Cần triết lý, phương thức giáo dục hợp lý

Năm học 2022-2023 sắp kết thúc, nhưng không chờ thời điểm đó, mà những chuẩn bị cho năm học mới đã được các bậc cha mẹ học sinh lên kế hoạch triển khai.
0:00 / 0:00
0:00

Trong đó rất được quan tâm là việc phụ huynh tìm, chọn trường, lo toan cho việc con cái ôn luyện thi vào trường mong muốn.

Nghĩ cơ chế thị trường thì tiếng lành đồn xa, trường uy tín, trường điểm, trường chuẩn... hay được phụ huynh, học sinh ưa chuộng, mong vào “tu nghiệp” để “thành tài”. Nhưng cái vòng quay cho tương lai đó, hôm nay ngẫm sao nhọc nhằn có khi bất hợp lý đến vậy! Các em học sinh, có khi cả các bé tiểu học, chưa học xong lớp 5 đã được bố mẹ tính chuyện thi vào một trường danh tiếng nào đó. Để thực hiện mục tiêu này các bé, các em từ sớm đã cuốn vào guồng ôn luyện chật vật, choán hết thời gian vui chơi, nghỉ ngơi, đi dã ngoại, đi thăm thú bảo tàng, di tích, đi xem nghệ thuật, và cả những cơ hội trải nghiệm qua tiếp xúc xã hội, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện... Ngay đến việc về quê quán, gặp gỡ họ hàng, làng xóm dường như cũng trở nên hiếm hoi để dành thời gian, sức lực cho việc ôn học.

Có khổ luyện mới thành tài, “có công mài sắt có ngày nên kim”. Nhưng thử xem xem, sự thiếu cân đối, mất cân bằng đó có đáng để người lớn, phụ huynh dồn lên vai lên đầu các cháu suốt nhiều năm tuổi thơ hay không!

Câu chuyện ôn luyện, thi cử vào nhiều trường THCS, THPT hiện nay có những thời điểm còn được ví von là “nóng” hơn xét tuyển vào trường đại học. Và đối tượng tưởng chừng được chăm bẵm, lo toan nhưng phải chịu nhiều thiệt thòi nhất, có lẽ lại chính là các cháu học sinh với cường độ ôn học, luyện thi cao hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, thậm chí hằng năm. Cần nhiều lắm sự đồng cảm với các cháu và điều chỉnh của gia đình, nhà trường. Cần hơn nữa sự nghiên cứu để tác động, định hướng của ngành giáo dục cho những triết lý giáo dục, phương thức đào tạo, ôn luyện sao cho giảm tải, nhẹ nhàng hơn đối với các cháu.