Hệ thống y tế ứng phó khủng hoảng khí hậu

Báo cáo Thống kê y tế hằng năm do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới công bố cho thấy, các nước đang tập trung hơn vào việc ứng phó những nguy cơ sức khỏe gia tăng do ảnh hưởng của tình trạng Trái đất nóng lên. Con người phải đối mặt nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và những tác động này ngày càng rõ rệt hơn tới sức khỏe.
0:00 / 0:00
0:00
Biến đổi khí hậu làm tăng khả năng lây lan dịch bệnh và các nguy cơ về sức khỏe khác. Ảnh: AP
Biến đổi khí hậu làm tăng khả năng lây lan dịch bệnh và các nguy cơ về sức khỏe khác. Ảnh: AP

Nguy cơ từ thời tiết cực đoan

Trên toàn thế giới, tám năm qua là tám năm nóng nhất từng được ghi nhận. Trong những tuần đầu mùa hè 2023, khắp các vùng phía nam châu Á đã chứng kiến hàng loạt kỷ lục nhiệt độ cao được thiết lập khi nắng nóng dữ dội xảy ra ở Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh… Năm ngoái, một loạt quốc gia châu Âu cũng phải đối mặt đợt nắng nóng bất thường, trong khi nhiều quốc gia châu Á hứng chịu tác động của mưa lũ nghiêm trọng và kéo dài. Tình hình thời tiết cực đoan đang tiếp tục thử thách các chính phủ trong việc bảo vệ sức khỏe người dân và củng cố hệ thống y tế.

Ngày 17/5, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo, 66% khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng vượt mức giới hạn 1,5oC đặt ra trong Hiệp định Paris về BĐKH năm 2015 trong 5 năm tới. Các nhà khoa học khí hậu đều cảnh báo mức ấm lên 1,5oC là điểm tới hạn mà nếu vượt qua, Trái đất sẽ phải chịu những tác động nghiêm trọng do nước biển dâng hay các hình thái thời tiết cực đoan. Báo cáo mới nhất từ Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ (IPCC) đã nêu bật những nguy cơ sức khỏe liên quan khí hậu như sốc nhiệt, bệnh lan truyền qua thực phẩm, khan hiếm nước, những thay đổi trong thế giới các loài côn trùng và ký sinh trùng cùng các bệnh về thần kinh ngày càng gia tăng.

Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), số người tiếp xúc với nhiệt độ cực cao đang tăng lên nhanh chóng. Số liệu thống kê trong giai đoạn 2012-2021 cho thấy, số trẻ em dưới một tuổi phải trải qua đợt nắng nóng nhiều hơn 600 triệu trẻ/ngày và người lớn trên 65 tuổi thêm 3,1 tỷ người/ngày so giai đoạn 1986-2005. Tỷ lệ tử vong liên quan nhiệt độ tăng đối với những người trên 65 tuổi đã tăng khoảng 68% trong giai đoạn 2000-2004 và 2017-2021.

Do hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, dân số trong môi trường đô thị thường phải đối mặt sự phơi nhiễm quá mức với căng thẳng nhiệt, bên cạnh các điều kiện dễ bị tổn thương khác như nhà ở tồi tàn, thiếu cây xanh, thiếu nước... Nhóm dân số đặc biệt dễ bị tổn thương bao gồm những người trên 65 tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh mãn tính, trẻ sơ sinh và trẻ em, phụ nữ mang thai, người lao động ngoài trời, vận động viên và người tham dự các sự kiện ngoài trời, người nghèo. Nhiệt tăng nhanh do tiếp xúc với nắng nóng hơn mức trung bình làm ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể và có thể dẫn đến một loạt các bệnh như chuột rút do nhiệt, kiệt sức, say nắng và tăng thân nhiệt.

Các cảnh báo của WHO đều nêu rõ: Nhiệt độ cực đoan cũng có thể làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính, bao gồm bệnh tim mạch, hô hấp, mạch máu não và các bệnh liên quan tiểu đường. Nhiệt còn ảnh hưởng gián tiếp quan trọng đến sức khỏe. Nắng nóng có thể làm thay đổi hành vi của con người, làm lây truyền bệnh tật, thay đổi chất lượng không khí và tạo áp lực lên dịch vụ y tế và các cơ sở hạ tầng xã hội thiết yếu như năng lượng, giao thông và nước. Ngay cả những thay đổi nhỏ so nhiệt độ trung bình theo mùa cũng có liên quan việc gia tăng bệnh tật và tử vong.

Giám đốc WHO phụ trách y tế và môi trường, bà Maria Neira cho biết, báo cáo của cơ quan này cho thấy có 91% quốc gia đã lồng ghép các vấn đề y tế vào kế hoạch cam kết ứng phó BĐKH, còn được gọi là Đóng góp quốc gia (NDCs). Tuy nhiên, mới chỉ có 10% trong số các nước này nêu được những lợi ích y tế tiềm năng nếu có hành động khí hậu phù hợp. Theo bà Neirra, nếu các quốc gia hành động quyết liệt hơn để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, thì “lợi ích kép” là vừa giúp tiết kiệm chi phí vừa bảo vệ mạng sống con người trước những bệnh mãn tính như hen suyễn và bệnh tim. Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí y khoa Lancet, ô nhiễm không khí, thường liên quan hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, gây ra hơn 6,4 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm và con số này không ngừng gia tăng.

Hệ thống y tế ứng phó khủng hoảng khí hậu ảnh 1

Thời tiết cực đoan thách thức các nỗ lực y tế toàn cầu. Ảnh: GETTY

Nâng cao năng lực y tế cộng đồng

Nghiên cứu của Viện Giáo dục quốc gia Singapore (NIE) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho thấy, tháng 4 vừa qua là “tháng 4 nóng nhất ở châu Á” dựa trên các dữ liệu thời tiết từng được ghi nhận. Thời tiết nóng hoặc kết hợp với các thảm họa thiên nhiên khác có khả năng gây ra các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe trên diện rộng, làm tăng nguy cơ rủi ro khi tụ tập đông người (chẳng hạn như các buổi hòa nhạc, các sự kiện tôn giáo hoặc thể thao) và làm gián đoạn các dịch vụ y tế khẩn cấp.

TS Wang Jingyu, chuyên gia nghiên cứu về khí hậu tại NIE nhấn mạnh: Thời kỳ nhiệt độ cao có khả năng làm tăng gánh nặng cho bệnh nhân đối với các dịch vụ y tế khẩn cấp, tăng nhu cầu đối với các dịch vụ cấp cứu và tăng nhập viện. Nhiệt độ tăng cũng đồng nghĩa với việc tăng chi phí cho các cơ sở y tế để cung cấp đủ hệ thống làm mát và thông gió, cách nhiệt, chi phí năng lượng, nguồn nước… Thời tiết nắng nóng cũng đe dọa tình trạng stress nhiệt đối với nhân viên y tế. Để ngăn ngừa tình trạng căng thẳng do nhiệt ở nhân viên y tế, cần có đủ thời gian nghỉ ngơi và làm mát, bảo đảm an toàn khi đeo thiết bị bảo hộ cá nhân và các biện pháp khác.

Khủng hoảng khí hậu nói chung đang đe dọa các trụ cột chính của y tế cộng đồng, bao gồm tiếp cận thực phẩm, nước uống, nơi ở và không khí sạch. WHO nhấn mạnh các quốc gia có thể phải chật vật để có thể ứng phó những nguy cơ ngày càng gia tăng này. Theo bà Maria Neira, BĐKH có thể dẫn tới mọi thảm họa y tế tiềm ẩn mà giới chuyên gia đã cảnh báo. Bà cũng nhấn mạnh các nước cần bảo đảm chuẩn bị những hệ thống y tế phù hợp trong thế kỷ 21.

Theo dữ liệu mới của WHO, hơn 90% các quốc gia đã đưa các nguy cơ dịch bệnh vào NDC, tăng so mức 70% trong năm 2020. Trong đó, hầu hết quốc gia đã đề cập những nguy cơ bệnh tật như sốt rét, tim mạch trong các kế hoạch khí hậu quốc gia. Dù vậy, bà Neira cho rằng, cần điều hướng trong các cuộc thảo luận về BĐKH khi các hội nghị đang tập trung nhiều vào tình trạng tan băng, thế hệ sau và Trái đất trong khi chưa quan tâm đầy đủ tới vấn đề sức khỏe, vốn đang hiển hiện ngay trước mắt và có thể là động cơ thúc đẩy hành động của các chính phủ.

Báo cáo năm 2021 của tạp chí y khoa Lancet về sức khỏe và BĐKH có tên “Mã đỏ cho một tương lai khỏe mạnh”, đã mô tả BĐKH là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu lớn nhất của thế kỷ 21, đồng thời nhấn mạnh đây là cảnh báo “tình trạng khẩn cấp” về sức khỏe cộng đồng. Báo cáo cũng nêu bật nhiệm vụ cấp thiết giải quyết các lỗ hổng hiện tại và cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế; đồng thời kết hợp xem xét tác động của BĐKH, chuẩn bị khả năng tài chính xuyên suốt cho hệ thống y tế giải quyết các tác động của khủng hoảng khí hậu và bảo đảm an ninh y tế.