Độc đáo trà sen Tây Hồ

Trà sen Tây Hồ là thức uống tao nhã được rất nhiều người ưa thích. Từ lâu, nghệ thuật ướp trà sen đã trở thành nét đẹp văn hóa, mang hương vị đặc trưng của đất Hà thành.

Trà sen phải được làm từ loại sen Bách Diệp mới đạt chuẩn.
Trà sen phải được làm từ loại sen Bách Diệp mới đạt chuẩn.

1/ Mỗi năm, sen Hồ Tây nở từ tháng 5 đến cuối tháng 8. Đây là lúc người Hà Nội thích thú tìm mua những bó sen tươi về làm đẹp cho ngôi nhà của mình, số khác thì say sưa tạo dáng chụp ảnh bên hồ sen thơ mộng. Còn với những người trồng sen quanh khu vực Hồ Tây thì đây là lúc bắt đầu ướp trà sen.

Trà sen Tây Hồ từ lâu đã nổi tiếng, chẳng thế mà nhà văn Nguyễn Tuân từng mô tả về sự kỳ công trong việc thưởng trà ở tác phẩm “Chén trà sương sớm” (tập truyện ngắn “Vang bóng một thời”) rằng: “Nước pha trà không gì thơm lành bằng cái thứ nước đọng trên lá sen. Mỗi lá chỉ có ít thôi. Phải gạn vét ở nhiều lá mới đủ uống một ấm”. Uống một tách trà ấy, những người sành trà sẽ khó quên vị chát lúc đầu, vị ngọt nơi cổ họng về sau cùng hương sen cứ phảng phất ngan ngát với một tinh thần phấn chấn.

Nghệ nhân ướp trà Đào Thị Thu Phương (số 1, ngõ 433, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) chia sẻ, trà sen ngon nhất phải là loại sen Bách Diệp của Hồ Tây và trà phải là loại trà mộc, bởi ướp bằng trà mộc thì mới có đầy đủ hương vị của sen. Cô cho biết: “Không nơi nào có loại sen mà bông to, nhiều cánh và thơm như ở Tây Hồ. Khu vực Đầm Trị gần Phủ Tây Hồ mới cho bông mầu hồng tươi, hương thơm ngát. Hoa sen chung quanh hoặc bên kia sông Hồng đều không bằng được”.

Anh Chu Hải Quỳnh (quận Tây Hồ, Hà Nội) chuyên nghiên cứu và tìm hiểu về các loại trà cho biết, ở đất Tây Hồ có rất nhiều nghệ nhân cao tuổi làm trà sen với kinh nghiệm vài chục năm. Loại trà dùng để ướp với hoa sen cũng phải chọn lọc tận vùng Tân Cương (tỉnh Thái Nguyên), chứ không phải trà nào cứ cho vào sen là thành trà sen. Ngoài ra, do thổ nhưỡng của Hồ Tây khá đặc biệt nên sen Bách Diệp có hương thơm thoảng ngát, mùi ngọt nhẹ. Sen Bách Diệp hiện tại được mang đi nhân giống nhiều nơi nhưng do khác thổ nhưỡng nên mùi hương thường bị hắc chứ không thơm ngọt như sen Hồ Tây. Ngoài trà sen xổi (còn gọi là chè nắm đấm) ướp trà trực tiếp trong bông sen thì trà sen ướp gạo khô cũng là một trong những loại trà tinh hoa, cầu kỳ nhất mà không phải ai cũng làm được. Vì rất cầu kỳ và nhiều công đoạn nên để ra được một mẻ trà sen khô cần 15 - 21 ngày ủ và chế biến.

2/ Để phục vụ thị hiếu mới, những năm gần đây, người dân Quảng An, Tứ Liên, Nhật Tân… rộ lên làm chè ướp sen xổi. Cách làm này không cầu kỳ và đòi hỏi nhiều công đoạn như trà sen truyền thống, không phải trải qua nhiều khâu và thời gian ủ lâu ngày như trước mà hiệu quả đem lại cao hơn.

Tuy nhiên, việc làm theo phong trào, bán theo thời vụ nhưng vẫn gắn nhãn khiến danh tiếng trà sen Tây Hồ bị ảnh hưởng rất nhiều. Ngoài ra, việc chọn hoa sen để làm trà đôi khi họ cũng không tìm hiểu, có những người mua nhầm phải hoa sen quỳ hoặc mua hoa sen ngoài chợ đã nở từ hôm trước thì sẽ không còn hương để ướp trà nữa. Nguy hiểm hơn là một số còn cho hương liệu tạo mùi vào để đánh lừa người tiêu dùng. Chính vì vậy, cách tốt nhất để mua được trà sen chuẩn là tìm đến các cửa hàng uy tín, chuyên về làm trà bởi đây là nghề gia truyền, họ sẽ dồn hết công sức và tâm huyết vào mỗi mẻ trà chứ không chạy theo phong trào, thời vụ.

Với trà sen Tây Hồ, sau khi trải qua các công đoạn làm cầu kỳ, chờ cho trà lên đủ hương thì sẽ được cho vào ngăn đá tủ lạnh. Như vậy có thể bảo quản quanh năm, đặc biệt dành cho dịp Tết khi nhu cầu thưởng thức trà sen tăng cao. Theo cô Phương, nghề làm trà sen tuy đã có nhiều thay đổi so truyền thống nhưng vẫn mang hương sắc đặc trưng. Đã là trà sen Hồ Tây thì lúc pha trà phải bóc ra lấy hết cả tua và đài hoa để pha. Khi rót ra chén sẽ có mùi hương rất đặc trưng mà chỉ có sen Tây Hồ mới có.

Trà sen Tây Hồ đặc biệt và khác với những loại trà khác bởi mang sự thanh tao, thuần khiết chứ không nồng như những loại trà ướp hương khác. Những người con xa xứ lâu năm khi uống trà sen thường cảm thấy nhớ quê hương, nhớ về nơi “chôn nhau cắt rốn”, như một phần tinh thần, cốt cách dân tộc khó có thể quên.