Phụ nữ Ứng Hòa tích cực khuyến nông

Sau gần một tháng được Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội tổ chức tập huấn tại hai xã Hoa Sơn và Phương Tú thuộc huyện Ứng Hòa (Hà Nội), mô hình “Phụ nữ tham gia xử lý rơm, rạ sau thu hoạch” đã bước đầu cho kết quả khả quan, góp phần bảo vệ môi trường và tận dụng được nguồn rác hữu cơ làm phân bón vi sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Phụ nữ Ứng Hòa thực hành xử lý rơm rạ và rác hữu cơ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Phụ nữ Ứng Hòa thực hành xử lý rơm rạ và rác hữu cơ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giải pháp đa năng, hiệu quả, dễ làm

Cứ mỗi vụ thu hoạch, một lượng khổng lồ rơm rạ trở thành phế phẩm nông nghiệp thải ra môi trường. Tất nhiên, rơm rạ không khó để phân hủy và đã có một số cách truyền thống để tận dụng như làm chất đốt, thức ăn cho trâu bò. Nhưng vẫn còn số lượng lớn rơm rạ chưa được xử lý đúng cách, có thể gây ảnh hưởng không tốt tới chất lượng đất và cây trồng, như hiện tượng nhiệt rễ, thối rễ khi bà con triển khai mùa vụ mới. Bởi vậy, mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch do Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội mới tổ chức cho hội viên hai xã Hoa Sơn và Phương Tú là một giải pháp hoàn toàn mới và thiết thực nhằm tận dụng triệt để không chỉ rơm rạ, mà còn xử lý được lượng lớn rác thải hữu cơ tại nông thôn.

Hai xã của huyện Ứng Hòa sẽ là những nơi thực hiện thí điểm để tuyên truyền trước, sau đó giai đoạn tiếp theo sẽ triển khai nhân rộng tại các xã trên địa bàn huyện, đặc biệt là vào vụ thu hoạch tới dự kiến vào tháng 8 âm lịch. Bà Nguyễn Thị Liên, Chủ trang trại giun quế GHT (xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn) đã hướng dẫn cán bộ, hội viên phụ nữ cách làm IMO, một loại men ủ rơm rạ sau thu hoạch. Men IMO là thành phần quan trọng trong việc ủ phân bón kích hoa quả, đạm bón lá, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, nam dược cho vật nuôi và rất nhiều công dụng khác. Loại men này rất dễ tự sản xuất vì thành phần chủ yếu là cám gạo, men tiêu hóa, đường mía, men rượu…

Chị Nguyễn Thị Quyên, nữ hội viên tại xã Hoa Sơn và là một trong năm hộ đầu tiên tham gia chương trình, nói: “Đầu tiên, mọi người phải tấp nước 10-15kg rơm rạ. Sau đó, chúng tôi bổ sung rau, củ quả thối, lá đu đủ… tất cả được băm nhỏ và nhào cùng với men vi sinh IMO. Tiếp theo chúng tôi phủ tiếp một lớp rơm rạ mỏng nữa rồi tấp nước cho ướt và phủ lại. Bình thường rơm rạ phân hủy phải mất 1-2 tháng trong môi trường thích hợp nhưng hiện nay chỉ cần 5 ngày, rơm rạ đã mục mà không hề có mùi khó chịu. Ngoài ra, còn có thêm lượng lớn nước rác hữu cơ phân hủy để tưới rau rất tốt. Từ hôm áp dụng mô hình này, có hơn 20 người trong thôn tôi ở đã sang học hỏi cách làm để về áp dụng. Cá nhân tôi cho rằng, cách làm này rất hiệu quả để bảo vệ môi trường vì tận dụng được rau củ quả thối, đồng thời cây lúa phát triển không bị nhiệt rễ, thối rễ vì rơm rạ chậm phân hủy ngoài đồng”.

Lan rộng mô hình nông nghiệp bền vững

Đây cũng là mô hình nằm trong phần việc thực hiện Đề án “Đẩy mạnh vai trò của hội phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025” của thành phố Hà Nội. Vai trò đi đầu của hội phụ nữ xã là rất quan trọng, khi vừa là những người tổ chức, hướng dẫn bà con vừa trực tiếp tham gia vào mô hình để là tấm gương tuyên truyền. Chị Trọng Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hoa Sơn cho biết: “Hơi tiếc là thời điểm tập huấn cho bà con thì đã qua mất vụ gặt vài ngày, nhưng cũng có cái may là những mùa thu hoạch sau này, đông đảo người dân có thể áp dụng kiến thức xử lý rơm rạ và rác hữu cơ. Hiện nay, có năm hộ gia đình làm mẫu ngay trên bờ ruộng và trong vườn nhà họ. Ngoài xử lý rơm rạ và rác hữu cơ, người dân đã có thêm kiến thức về việc phân loại rác hữu cơ, cách làm men vi sinh IMO với nhiều tác dụng, không chỉ làm phân bón nông nghiệp, mà còn cả thuốc chống ruồi muỗi, nước lau nhà, rửa bát hay thậm chí cả dầu gội đầu”.

Đánh giá về kết quả mô hình thực tế sau khoảng gần một tháng thực hiện, số lượng người dân học theo các hộ kiểu mẫu thực hiện mô hình xử lý rơm rạ và rác hữu cơ ngày càng nhiều. Ước tính hôm tập huấn mô hình xử lý rác có khoảng 80-100 người dân địa phương tới tham dự, mặc dù sau ngày hôm đó chỉ có 5 hộ đăng ký làm mẫu, nhưng hiện nay ước tính số lượng người dân hiểu và bắt đầu làm tăng gấp đôi, gấp ba. “Ban đầu, nghe lý thuyết về phương pháp này tưởng chừng phức tạp, nhưng thực tế khi trực tiếp xắn tay vào làm chúng tôi nhận ra rằng, nó đơn giản lắm. Chúng tôi học được cách xử lý rác hữu cơ tại gia bằng phương pháp ủ hiếu khí và ủ Bokashi. Theo đó, phương pháp ủ hiếu khí là cho không khí vào trong rác còn phương pháp Bokashi là ủ yếm khí. Các nguyên liệu để ủ rác hữu cơ hoàn toàn có sẵn và giá thành rẻ để hộ dân có thể tự làm như đường vàng, men vi sinh, nước gạo…”, bà Nguyễn Thị Chuyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hoa Sơn chia sẻ.

Sắp tới, hội phụ nữ xã tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền hướng dẫn phân loại rác cho các hộ dân. Đồng thời, các hộ bắt đầu tham gia chương trình mà chưa tham gia tập huấn sẽ được thành viên chi hội phụ nữ hỗ trợ, tư vấn thêm về kiến thức, cách làm men IMO, các phương pháp ủ. Có thể nói, mô hình này đã góp phần giúp người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm và phát huy vai trò của phụ nữ trong việc bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Các biện pháp xử lý, tái chế rơm rạ, cây trồng sau vụ thu hoạch đồng thời giúp giảm thiểu chi phí phân bón trong sản xuất nông nghiệp.