Nhân thêm nhiều trường học “xanh”

Sau tám tháng triển khai mô hình trường học “xanh”, nói không với rác nhựa tại ba trường tiểu học trên địa bàn quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) đã thu về những kết quả khích lệ bước đầu. Với việc tiếp tục duy trì mô hình và đánh giá các trường còn lại để nhân rộng, dự án mong rằng, sẽ có nhiều hơn nữa trường học “xanh” trên địa bàn thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh biểu diễn tiểu phẩm về phân loại rác.
Học sinh biểu diễn tiểu phẩm về phân loại rác.

1/ Trường tiểu học Trần Văn Dư (quận Cẩm Lệ) là một trong ba trường được chọn để thực hiện mô hình vào đầu năm 2022. Ngay khi tiếp nhận, toàn bộ cán bộ, giáo viên của trường đã tham gia tập huấn và đưa ra kế hoạch thực hiện. Bên cạnh đó, các hoạt động được triển khai như thực hiện công trình măng non “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ” để các em tự phân loại và bỏ rác đúng vào các ô hợp lý. Tổ chức ngày hội môi trường với nhiều hoạt động như kiểm tra kiến thức ban đầu của học sinh về rác thải nhựa, học sinh tham gia thực hiện tiểu phẩm, chơi trò chơi, biểu diễn thời trang, làm đồ dùng tái chế… về chủ đề liên quan. Trường cũng đã tổ chức 24 lần Rung chuông vàng cho 1.075 học sinh về tìm hiểu kiến thức rác thải nhựa, cách phân loại, tái chế… Tổ chức hội thi vẽ tranh với 70 học sinh lớp 1, 2 và 3 tham gia.

Các giáo viên cũng đã sử dụng chai nhựa làm đồ dùng dạy học. Trong môn Bơi lội, đã làm được bốn dây làn bơi, 20 phao kẹp tay, nâng bụng. Trong môn Mỹ thuật, tự nhiên xã hội, đã làm được 97 mô hình ô-tô các loại, một tàu thủy, một mô hình trường học, ba mô hình giao thông… Còn có hơn 100 chậu cây xanh trang trí chung quanh trường học và lớp học, bốn thùng rác tái chế bằng hộp sữa tại lớp. Câu lạc bộ Chiến binh xanh và Đội Sao đỏ cũng thực hiện kiểm soát việc mang hộp xốp, chai nhựa vào trường, giúp các bạn phân loại rác.

Qua đó, nhận thức của giáo viên, học sinh cũng nâng cao, các em đã hiểu vì sao cần phải phân loại rác và bỏ đúng rác vào thùng phân loại. Biết thêm nhựa có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người, rác tái chế có thể bán được, cùng với đó trường cũng giảm tỷ lệ học sinh thường xuyên sử dụng bao nylon.

Cô giáo Nguyễn Thị Đông, Trường tiểu học Trần Văn Dư chia sẻ: “Với những hoạt động trong thời gian qua, đến nay, hơn 90% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của trường sử dụng bình nước cá nhân. 100% số cán bộ, giáo viên, nhân viên và 75% số học sinh thực hiện ăn sáng tại nhà và tại hàng quán, không mang thức ăn trong hộp xốp, bao nylon vào trường.

2/ Mô hình trường học “xanh” do UBND quận Cẩm Lệ phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển Xanh (GreenHub) và Trung tâm Nghiên cứu xây dựng Năng lực thích ứng (CAB) phát động thực hiện tại ba trường tiểu học trên địa bàn là Tôn Đức Thắng, Trần Văn Dư, Trần Đại Nghĩa.

Các trường đã được hỗ trợ thực hiện các giải pháp giảm rác thải và giảm nhựa như kiểm toán rác tại trường, xây dựng bộ giải pháp giảm rác thải và giảm nhựa cho trường học từ kết quả kiểm toán, triển khai các hoạt động cụ thể, hỗ trợ trường học thành lập và duy trì nhóm/câu lạc bộ môi trường, đánh giá mức độ giảm rác thải nhựa và báo cáo bài học kinh nghiệm…

Sau tám tháng thực hiện, các trường đã có những thay đổi về kiến thức và hành động, có 53% số học sinh mang theo bình nước cá nhân, 60% số học sinh ăn sáng tại nhà, 20% số học sinh mang hộp đựng nhiều lần đi mua đồ ăn, 60% số học sinh không bao vở bằng giấy gương… Với sự thay đổi về thực hành, dự án tin rằng lượng rác phát sinh sẽ giảm.

Bà Đường Thị Lộc, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cẩm Lệ cho hay: “Sau thí điểm, ba trường tiếp tục duy trì hoạt động của mô hình trường học “xanh” nói không với rác nhựa để tiến tới đạt mục tiêu giảm rác nói chung và giảm rác nhựa nói riêng. Các trường tiểu học còn lại, cần có đánh giá đầu vào, đầu ra để thấy hiệu quả của hoạt động. Từ đó sẽ xây dựng bài học kinh nghiệm để chia sẻ về cách giảm rác trong trường học”.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xây dựng Năng lực thích ứng cho biết: “Dự án tại Cẩm Lệ sẽ kéo dài đến tháng 6 và tiếp tục nhân rộng ra các trường khác của quận. Giảm rác trong trường học là xu hướng tất yếu, sắp tới tại Đà Nẵng, chúng tôi sẽ phối hợp cùng các đơn vị thực hiện với khoảng 20 trường học, góp phần tiến tới giảm rác nhựa. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ để tất cả chúng ta có một môi trường sống sạch và cũng là bảo vệ cho chính sức khỏe của chúng ta”.

Sau tám tháng triển khai mô hình trường học “xanh”, nói không với rác nhựa tại ba trường tiểu học trên địa bàn quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) đã thu về những kết quả khích lệ bước đầu. Với việc tiếp tục duy trì mô hình và đánh giá các trường còn lại để nhân rộng, dự án mong rằng, sẽ có nhiều hơn nữa trường học “xanh” trên địa bàn thành phố.