“Người mẹ thứ hai” của sinh viên Lào

Hơn ba năm nay, mô hình “Người mẹ thứ hai” do hội viên phụ nữ thực hiện đã đỡ đầu, chăm sóc, giúp đỡ hàng chục du học sinh Lào mỗi khi đến TP Đà Nẵng học tập. Không chỉ giúp các em yên tâm học và sinh sống khi xa nhà, hoạt động này còn là nhịp cầu ngoại giao giúp thắt chặt tình hữu nghị hai nước Việt - Lào.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình bà Trần Thị Nguyện cùng tham gia Tết cổ truyền Bunpimay 2022 với sinh viên Lào.
Gia đình bà Trần Thị Nguyện cùng tham gia Tết cổ truyền Bunpimay 2022 với sinh viên Lào.

1/ Dịp lễ 2/9 vừa qua, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng bà Trần Thị Nguyện (tổ 25, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) trở nên nhộn nhịp, đông vui. Trong bếp, bà Nguyện cùng các con nuôi là những sinh viên Lào tự tay làm bánh xèo Việt Nam và các món ăn truyền thống của Lào. Bữa ăn được dọn lên với các món Việt - Lào phong phú. Cả nhà vừa ăn uống, vừa trò chuyện rôm rả. Bà Nguyện cho biết, đây là hoạt động thường xuyên của gia đình và các sinh viên người Lào được gia đình đỡ đầu vào những ngày cuối tuần hay các dịp lễ, Tết. Năm 2019, khi địa phương phát động thực hiện mô hình “Người mẹ thứ hai”, gia đình bà Nguyện là một trong những người đầu tiên tham gia. Hơn ba năm qua, bà Nguyện đã nhận đỡ đầu, chăm sóc nhiều đợt sinh viên Lào đến TP Đà Nẵng theo học. “Cả hai vợ chồng tôi đều đã về hưu. Ba người con đều đã yên bề gia thất, bận rộn công việc nên thường ngày ngôi nhà vắng hoe. Từ khi nhận đỡ đầu sinh viên Lào, ngôi nhà như có thêm sức sống”, bà Nguyện cho biết.

Là một trong những người con của mẹ Nguyện, em Manyvong Litar (sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng) thường xuyên về thăm mẹ mỗi khi rảnh rỗi. Ở nhà mẹ, Manyvong Litar được mọi người dạy thêm tiếng Việt, hướng dẫn nấu các món ăn Việt Nam và được tìm hiểu thêm về phong tục tập quán. Trong hai năm ảnh hưởng Covid-19, Manyvong Litar không thể về nước, phải ở lại ký túc xá trường, mẹ Nguyện thường xuyên gọi điện thoại động viên, mua sắm lương thực, nhu yếu phẩm gửi đến ký túc xá để em thêm phần yên tâm.

Nhận đỡ đầu sinh viên Lào ngay khi mô hình được triển khai, ngôi nhà bà Phan Thị Thiệp (tổ 59, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) thêm tràn ngập tiếng cười. Với em Chanthamixay Pala (Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn), mẹ Thiệp không chỉ là “người mẹ thứ hai” mà còn là cô giáo giúp em học giỏi tiếng Việt hơn từng ngày. Dịp Tết Nguyên đán năm 2022, Chanthamixay Pala không về nước, mẹ Thiệp đón em về nhà để ăn Tết cổ truyền Việt Nam. Để giúp em có cái Tết trọn vẹn, mẹ Thiệp đưa Chanthamixay Pala đi may áo dài, dạy em gói bánh chưng, nấu mì Quảng và cùng tham quan nhiều địa điểm nổi tiếng của thành phố.

“Em cảm thấy mình rất hạnh phúc và may mắn khi được mẹ Thiệp yêu thương, chăm sóc không khác con ruột. Nhờ có mẹ mà em đã vượt qua nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, yên tâm học tập”, Chanthamixay Pala tâm sự.

2/ Chị Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Liên Chiểu cho biết, trên địa bàn quận có nhiều trường đại học lớn, thường xuyên đón sinh viên Lào đến học tập và ở lại các khu ký túc xá. Hiểu được những khó khăn, vất vả của sinh viên xa quê, năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố chỉ đạo các cấp hội tại quận Liên Chiểu triển khai mô hình “Người mẹ thứ hai” nhằm giúp đỡ, chăm sóc những sinh viên Lào đang học tập tại Đà Nẵng. Trong năm đầu tiên phát động, có 11 gia đình hội viên phụ nữ tại phường Hòa Khánh Nam tham gia, nhận đỡ đầu, chăm sóc 22 sinh viên. Trong hai năm 2020-2021, do ảnh hưởng Covid-19, không có sinh viên Lào sang học tập. Đến tháng 6 vừa qua, Hội Phụ nữ phường Hòa Khánh Nam tiếp tục thực hiện mô hình đợt hai với 13 gia đình tham gia, nhận đỡ đầu 26 em sinh viên Lào.

Tham gia mô hình “Người mẹ thứ hai”, mỗi gia đình hội viên phụ nữ nhận đỡ đầu hai sinh viên Lào. Vào mỗi dịp cuối tuần, lễ, Tết, các em sinh viên Lào thường về thăm, sinh hoạt cùng gia đình các mẹ. Đây là dịp để các em giao lưu, tìm hiểu những phong tục, tập quán, nét văn hóa truyền thống, ẩm thực của người Việt Nam cũng như trau dồi kỹ năng nói tiếng Việt ngày càng tốt hơn. Mô hình “Người mẹ thứ hai” không chỉ là một hoạt động nhân ái thông thường mà đã trở thành cầu nối ngoại giao quan trọng giữa hai đất nước, giúp lan tỏa tinh thần tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị và xây dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nhân văn, nghĩa tình trong mắt bạn bè quốc tế.