Ông khuyến học

Đương nhiệm Chủ tịch Hội Khuyến học phường Quảng An, Trưởng ban khuyến học dòng họ Nguyễn Duy, năm nay vừa 70 tuổi và cũng 10 năm nghỉ hưu, ông Nguyễn Duy Kiểm dường như chẳng có ngày nào rảnh rỗi cả. Khi nghe tôi gọi “ông khuyến học”, ông Kiểm lắc lắc đầu: “Tôi làm có mỗi tí việc, đáng gì đâu”.
0:00 / 0:00
0:00
Ban khuyến học dòng họ Nguyễn Duy phát thưởng cho các cháu có thành tích tốt trong học tập.
Ban khuyến học dòng họ Nguyễn Duy phát thưởng cho các cháu có thành tích tốt trong học tập.

Không ai muốn họ mình kém họ khác…

Vừa tổ chức phát thưởng cho các cháu con em dòng họ Nguyễn Duy để tăng thêm động lực học tập các cháu bước vào năm học mới xong, đã thấy ông Kiểm khi thì họp Ban khuyến học dòng họ để “nghiên cứu” xem năm tới sẽ tổ chức phát thưởng ở đâu cho có ý nghĩa, lúc lại thấy ông tới Trường tiểu học và THCS của phường để bàn “phối hợp” giữa nhà trường và dòng họ. Có hôm còn thấy ông lên Hội Khuyến học của phường, của quận và thành phố để trao đổi, tiếp thu những kinh nghiệm hay, những cách làm hiệu quả.

Tưởng thế đã hết vậy mà “khi thành phố lên đèn” đã thấy ông và vội bát cơm để cùng các vị trong Ban khuyến học dòng họ đến thăm một gia đình nào đó để động viên các cháu và động viên gia đình tích cực tạo điều kiện cho con cháu thi đua theo mô hình “Học trò giỏi. Con cháu chăm ngoan”.

Tôi hỏi: “Công việc nối công việc như vậy bà lão ở nhà có mắc mớ gì không?”. Ông Kiểm cười: “Chẳng những bà lão không mắc mớ gì mà con trai, con dâu tôi cũng hết sức động viên tôi làm cho tròn nhiệm vụ. Các cháu còn hưởng ứng và tham gia nữa”.

Đầu năm 1971, khi ông Kiểm đang học năm thứ nhất Trường đại học Thông tin liên lạc (nay là Học viện Bưu chính viễn thông) thì nhập ngũ. Chàng sinh viên người làng hoa Quảng Bá năm 1971 đó đã cùng sinh viên các trường đại học ở Hà Nội “xếp bút nghiên lên đường ra trận”. Sau chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, cùng nhiều sinh viên ra trận khác, Nguyễn Duy Kiểm trở lại trường đại học. Tốt nghiệp năm 1980, chàng kỹ sư trẻ ở lại trường sáu năm rồi mới về làm cán bộ kỹ thuật của Đài PTTH Hà Nội cho tới khi nghỉ hưu.

Tôi hỏi: “Là cán bộ kỹ thuật tức là ít liên quan đến việc dạy học, vậy động lực nào giúp ông rất hăng hái với công tác khuyến học?”. Ông Kiểm cho biết: “Dòng họ Nguyễn Duy của tôi vốn có truyền thống hiếu học. Khi Hội khuyến học Việt Nam được thành lập, chúng tôi càng nhận thức hơn về việc muốn có con em học giỏi, chăm ngoan thì công tác khuyến học tức là công tác khuyến khích, khích lệ việc học tại cộng đồng, tại dòng họ rất thiết thực. Nó không nằm trong “tiêu chí” thi đua của trường, của lớp nhưng lại là “mục đích” và mong muốn của gia đình, của dòng họ”.

Ban khuyến học dòng họ Nguyễn Duy cùng với Ban khuyến học dòng họ Ngô là hai họ ở phường Quảng Bá thành lập sớm nhất (năm 2002). Ban đầu hoạt động mới chỉ dừng ở việc hằng năm vào dịp giỗ tổ thì phát thưởng cho các cháu đạt thành tích tốt trong năm học vừa qua. Ông Kiểm cho hay: “Việc phát thưởng vào dịp giỗ tổ có cái được và còn có cái chưa thích hợp vì sau phát thưởng là ông bà, cha mẹ ở lại ăn cỗ còn các cháu thì… về nhà”.

Thế là ông Kiểm đưa ra “sáng kiến”. Đó là vào năm học 2008-2009, khi đó ông chính thức trở thành thành viên của Ban khuyến học dòng họ Nguyễn Duy. Thay vì chỉ có phát thưởng cho các cháu vào dịp giỗ tổ dòng họ thì Ban khuyến học dòng họ “chuyển” việc đó lên thời điểm trước khi các cháu bước vào năm học mới, có ý nghĩa tạo động lực cho các cháu. Thêm nữa, việc phát thưởng cũng chọn lựa có chủ ý về địa điểm.

Tôi băn khoăn: “Trong một gia đình việc bảo ban con cái học hành, ngay vợ chồng còn khó thống nhất, huống hồ cả một dòng họ?”. Ông Kiểm cười: “Phải tìm ra được điểm thống nhất chung chứ. Đó là chẳng ai muốn dòng họ mình thua kém dòng họ khác cả”.

Đến các địa danh, thêm yêu quê hương

Nghe có vẻ dễ nhưng để đi đến điểm thống nhất chung là bao vấn đề. Thứ nhất dòng họ phải có “ngọn cờ”, nghĩa là có những cốt cán nhiệt tình và tâm huyết với sự học. Thứ hai là có những người có uy tín trong dòng họ, trong xã hội. Thứ ba là có người mà ngay trong gia đình họ luôn có con cháu chăm ngoan học giỏi. Kết hợp đủ ba điều đó thì sẽ có những cá nhân sẵn lòng “vì sự nghiệp khuyến học”.

Nhưng khuyến học hiểu theo nghĩa rộng thì đâu chỉ có mỗi mục tiêu là khuyến học để có học sinh giỏi! Ông Kiểm chia sẻ: “Đúng đấy, nên chúng tôi mỗi năm chọn một địa điểm văn hóa - lịch sử trên địa bàn phường, quận, thành phố và địa phương lân cận. Việc chọn địa điểm như vậy tạo cho các cháu không bị nhàm chán, lại có cái hay là các cháu được tham quan, học hỏi ở những địa danh lịch sử - văn hóa khác nhau. Các cháu được nghe giới thiệu, qua đó thêm hiểu biết và tự hào về những truyền thống hiếu học, bảo vệ Tổ quốc”.

Tôi đọc lướt qua danh sách những địa danh mà Ban khuyến học dòng họ Nguyễn Duy đã tổ chức cho con em tới tham quan: Đó là Văn Miếu Quốc Tử Giám; Tượng đài Vua Lý Thái Tổ; Côn Sơn Kiếp Bạc và đền thờ thầy giáo Chu Văn An; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; Bảo tàng Văn học Việt Nam. Chưa kể đến nơi tưởng như quá quen thuộc, đó là đình làng, tới đình làng các cháu được nghe về quá trình hình thành quê hương mình với những người đi trước.

Ông Kiểm cho biết thêm: “Chúng tôi còn giáo dục cho các cháu về tình thương yêu, về giúp đỡ nhau trong cuộc sống và trong học tập nữa”. Được biết từ năm 2017, Ban khuyến học dòng họ Nguyễn Duy đã kết nghĩa với Trường tiểu học B xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Đây là một địa bàn có nhiều học sinh người dân tộc thiểu số và đời sống còn nhiều khó khăn. Ban khuyến học đã tặng quà cho giáo viên và học sinh của trường, tổ chức cho đoàn các cháu con em dòng họ tới giao lưu kết nghĩa. Toàn bộ học sinh của trường được tặng đồng phục, thiết bị trang âm phục vụ công tác, sinh hoạt, tặng giường cho các cháu nghỉ bán trú, rồi sách vở, đồ dùng học tập và còn sách cho thư viện nhà trường. Ông Kiểm cho biết: “Có lần lên đó, còn giao lưu văn nghệ do những hạt nhân văn nghệ của dòng họ đóng góp, rất ấm cúng, rất thân thiện và đoàn kết”. Được biết, số tiền ủng hộ qua quyên góp và tặng quà hiện đã hơn 400 triệu đồng, toàn là tiền dòng họ và các cháu trong dòng họ tự nguyện đóng góp.

Nhờ kết quả hoạt động đó mà Ban khuyến học dòng họ Nguyễn Duy đã vinh dự nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Hội khuyến học các cấp; cá nhân ông Nguyễn Duy Kiểm cũng nhận được nhiều bằng khen, giấy khen cho công tác khuyến học dòng họ của mình. Dòng họ Nguyễn Duy thường xuyên đạt danh hiệu: Dòng họ học tập. 50/58 gia đình đạt danh hiệu Gia đình học tập. Thực tế, công tác khuyến học dòng họ của các dòng họ trong phường đã góp phần để phường Quảng An được công nhận là “Phường văn hóa” đầu tiên của quận và của thành phố, liên tục từ năm 2013 đến nay.