Palestine đẩy nhanh tiến trình gia nhập LHQ

Đặc phái viên của Palestine tại LHQ Riyad Mansour cho biết, chính quyền Palestine muốn Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ bỏ phiếu trong tháng này để trở thành thành viên chính thức của LHQ. Mặc dù vậy, đề xuất này có thể bị Mỹ - là một đồng minh của Israel ngăn chặn.
0:00 / 0:00
0:00
Đặc phái viên của Palestine tại LHQ Riyad Mansour. Ảnh: WAFA
Đặc phái viên của Palestine tại LHQ Riyad Mansour. Ảnh: WAFA

Thúc đẩy HĐBA bỏ phiếu thông qua

Ông Riyad Mansour đã công khai kế hoạch trên của Palestine khi cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine ở Dải Gaza sắp bước sang tháng thứ 7 và Israel đang tiếp tục mở rộng các khu định cư ở Bờ tây. Ông Mansour cho biết, Palestine đặt mục tiêu HĐBA sẽ đưa ra quyết định tại cuộc họp cấp bộ trưởng về Trung Đông vào ngày 18/4 tới, nhưng đến nay vẫn chưa có cuộc bỏ phiếu nào được đưa vào chương trình làm việc.

Theo ông Mansour, Palestine đã nộp đơn đăng ký trở thành thành viên đầy đủ của LHQ từ năm 2011 song đến nay vẫn đang chờ xử lý, vì HĐBA gồm 15 thành viên chưa đưa ra quyết định chính thức. Tại thời điểm hiện nay, bên cạnh nỗ lực chấm dứt chiến tranh tại Dải Gaza, áp lực toàn cầu đòi hỏi phải nối lại nỗ lực thực hiện giải pháp hai nhà nước - với một nhà nước Palestine độc lập cùng Israel, cũng ngày càng gia tăng.

Theo quy định, đơn của Palestine xin trở thành thành viên đầy đủ của LHQ cần phải được sự chấp thuận của HĐBA - nơi Mỹ có quyền phủ quyết và sau đó là ít nhất hai phần ba tổng số 193 thành viên của Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu thông qua.

Một ủy ban của HĐBA đã đánh giá đơn đăng ký của Palestine vào năm 2011 trong vài tuần. Tuy nhiên, ủy ban này đã không đạt được quan điểm nhất trí và HĐBA chưa bao giờ bỏ phiếu về nghị quyết công nhận Palestine trở thành thành viên đầy đủ. Sau đó, ngày 30/11/2012, Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết nâng cấp quy chế cho Palestine từ thực thể quan sát viên lên nhà nước quan sát viên.

Nhiều nước kêu gọi công nhận Nhà nước Palestine

Phát biểu ý kiến trước báo giới trong chuyến công du Trung Đông, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết, nước này sẽ công nhận Nhà nước Palestine vào tháng 7 năm nay, đồng thời bày tỏ tin tưởng sẽ có nhiều quốc gia thành viên khác trong Liên minh châu Âu (EU) hưởng ứng động thái này.

Trước đó, tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu (EUC) cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Sanchez cho biết, ông đã nhất trí với các nhà lãnh đạo Ireland, Malta và Slovenia về việc thực hiện các bước đi đầu tiên hướng tới công nhận Nhà nước Palestine, bao gồm khu Bờ tây và Dải Gaza mà Israel chiếm đóng. Kể từ năm 1988 đến nay, 139 trong số 193 quốc gia thành viên LHQ đã công nhận nhà nước Palestine.

Hãng thông tấn nhà nước EFE và các báo El Pais, La Vanguardia ngày 2/4 đưa tin, trong khuôn khổ chuyến công du ba nước Jordan, Qatar và Saudi Arabia, Thủ tướng Sanchez bày tỏ hy vọng cuộc xung đột hiện nay giữa Phong trào Hamas và Israel tại Dải Gaza sẽ được giải quyết. Các nước Arab và EU nhất trí cho rằng giải pháp hai nhà nước là lời giải cho cuộc xung đột hiện nay giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel.

Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc nhanh chóng thúc đẩy một giải pháp chính trị nhằm mở đường cho việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập. Trong cuộc gặp Phái đoàn Fatah, ông Aboul Gheit khẳng định, Phong trào Dân tộc Palestine giữ vai trò là “cương lĩnh bao trùm” cho tất cả các phe phái của Palestine, trong khi đó Phong trào Fatah cũng đóng một vai trò không thể phủ nhận trong cuộc đấu tranh của người Palestine trong nhiều thập kỷ qua.

Tổng Thư ký AL nêu rõ, sự đoàn kết giữa các phe phái của Palestine là không thể thiếu để hiện thực hóa tầm nhìn về một nhà nước Palestine. Nhà lãnh đạo AL nhắc lại sự ủng hộ vững chắc của tổ chức này đối với các quyền của người Palestine, cũng như sự hậu thuẫn rộng rãi trên thế giới cho rằng, người Palestine phải có được quyền tự quyết và việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập là điều tất yếu. Ông Aboul Gheit khẳng định, cách tiếp cận đúng đắn để đàm phán một giải pháp cuối cùng là công nhận nhà nước Palestine là thành viên đầy đủ của LHQ.