Phiên tòa về tội ác diệt chủng

Ngày 10/5 vừa qua, Philippe Hategekimana (trong ảnh), một cựu cảnh sát quân đội Rwanda đã nhập quốc tịch Pháp bị Tòa án tại Paris (Pháp) xét xử với cáo buộc liên quan diệt chủng và tội ác chống lại loài người tại Rwanda năm 1994. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 30/6.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: DAILY MAVERICK
Ảnh: DAILY MAVERICK

Philippe Hategekimana, 66 tuổi, bị cáo buộc liên quan vụ sát hại hàng trăm người dân tộc thiểu số Tutsi tại Rwanda khi đang giữ cương vị quan chức cảnh sát cấp cao ở thủ phủ tỉnh Nyanza, miền nam nước này. Các nguyên đơn cho rằng, Hategekimana đã lợi dụng vị trí và quyền hạn của mình để góp phần tích cực vào tội ác diệt chủng. Họ cáo buộc y đã tham gia vào việc tổ chức các hoạt động tiêu diệt ở Nyanza và các ngôi làng lân cận.

Hategekimana cũng bị buộc tội sát hại thị trưởng của thị trấn Ntyazo, người đã dũng cảm phản đối các vụ giết người. Ngoài ra, Hategekimana bị cho là liên quan vụ thảm sát 300 người Tutsi trên đồi Nyamugari và tham gia một cuộc tấn công ở đồi Nyabubare khiến 1.000 thường dân thiệt mạng. Phiên tòa xét xử đối tượng này dự kiến ​​kết thúc vào tháng 6, bao gồm lời khai của khoảng 100 nhân chứng. Nếu bị kết tội, Hategekimana có thể phải đối mặt án tù chung thân.

Theo Le Monde, Hategekimana bỏ trốn sang Pháp 5 năm sau cuộc diệt chủng, lấy tư cách tị nạn dưới tên giả là Philippe Manier. Y làm bảo vệ trường đại học ở thành phố Rennes và nhập quốc tịch Pháp năm 2005. Cuối năm 2017, sau khi truyền thông đưa tin Tập thể các đảng dân sự cho Rwanda (CPCR), một trong những nguyên đơn tại phiên tòa đang diễn ra, đã đệ đơn kiện y, Hategekimana trốn khỏi Pháp để đến Cameroon. Đối tượng bị bắt tại Thủ đô Yaounde của Cameroon năm 2018 và bị dẫn độ sang Pháp. Theo lệnh truy tố dài 170 trang do Le Monde đăng tải, Hategekimana bị cáo buộc đóng “vai trò quan trọng trong việc thực hiện tội ác diệt chủng người Tutsi”.

Phiên tòa bắt đầu vào ngày 10/5 vừa qua là phiên tòa thứ năm ở Pháp xét xử một đối tượng bị cáo buộc tham gia cuộc diệt chủng tại Rwanda, sau nhiều năm căng thẳng giữa Paris và Kigali về vai trò của Pháp trước và trong các vụ giết người diệt chủng. Kigali cáo buộc Pháp đã không có các động thái mạnh mẽ cần thiết để ngăn chặn nạn diệt chủng và sau đó là chần chừ trong việc thực thi công lý đối với tội ác này.

Trong nhiều năm, Kigali đã cáo buộc Pháp là một trong những điểm đến hàng đầu của những kẻ gây ra vụ thảm sát. Không chỉ vậy, chính phủ “đất nước hình lục lăng” còn bị Rwanda cáo buộc “che chở” cho các nghi phạm diệt chủng. Pháp thường từ chối yêu cầu dẫn độ các nghi phạm đến Rwanda, khiến Tổng thống Rwanda Paul Kagame cho rằng, Paris đang từ chối quyền tài phán của Rwanda. Mối quan hệ giữa Pháp và Rwanda đã được cải thiện đáng kể từ năm 2021, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố một báo cáo của các nhà sử học nước này, trong đó cho thấy Pháp cũng có trách nhiệm trong thảm họa diệt chủng tại Rwanda.

Phiên tòa xét xử tội ác diệt chủng Rwanda đầu tiên ở Pháp diễn ra vào năm 2014, khi một cựu trùm gián điệp bị kết án 25 năm tù. Hai cựu thị trưởng, một cựu tài xế và một cựu quan chức cấp cao đã phải đối mặt những phiên tòa tương tự. Một cựu bác sĩ người Rwanda tên là Sosthene Munyemana, sống ở Pháp từ năm 1994, sẽ phải hầu tòa ở Paris vào cuối năm nay.

Liên quan tội ác diệt chủng ở Rwanda, các cuộc khai quật hồi tháng 3 vừa qua tại miền nam nước này đã giúp phát hiện một ngôi mộ tập thể bao gồm hơn 1.100 thi thể nạn nhân. Những nạn nhân này được cho là đã bị giết hại trong các vụ thảm sát ở nhà thờ và giáo xứ Mibirizi vào tháng 4/1994. Đây là ngôi mộ tập thể lớn nhất được tìm thấy ở Rwanda kể từ năm 2020. Trong vụ diệt chủng tại Rwanda năm 1994, khoảng 800.000 người, chủ yếu là người dân tộc Tutsi và một số ít người Hutu, đã bị tàn sát trong vòng 100 ngày. Đây được cho là một trong những vụ diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại. LHQ sau đó chọn ngày 7/4 hằng năm là “Ngày quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của vụ diệt chủng ở Rwanda”.