Phát triển không gian ngầm

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, việc quy hoạch, tính toán phát triển các không gian ngầm là điều cần thiết để giảm tải áp lực hạ tầng giao thông. Đến nay, sự tập trung cho không gian ngầm còn chậm và có thể sẽ muộn hơn nữa nếu không có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt.

Thi công dự án tàu điện ngầm tuyến Nhổn-Ga Hà Nội. Ảnh: HẢI NAM
Thi công dự án tàu điện ngầm tuyến Nhổn-Ga Hà Nội. Ảnh: HẢI NAM

Nhu cầu cần thiết

Những năm gần đây, một số công trình sử dụng không gian ngầm đã xuất hiện như tuyến tàu điện ngầm, ga tàu điện ngầm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; cùng với hầm đường bộ; hầm vượt sông; hầm cho người đi bộ; bãi đỗ xe ngầm cũng đã được xây dựng tại các thành phố lớn trên cả nước. Tại TP Hồ Chí Minh đã có đường cống thoát nước với đường kính hơn 3.000 mm dưới đường phố hay hầm ngầm vượt qua các sông lớn. Tại Hà Nội, không ít các trung tâm công cộng, thương mại dịch vụ dưới lòng đất tại các khu chung cư cao tầng như Times City, Royal City đã tạo nét khác biệt cho tổ hợp kiến trúc tại khu đô thị mới.

Hiện nay, quỹ đất tại đô thị ngày càng hạn hẹp, vì thế việc tập trung phát triển hệ thống giao thông ngầm là việc làm cần thiết để tháo gỡ khó khăn trong việc giảm áp lực giao thông công cộng đang ngày càng quá tải. Nhìn nhận kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới, có thể thấy họ có chiến lược phát triển rõ ràng với đường sắt đô thị ngầm, bến bãi đỗ xe ngầm từ khi mới đạt 2-3 triệu dân. Tại những thành phố tập trung đông dân cư, các trung tâm thương mại dịch vụ đều xoay quanh đầu mối giao thông ngầm nên rất thuận lợi cho việc di chuyển cũng như kích thích kinh tế phát triển. Có thể thấy, cách thiết kế đô thị này không chỉ san sẻ gánh nặng cho không gian nổi mặt đất, mà còn tạo điều kiện cho việc hình thành đô thị “nén” mà vẫn giảm được tác động tiêu cực lên hệ thống hạ tầng giao thông.

Theo xu hướng chung của thời đại, Việt Nam đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh với việc áp dụng khoa học-công nghệ vào xây dựng, vận hành quản lý hạ tầng xã hội theo hướng hiện đại hóa. Trước đây, chúng ta đã có nghiên cứu xây dựng các công trình ngầm nhưng chỉ nhằm giải quyết nhu cầu cục bộ. Vì vậy, mục tiêu quy hoạch không gian ngầm đã đặt ra yêu cầu phải tạo sự liên kết tổng thể để gắn kết với không gian trên mặt đất, tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh. Không gian ngầm không chỉ để phục vụ giao thông mà còn phục vụ văn hóa và dịch vụ thương mại, có sự liên kết trong toàn khu vực chứ không chỉ cục bộ ở từng địa điểm hoặc từng lô đất.

Còn những bất cập

Tốc độ đô thị hóa nhanh đang khiến Hà Nội quá tải, trong khi khu vực ngoại thành với những đô thị vệ tinh lại chưa hình thành, chưa đủ điều kiện kéo giãn mật độ dân cư, hạn chế áp lực về giao thông, môi trường. Việc các hình thức vận tải công cộng, đặc biệt đường sắt đô thị phát triển chậm chạp khiến các đầu mối giao thông công cộng chưa được định hình. Thực tế, nhiều khu vực nội thành Hà Nội thiếu từ đường sá, bến bãi gửi xe cho đến không gian làm dịch vụ, thương mại; các khu vực kết hợp dịch vụ với hoạt động văn hóa, vui chơi còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu của thành phố có chục triệu dân. Thế nên, dù đang vươn mình trở thành một đại đô thị với nền kinh tế đa dạng, song Hà Nội chưa thật sự cho thấy sự phát triển đồng bộ về hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan đô thị. Điều này phần nào được phản ánh qua những bất cập như tắc đường, ô nhiễm khói bụi, rác thải, vệ sinh môi trường ngày càng nan giải, làm giảm hiệu quả không gian phục vụ đời sống dân sinh cũng như nền kinh tế. Chính vì chưa có quy định cụ thể nên đã xảy ra trường hợp người dân xây dựng nhà để ở nhưng có đến 4-5 tầng hầm tại quận Ba Đình (Hà Nội) đã gây ra bức xúc, kiện cáo của những hộ dân chung quanh.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, sau khi bản quy hoạch được phê duyệt, để phát huy giá trị trong thực tiễn rất cần phải điều chỉnh, hoàn thiện các cơ sở pháp luật có liên quan, cụ thể là Luật Đất đai. Xem xét đến công tác quản lý hệ thống không gian ngầm như thế nào để vừa tạo ra tiềm năng mới về giao thông, dịch vụ thương mại nhưng vẫn phải bảo đảm môi trường và chống tác động của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, thành phố cũng cần quan tâm tháo gỡ những quy định liên quan, tạo hành lang pháp lý rõ ràng để đẩy nhanh tiến độ các công trình ngầm còn dang dở, chậm trễ. Đặc biệt giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của các dự án đường sắt đô thị, bởi những dự án này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển hạ tầng giao thông đô thị, mà còn là tiền đề để đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Hiện tại, những vấn đề liên quan thực hiện quy hoạch không gian ngầm hầu như vẫn đang bị bỏ ngỏ, chưa có quy định cụ thể. Thí dụ như không gian mặt đất và không gian ngầm được thống nhất và đồng bộ như thế nào; sử dụng đất đến độ sâu bao nhiêu và sâu vào lòng đất tối đa là bao nhiêu chưa được quy định rõ ràng. Cùng với đó, những vấn đề về sở hữu công trình, không gian ngầm; phạm vi bảo vệ và hành lang an toàn của công trình ngầm, đặc biệt các tuyến tàu điện ngầm quy định như thế nào cũng chưa được nêu trong bất kỳ văn bản pháp luật nào.