Nhanh chóng thích ứng EVFTA

Tính đến nay, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực được hơn hai năm. Tuy nhiên, giai đoạn cuối năm 2020 là thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, kéo dài khiến những kỳ vọng bứt phá của doanh nghiệp sau khi hiệp định chính thức có hiệu lực bị ảnh hưởng. Hiện tại, các doanh nghiệp cần xem xét kỹ hiệp định sau khi chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập và nguyên tắc xuất xứ dựa theo chế độ này chấm dứt.
0:00 / 0:00
0:00
Mặt hàng mây tre đan tăng mạnh khi xuất khẩu vào thị trường EU. Ảnh: HẢI NAM
Mặt hàng mây tre đan tăng mạnh khi xuất khẩu vào thị trường EU. Ảnh: HẢI NAM

Dịch Covid-19 lan rộng, khủng hoảng chuỗi cung ứng và những biến động địa chính trị quốc tế đã tác động tiêu cực đáng kể đến việc thực thi EVFTA. Tuy nhiên, mới đây nhất, ngày 19/12/2022, trong phiên họp lần thứ hai của Ủy ban Thương mại trong khuôn khổ EVFTA, đại diện của EU, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu Valdis Dombrovskis cho biết, bất chấp những khó khăn đó, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận, từ sự nỗ lực không ngừng của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam.

Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong hai năm thực thi EVFTA, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 83,4 tỷ USD, bình quân 41,7 tỷ USD/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU tăng bình quân 24% so với giai đoạn 2016-2019. Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% vào năm 2021 và 24,5% trong sáu tháng đầu năm 2022. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng từ năm 2023 trở đi khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam biết và hiểu nội dung cũng như lợi ích của Hiệp định EVFTA.

Theo khảo sát, có tới 94% số doanh nghiệp biết về EVFTA, khoảng 30% số doanh nghiệp biết rõ về EVFTA và 10% số doanh nghiệp hiểu tường tận về EVFTA cũng như cách thức khai thác lợi ích từ hiệp định cho hoạt động kinh doanh của mình.

Nhanh chóng thích ứng EVFTA ảnh 1

Các doanh nghiệp từng bước bảo đảm quản lý chất lượng cao theo tiêu chuẩn của thị trường EU. Ảnh: NAM ANH

Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn FDI từ EU vào Việt Nam giảm 8,6% so với năm 2019, đứng thứ 8 và chiếm 4,8% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Năm 2021, tình hình thu hút FDI được cải thiện, tăng 2,2% giúp EU vươn lên vị trí thứ 5 nhưng tỷ trọng trong tổng vốn FDI lại giảm nhẹ, chiếm 4,5%. Trong đó, tổng vốn đầu tư bình quân giai đoạn 2017-2021 tăng 86% so với giai đoạn 2015-2016 trước đó. Tuy nhiên, vốn đầu tư vào Việt Nam hiện chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của EU.

Về tác động đối với các ngành, lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế Việt Nam, trong hai năm thực hiện EVFTA, tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường EU tăng mạnh. Trong đó sắt thép tăng 739%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 260%; máy móc thiết bị tăng 82,3%; gạo, mây tre đan, chiếu cói tăng hơn 50%; sản phẩm gốm sứ tăng hơn 25%; rau quả, dây điện và cáp điện tăng hơn 15%. Gạo, cói, mây tre đan, gốm sứ, rau quả là những mặt hàng xuất khẩu khá mới vào EU và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, khi Việt Nam từng bước bảo đảm quản lý chất lượng cao theo tiêu chuẩn của thị trường “khó tính” như EU.

Theo báo cáo khảo sát góc nhìn của doanh nghiệp Việt Nam về tác động của EVFTA và các FTA khác trong ba năm tới (2023-2026) của hãng luật ASL, phần lớn số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, hiệp định sẽ duy trì tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cho rằng, trong tương lai gần, Việt Nam khó có thể phát triển với tốc độ nhanh như hai năm trở lại đây nếu chính sách điều hành thay đổi không đủ, bất cập. Đồng thời, những thay đổi về quy tắc xuất xứ ngành hàng và việc chấm dứt giao dịch theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của Liên minh châu Âu cho Việt Nam cũng gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp.

Sau khi EVFTA có hiệu lực, hàng nhập khẩu từ Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi ích theo cơ chế GSP tiêu chuẩn cho đến ngày 31/12/2022. Nhưng kể từ ngày 1/1/2023, các lợi ích theo GSP tiêu chuẩn đã chấm dứt đối với Việt Nam theo quy định của Quy định (EU) 2021/114.2. Mặc dù EVFTA được nhiều người coi là một thành tựu lớn hỗ trợ quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU, nhưng việc loại bỏ các ưu đãi GSP ban đầu có thể gây ra những nhầm lẫn nhất định và có thể tác động đến thương mại trong ngắn hạn.

Quy tắc xuất xứ (RoO) theo GSP cũng đã hết hiệu lực kể từ ngày 31/12/2022, RoO theo EVFTA sẽ áp dụng cho hàng xuất khẩu sang EU từ Việt Nam. Tức là cần phải có chứng từ chứng minh xuất xứ để cho thấy tình trạng xuất xứ của sản phẩm để được hưởng lợi từ EVFTA. Hiện tại, Việt Nam tiếp tục áp dụng phương pháp truyền thống, theo đó nhà xuất khẩu phải xin Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ cơ quan có thẩm quyền (hiện nay là Bộ Công thương). RoO có thể hạn chế chiến lược đa dạng hóa của Việt Nam trong việc tận dụng mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu để sản xuất và xuất khẩu. Kể từ ngày 1/1/2023, các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu phải xem xét kỹ các quy định mới cho giao dịch với EU.

Bên cạnh đó, những thay đổi và biến động của thị trường quốc tế cũng ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp cho biết, mối lo ngại chính của họ đến từ việc các sản phẩm xuất khẩu cũng như phương thức kinh doanh của Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh tại thị trường châu Âu. Việc EU tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm nhập khẩu trong thời gian gần đây cũng gây khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều trường hợp hàng Việt Nam bị hải quan từ chối nhập khẩu hoặc “thanh lý” với giá rẻ mạt.

Vì thế, để thâm nhập được vào thị trường EU, một trong những thị trường đòi hỏi chất lượng cao nhất thế giới, doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi, đáp ứng được các tiêu chuẩn của EU. Đây cũng là cơ hội để có thể mở rộng kinh doanh sang các thị trường khác trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Canada… Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dây chuyền sản xuất, Việt Nam cũng cần chú trọng hơn nữa việc xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai các cam kết cụ thể của Hiệp định Thương mại tự do EVFTA.

Không chỉ EVFTA mà việc nội luật hóa một cách kịp thời các quy định hướng dẫn thực thi EVFTA và các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã ký kết cũng là điều mà Việt Nam cần quan tâm, chú trọng trong thời gian tới.