“Hạ nhiệt” căng thẳng thương mại
Tranh cãi liên quan vấn đề đánh bắt thủy hải sản sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit) bùng phát cuối tháng 10 vừa qua, với việc Pháp bắt giữ tàu khai thác sò điệp Cornelis Gert Jan gần cảng Le Havre. Paris tuyên bố sẽ cấm tàu cá Anh cập bến tại các cảng của Pháp và tăng cường kiểm tra hàng hóa nhập khẩu của Anh vào Pháp từ ngày 2/11, nếu chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson không cấp thêm giấy phép cho các tàu cá của nước này.
Tuy nhiên, vài giờ trước thời hạn trên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố hoãn áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Anh, để các nhà đàm phán của hai nước có thể tiếp tục thảo luận các đề xuất mới nhằm tháo gỡ những tranh cãi giữa hai bên về quyền đánh bắt thủy - hải sản hậu Brexit.
Tổng thống Macron đã đưa ra quyết định trên sau những can thiệp của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm xoa dịu căng thẳng leo thang giữa Anh và Pháp. Trong nỗ lực hòa giải, EC đã triệu tập một cuộc họp trực tuyến giữa các quan chức của EC, Pháp, Anh để đưa ra giải pháp nhanh chóng cho các vấn đề còn tồn tại.
Trả lời câu hỏi của truyền hình Sky News liên quan tàu Cornelis Gert Jan nói trên, Bộ trưởng Môi trường Anh George Eustice bày tỏ hoan nghênh thiện chí của Pháp. Người phát ngôn của Chính phủ Anh khẳng định, quan điểm nhất quán của London là sẵn sàng tiếp tục các cuộc thảo luận sâu hơn về vấn đề đánh bắt cá, bao gồm việc xem xét bằng chứng mới để hỗ trợ các đơn xin cấp phép còn lại. Anh cũng hoan nghênh việc Pháp thừa nhận rằng cần có các cuộc thảo luận sâu hơn để giải quyết hàng loạt khó khăn trong mối quan hệ Anh - EU.
Tranh chấp về cấp phép đánh bắt cá thời kỳ hậu Brexit là một phần trong quan hệ căng thẳng gần đây giữa Anh và Pháp. Pháp cáo buộc Anh chỉ cấp một nửa số giấy phép đánh bắt mà nước này được hưởng theo thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU. Trong khi đó, Anh cho biết đã cấp giấy phép cho gần 1.700 tàu của EU đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này từ ngày 31/12/2020, tương đương giải quyết tới 98% các đơn xin cấp phép của EU.
Thu hẹp bất đồng Anh - EU
Việc Anh và Pháp nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng đã tác động tích cực tới quan hệ giữa “xứ sở sương mù” và EU, trong bối cảnh Anh và EU đang đàm phán về Nghị định thư Bắc Ireland. Người phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết, mặc dù các cuộc đàm phán giữa Anh - EU về Nghị định thư Bắc Ireland trong tuần thứ hai đã mang tính xây dựng, nhưng vẫn còn những khác biệt đáng kể giữa hai bên. Người phát ngôn nêu rõ: “Các đề xuất của EU thể hiện một bước tiến đáng hoan nghênh, nhưng chưa thể giải phóng hàng hóa giữa Anh và Bắc Ireland ở mức độ cần thiết về lâu dài”. Theo kế hoạch, hai bên sẽ gặp lại nhau tại Brussels (Bỉ) để bàn thảo thêm về vấn đề này.
Anh và EU coi việc điều chỉnh Nghị định thư là một giải pháp lâu dài cho tình trạng gián đoạn thương mại hậu Brexit ở Bắc Ireland. Anh mong muốn có một cuộc đàm phán lại về giao thức. Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh David Frost đề xuất kế hoạch về một nghị định thư hoàn toàn mới thay thế Nghị định thư Bắc Ireland hiện nay, mà ông cho rằng quá “cứng nhắc”.
Trong khi đó, EU cũng đã đưa ra những điều chỉnh của mình, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ Vương quốc Anh đến Bắc Ireland, bao gồm cắt giảm các thủ tục hải quan, đơn giản hóa chứng nhận và giảm 80% các thủ tục kiểm tra đối với hàng hóa bán lẻ cho người tiêu dùng Bắc Ireland. EU khẳng định, sẽ bảo đảm nguồn cung cấp thuốc men dành cho người dân Bắc Ireland không bị gián đoạn, thông qua việc thay đổi các quy tắc của liên minh. Phó Chủ tịch EC, ông Maros Sefcovic kêu gọi Anh chấp nhận nhượng bộ và xem xét lại những đề xuất của EU về giảm các khâu kiểm tra đối với hàng hóa Anh vào Bắc Ireland theo Nghị định thư trong thỏa thuận Brexit.
Việc giải quyết những hệ lụy sau khi Anh rời EU là công việc phức tạp. Tuy nhiên, để ổn định tình hình khu vực và cải thiện quan hệ giữa Anh với EU và với từng nước thành viên trong khối, các bên đều nhất trí về sự cần thiết phải giảm căng thẳng bằng những hành động cụ thể trong thời gian sớm nhất có thể.