Phòng, chống, ngăn chặn nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị trong đội ngũ nhà báo

Báo chí cách mạng đóng góp vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền tư tưởng, lý luận của Đảng và định hướng dư luận xã hội tích cực. Điều đó đòi hỏi đội ngũ nhà báo, một mặt, phải rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, trau dồi về đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới; mặt khác, phải gột rửa mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị trong một bộ phận nhà báo ở nước ta.
0:00 / 0:00
0:00
Đội ngũ phóng viên tác nghiệp tại vùng dịch. Ảnh: DUY LINH
Đội ngũ phóng viên tác nghiệp tại vùng dịch. Ảnh: DUY LINH

Nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của một số nhà báo

Không khó để nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận nhà báo cả trong quá khứ và hiện tại. Đây là những biểu hiện để cảnh tỉnh cho chúng ta về nguy cơ hiện hữu sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ nhà báo có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ ai. Có thể chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận nhà báo hiện nay là:

Xu hướng cổ xúy cho cái gọi là “quyền lực thứ tư” (sau quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp). Không ít nhà báo lạm dụng thẻ nhà báo và coi nó là “giấy thông hành” để được ưu tiên tham gia các hoạt động xã hội mang tính tập thể; là “lá bùa hộ mệnh”, khi vi phạm pháp luật (nhất là vi phạm Luật An toàn giao thông đường bộ và vi phạm các quy định về hoạt động báo chí); đặc biệt, có những nhà báo biến chất đã để cho những kẻ có chức quyền, tiền bạc, kẻ cơ hội, thậm chí cả những nhân vật thuộc giới “xã hội đen” mua chuộc, cấu kết và lợi dụng nhằm phục vụ lợi ích nhóm tiêu cực.

Một số nhà báo có biểu hiện xa rời tính Đảng trong hoạt động báo chí. Họ là những người có kỹ năng làm báo chuyên nghiệp, nhưng ý thức chính trị còn hạn chế, nhất là thiếu tri thức về chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thiếu niềm tin, ngờ vực vào sự thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, hoài nghi về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, có thái độ chưa đúng đắn trước những khó khăn, thách thức của đất nước và thờ ơ với vận mệnh của dân tộc.

Có tình trạng một số nhà báo hiện nay khi đăng trên các loại hình báo chí chính thống, được cấp phép thì viết, nói theo đường lối quan điểm của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước; nhưng trên các nền tảng mạng xã hội lại đưa ra những phát ngôn, bình luận không nhất quán, chia sẻ các bài viết trái ngược với quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; thậm chí, “làm tường” cho một số đối tượng cơ hội chính trị “gắn thẻ” để tán phát các nội dung xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam… Một số nhà báo đương chức và đã nghỉ hưu có tài khoản Facebook “tích xanh”, là các KOLs (Key Opinion Leaders - người có tầm ảnh hưởng) của mạng xã hội, nhân danh “phản biện xã hội” để mập mờ đưa ra các luận điệu trái chiều, thiếu căn cứ khoa học, mưu toan “dẫn dắt”, “định hướng chính trị - tư tưởng” theo chiều hướng tiêu cực và mong muốn “dắt mũi” dư luận vì mục đích xấu…

Ở mức độ cao hơn, có cả người đứng đầu một số cơ quan báo chí mở các chuyên mục: “Cùng bàn luận”, “Bạn đọc viết”, “Bạn đọc làm báo”… nhưng lại thiếu trách nhiệm trong quản lý, kiểm soát nội dung khi đăng tải, dẫn lại những thông tin chưa được kiểm chứng, những quan điểm tiêu cực, sai trái gây bức xúc trong dư luận cả trong nước và ở nước ngoài, rồi phủi trách nhiệm bằng cách cuối bài viết có chú thích rằng, bài viết trên thể hiện quan điểm của tác giả… Theo đó, họ đã làm biến dạng hoặc trái lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đề nghị các báo coi ý kiến bạn đọc là những ý kiến đấu tranh giữa cái mới đấu tranh với cái cũ, cái tốt đấu tranh với cái không tốt.

Phòng, chống, ngăn chặn nguy cơ suy thoái về chính trị trong đội ngũ nhà báo hiện nay

Có nhiều nguyên nhân, cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, song theo chúng tôi nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, đó là:

Nguyên nhân từ việc giao quyền tự chủ tài chính cho các cơ quan báo chí là “con dao hai lưỡi” khiến không ít cơ quan báo chí chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần và xa rời tôn chỉ, mục đích, xa rời chính trị. Nguyên nhân từ công tác tuyển dụng, giáo dục và rèn luyện toàn diện đội ngũ nhà báo của một số cơ quan báo chí chưa chặt chẽ, nhất là chưa quan tâm bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ này.

Hơn nữa, công tác lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí, nhất là với việc viết tin, bài của đội ngũ nhà báo và cộng tác viên ở một số cơ quan báo chí còn yếu kém. Nguyên nhân là do không ít nhà báo vướng vào “chủ nghĩa cá nhân” nên không còn “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, vì lợi ích vị kỷ, vì lợi ích nhóm tiêu cực sẵn sàng “bán mình” nên bị mua chuộc.

Nhận diện biểu hiện suy thoái về chính trị trong nội bộ những người làm báo đã khó, phòng, chống nó còn khó khăn hơn và không đơn giản vì đó là cuộc đấu tranh trong nội bộ ta, đấu tranh phòng, chống với những con người do chính chúng ta đào tạo và sử dụng; vì vậy phải có nguyên tắc, các nguyên tắc cơ bản đó là:

Tránh “vơ đũa cả nắm”: Đây là nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong phòng, chống nguy cơ suy thoái về chính trị trong đội ngũ nhà báo; theo đó, cần phân biệt rõ, không đánh đồng lập trường chính trị với nhận thức tư tưởng, nhận thức lý luận; nhiều khi do nhận thức chưa sâu sắc, toàn diện mà phạm sai lầm về chính trị thì không nên vội chính trị hóa và quy kết là suy thoái về chính trị trong đội ngũ nhà báo.

Phải kết hợp giữa “phòng và chống”: Đây chính là quan điểm được Đảng xác định trong Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) là: “Kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”. Để quan điểm này của Đảng đi vào cuộc sống, nhất là trong phòng, chống suy thoái về chính trị trong đội ngũ nhà báo, đòi hỏi “xây” phải đi liền với “chống”, không chỉ dừng lại ở khâu triển khai lãnh đạo, chỉ đạo, mà từng tổ chức đảng, từng cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là mỗi nhà báo phải thật sự thấm nhuần và thực hiện nghiêm túc.

Phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị trong đội ngũ nhà báo hiện nay là cấp thiết và đòi hỏi có hệ thống giải pháp đồng bộ để giải quyết được cả những vấn đề cấp bách trước mắt và cả lâu dài; theo chúng tôi, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực báo chí và truyền thông. Theo đó, sự lãnh đạo của Đảng tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt là điều kiện tiên quyết để giữ vững định hướng chính trị của báo chí nói chung, tăng cường tính Đảng của các sản phẩm báo chí và phẩm chất, bản lĩnh chính trị của đội ngũ nhà báo nói riêng. Hiện nay, trước hết và trên hết phải thực hiện nghiêm Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới.

Đẩy mạnh xây dựng các cơ quan báo chí, tổ chức Hội vững mạnh toàn diện; tiếp tục đổi mới và nâng cao vai trò, uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam trong hoạt động báo chí và đời sống xã hội, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại vì lợi ích của đất nước và nhân dân.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà báo “vừa hồng, vừa chuyên”, trong đó tập trung xây dựng đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng đạo đức cách mạng, nhất là đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên ngành báo chí và đội ngũ nhà báo.

Hơn ai hết và không ai khác, đội ngũ nhà báo phải tự rèn luyện bản lĩnh chính trị, trau dồi đạo đức cách mạng. Đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định trong phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ nhà báo hiện nay. Theo đó, từ nhà báo và cả đội ngũ nhà báo phải hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại lời của V.I.Lenin và căn dặn: “Về trách nhiệm báo chí, Lênin có nói: Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công” (*).

______________________

(*) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 167.