm “rửa tiền”. Những đối tượng bị kết tội “rửa tiền” có thể đối mặt án tù lên tới 10 năm. Ông David Chew, Giám đốc Cục Thương mại thuộc lực lượng cảnh sát Singapore nhấn mạnh, cảnh sát sẽ tiếp tục nhắm vào hoạt động tài chính bất hợp pháp. Người đứng đầu lực lượng điều tra tội phạm thương mại của đảo quốc khẳng định, Singapore không khoan nhượng đối với các hành vi sử dụng quốc gia này làm nơi cho tội phạm trú ẩn, hoặc lạm dụng các cơ sở ngân hàng và các tổ chức tài chính của đảo quốc để thực hiện hành vi bất hợp pháp.

Bà Ho Hern Shin, Phó Giám đốc điều hành của Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cho biết, Singapore dễ gặp rủi ro liên quan tội phạm rửa tiền xuyên quốc gia, bởi đảo quốc là một trong những trung tâm tài chính lớn của toàn cầu. Theo Phó Giám đốc điều hành MAS, vụ việc này cho thấy sự cảnh giác của các tổ chức tài chính Singapore trước những giao dịch đáng ngờ. Chính các tổ chức này đã giúp các cơ quan thực thi pháp luật xác định các đối tượng tình nghi.

Những thách thức trong đấu tranh

Ông Fabrizio Fioroni, cố vấn về chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố tại Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm (UNODC) đánh giá kết quả đạt được trong chuyên án của Singapore là “đáng kinh ngạc”, bởi các cuộc điều tra hoạt động “rửa tiền” luôn phức tạp và khó khăn.

Trong khi đó, luật sư Adam Maniam của Công ty luật D&W (Singapore) cho biết, các hoạt động “rửa tiền” thường khó bị phát hiện chủ yếu bởi tính chất “phi tập trung”. Tội phạm không dồn hết tiền vào một nơi mà dàn trải tài sản cho nhiều người nắm giữ ở nhiều khu vực pháp lý khác nhau. Với số lượng càng đông người tham gia hệ thống “rửa tiền”, các tổ chức riêng lẻ như ngân hàng gặp khó khăn trong việc phát hiện các giao dịch đáng nghi.

Cựu Giám đốc Cục Điều tra hành vi tham nhũng của Singapore (CPIB), ông Soh Kee Hean cũng cho rằng, việc xác định liệu một giao dịch có bất hợp pháp hoặc có thể liên quan “rửa tiền” vô cùng khó khăn. Theo Phó GS Soh, thách thức trong việc phát hiện hoạt động “rửa tiền” càng trở nên phức tạp vì những kẻ phạm tội liên tục thay đổi cách thức.

Tội phạm có thể tham gia nhiều giao dịch tài sản với các đại lý khác nhau để không thu hút sự chú ý. Ông Soh nhấn mạnh rằng, mặc dù luật pháp yêu cầu các đại lý, trong đó có các đại lý bất động sản phải thực hiện báo cáo về các giao dịch đáng ngờ, nhưng không phải lúc nào họ cũng làm như vậy vì không muốn mất khách. Tuy nhiên, cựu điều tra viên nêu một số dấu hiệu khác thường cần chú ý trong các giao dịch, như khi người mua bất động sản hạng sang mà không xem tài sản, không thương lượng giá và không sẵn lòng tiết lộ thông tin mà đại lý yêu cầu.

Các chuyên gia cho biết, những mặt hàng xa xỉ như đồng hồ, túi xách hàng hiệu và tác phẩm nghệ thuật là các loại tài sản phổ biến dùng để “rửa tiền”. Phó GS Kelvin Law của Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) lý giải điều này là do chúng đắt tiền, dễ di chuyển và thường giữ giá trị tốt. Các mặt hàng xa xỉ như tác phẩm nghệ thuật và đồ quý hiếm thường có giá trị không xác định. Điều này cho phép tội phạm di chuyển một lượng lớn tiền “bẩn” được ngụy trang dưới hình thức những mặt hàng này. Ông Law cho biết, tiền điện tử là một kênh khác để “rửa tiền” và việc theo dõi chủ sở hữu tiền điện tử hiện nay là thách thức lớn.

Nhằm thu hút nguồn lực tài chính, nhiều quốc gia thực hiện việc cấp quốc tịch cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo các chuyên gia, chính sách này cũng gây trở ngại cho các cuộc điều tra hoạt động “rửa tiền”, bởi rất khó để xác định đối tượng nào đang thực hiện các hoạt động đầu tư hợp pháp và đối tượng nào đang lạm dụng chính sách để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Nỗ lực tiếp tục ứng phó của Singapore

Chanel News Asia dẫn đánh giá của giới chuyên gia kinh tế cho rằng, Singapore là một trung tâm tài chính uy tín và ổn định hàng đầu thế giới, với khả năng xử lý các giao dịch lớn mỗi ngày. Tuy nhiên, chính khối lượng giao dịch khổng lồ trong hệ thống tài chính Singapore mang lại “sự ngụy trang” dễ dàng cho các hoạt động bất hợp pháp.

Hoạt động “rửa tiền” là điều không thể tránh khỏi trong mọi hệ thống ngân hàng và việc phát hiện một giao dịch đáng ngờ trong số hàng triệu giao dịch có giá trị lớn mỗi ngày ở Singapore rất khó khăn. Tuy nhiên, các báo cáo về những hành vi đáng ngờ do các tổ chức tài chính ở Singapore gửi tới lực lượng chức năng trong vụ án vừa qua cho thấy vẫn có thể phát hiện những giao dịch liên quan tội phạm.

Nhà chức trách Singapore đã thực hiện các biện pháp tăng cường khả năng phòng vệ của đất nước trước các dòng tiền bất hợp pháp, như thiết lập nền tảng kỹ thuật số cho các tổ chức tài chính để chia sẻ thông tin về các khách hàng hoặc giao dịch đáng ngờ. Nền tảng Chia sẻ thông tin về các trường hợp rửa tiền, tài trợ khủng bố (COSMIC) do MAS và sáu ngân hàng thương mại lớn cùng phát triển, sẽ được triển khai theo từng giai đoạn, bắt đầu từ nửa cuối năm 2024.

Trong bối cảnh hoạt động “rửa tiền” gia tăng, Chính phủ Singapore đang cố gắng bám sát các yêu cầu pháp lý để đón đầu tội phạm. Mối quan hệ đối tác công-tư như nền tảng COSMIC và các quy định nghiêm ngặt hơn có thể được mở rộng ra ngoài ngành tài chính sang các lĩnh vực khác như ngành bán lẻ cao cấp. Các nhà bán lẻ hàng xa xỉ có thể sẽ được yêu cầu tăng cường thẩm định người mua bằng cách đặt ra một số giới hạn nhất định khi thực hiện các giao dịch có giá trị cao bằng tiền mặt. Các nhà bán lẻ cũng có thể sẽ được yêu cầu ghi lại thông tin chi tiết về những khách hàng này.

Cơ quan Tái phát triển đô thị của Singapore cũng đã đưa ra các quy định mới nhằm phát hiện các hoạt động “rửa tiền” và các tài sản do phạm pháp mà có được. Trong số các biện pháp mới, chính quyền yêu cầu các nhà phát triển nhà ở tăng cường việc thu thập thông tin người mua dựa trên hồ sơ rủi ro, có đối chiếu với danh sách các tổ chức khủng bố và tội phạm.