Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 113,3 nghìn, tăng 19,8% so cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 16,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm hơn so cùng kỳ. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng hơn nhiều so cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp trong nước tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng.
Có thể thấy rằng, ở một số ngành nghề mà nguồn cung lao động của chúng ta chiếm thế mạnh như da giày, dệt may, chế biến gỗ, điện tử, cơ khí… đã bị ảnh hưởng nặng nề. Đây cũng là thị trường lao động vốn được coi là ưu thế của nguồn cung tại Việt Nam bởi yêu cầu công việc không quá đặt nặng về yêu cầu tuổi đời, tuổi nghề, dễ dàng tuyển được công nhân, người lao động.
Nhiều công ty, tập đoàn lớn đã phải liên tục cắt giảm số lượng công nhân tính từ năm ngoái và cho tới thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Việc công dân toàn cầu thắt chặt chi tiêu dẫn tới suy giảm đơn hàng được cho là tác động trực tiếp tới thị trường này. Và theo thời gian, thế mạnh của một quốc gia có khối lượng lao động trẻ, lực lượng dồi dào, lao động giá rẻ sẽ không còn là điều mà các công ty, tập đoàn lớn thấy hấp dẫn. Thế hệ của một lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, lành nghề, chuyên nghiệp mới có thể đáp ứng yêu cầu lao động trong thời kỳ công nghệ đang ngày một chiếm ưu thế so lao động phổ thông.
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của thị trường thế giới, định hướng xây dựng lực lượng lao động nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội; có chất lượng chính là hành động cụ thể và thiết thực để hỗ trợ cho người lao động trong thời kỳ tìm kiếm việc làm đang trở thành nhu cầu ngày một cao và khó khăn.