Phân bổ và khai thác đất đai hợp lý

Sự ra đời của Luật Đất đai năm 2013 đã tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013, mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, song vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đó là nhận xét của nhiều chuyên gia tại Hội thảo quốc gia: “Nghị quyết 18/NQ-TW/2022 và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Đất đai”.
0:00 / 0:00
0:00
Đất đai cần được phân bổ phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Ảnh: NAM ANH
Đất đai cần được phân bổ phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Ảnh: NAM ANH

Điển hình, đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các đơn thư khiếu nại, tố cáo (hơn 60%). Các vụ án hành chính liên quan đến đất đai có xu hướng tăng liên tục từ mức chiếm 64,2% tổng số các vụ án về hành chính năm 2015 lên hơn 80% năm 2020…

Tại hội thảo, TS Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Tổng cục Quản lý đất đai nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến Luật Đất đai 2013 theo Nghị quyết số 18-NQ/TW. Bởi đây là luật có phạm vi rộng, liên quan nhiều đối tượng, liên quan nhiều luật và trên thực tế thực hiện gặp nhiều vướng mắc.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều, sửa đổi, bổ sung 153 điều, bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều. Sửa đổi Luật Đất đai để giải quyết các mâu thuẫn có liên quan đến đất đai, cố gắng phân cấp triệt để cho các địa phương xử lý các vấn đề về đất đai, bảo đảm sự cân bằng giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân theo hướng người sử dụng đất được hưởng lợi nhiều nhất; đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, sử dụng công cụ hiện đại, ứng dụng công nghệ để bảo đảm tính minh bạch trong xử lý về đất đai.

Một trong những vấn đề nổi bật thu hút sự quan tâm tại hội thảo là cách thức xác định giá đất theo cơ chế thị trường, phương pháp định giá đất và tổ chức định giá, thuế đất hạn chế đầu cơ và điều tiết giá trị tăng thêm từ đất, thu hồi và chính sách bồi thường khi thu hồi đất, hoàn thiện các cơ chế, chính sách kinh tế khác về đất đai. GS, TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân khuyến nghị những chính sách kinh tế trong sửa đổi Luật Đất đai 2013, trong đó, cho rằng, cần lập bảng giá đất phù hợp giá trị thị trường của đất đai và cần được cập nhật hằng năm. Phải có quy định về việc đăng ký và cập nhật giá đất hằng năm, quy định quyền ưu tiên mua của Nhà nước đối với đất chuyển nhượng giá thấp.

Cũng theo GS, TS Hoàng Văn Cường, để chống đầu cơ và điều tiết giá trị gia tăng từ đất, đối với đất riêng lẻ cần đánh thuế lũy tiến trên phần diện tích hoặc giá trị đất chiếm giữ vượt trên mức bình quân chung. Nợ thuế vượt quá 50% giá trị thửa đất thì thu hồi đất do vi phạm pháp nghĩa vụ tài chính đất đai. Sửa đổi quy định về kế hoạch sử dụng đất để thu hồi đất vùng phụ cận các dự án đầu tư cải tạo chỉnh trang đô thị, các dự án phát triển kinh tế làm gia tăng giá trị đất liền kề. Đối với cơ chế điều tiết giá trị gia tăng dự án đấu thầu sử dụng đất, giá đất khi đấu thầu dự án là mức giá cam kết thấp nhất dựa trên đơn giá dự tính và diện tích đất thương phẩm sau khi dự án hoàn thành. Khi dự án hoàn thành cần định giá lại mức giá của các loại đất thương phẩm.

Phân tích về đất đai nông, lâm trường quốc doanh, nông dân không có hoặc thiếu đất, GS, TS Đặng Hùng Võ cho biết, cả nước có 256 công ty nông, lâm nghiệp trong đó có 120 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông nghiệp và 136 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do 49 địa phương, tập đoàn, tổng công ty quản lý thuộc diện thực hiện sắp xếp đổi mới. Các công ty này quản lý và sử dựng hơn 2,22 triệu ha đất, trong đó hơn 2,19 triệu ha đất nông nghiệp và hơn 36.800ha đất phi nông nghiệp. Sau khi thực hiện đổi mới, sắp xếp lại, các công ty tiếp tục quản lý, sử dụng 1,858 triệu ha đất, gồm hơn 1,836 triệu ha đất nông nghiệp và hơn 21.000ha đất phi nông nghiệp.

Đến nay, còn 95 doanh nghiệp vẫn chưa trình phương án sắp xếp. Hiện trạng sử dụng đất nông, lâm nghiệp cho hiệu quả sản xuất sau khi sắp xếp lại vẫn chưa hiệu quả, vẫn tồn tại nhiều vấn đề tài chính cũ, việc đo đạc, rà soát, cắm mốc ranh giới, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận công ty, tình trạng tranh chấp đất đai… Diện tích đất bàn giao về địa phương mới được thực hiện khoảng 50% so với phương án được duyệt.