Ổn định chuỗi cung ứng cho xuất khẩu gạo

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao nhất thế giới. Nhưng từ đây cũng cho thấy nhiều vấn đề liên quan chuỗi cung ứng khi doanh nghiệp ràng buộc hợp đồng nhưng không gom được hàng. Hay việc nhiều đơn vị không tuân thủ báo cáo tồn kho đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho dự trữ gạo quốc gia trước bối cảnh biến động khó lường của thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn trong huy động nguồn hàng. Ảnh: BẮC SƠN
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn trong huy động nguồn hàng. Ảnh: BẮC SƠN

Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng

Báo cáo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, chỉ trong tháng 8/2023, xuất khẩu gạo thu về 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Với lượng gạo xuất khẩu 6-8 triệu tấn/năm, hiện Việt Nam nằm trong tốp 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ và Thailand. Ở một số thời điểm, Việt Nam còn vươn lên vị trí thứ 2 thế giới về lượng gạo xuất khẩu.

Điều này cho thấy, các nước trên thế giới hạn chế xuất khẩu đang tạo cơ hội cho Việt Nam cả về thị lượng và trị giá. Tuy nhiên, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu những khó khăn của ngành lúa gạo trước cơn sốt giá lịch sử lần này.

Theo VFA, do giá cả biến động tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương lái (hàng xáo) đến nhà máy xay xát chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý chờ giá, hợp đồng liên kết bị phá vỡ, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký.

Hiện có hơn 200 thương nhân được Bộ Công thương cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định số 107. Mặc dù đã có quy định cụ thể nhưng phần lớn các thương nhân chưa thực hiện đúng chế độ báo cáo, đặc biệt là tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và hàng tồn kho ở từng thời điểm.

“Việc này ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, không kịp thời có số liệu báo cáo phục vụ cho công tác điều hành vĩ mô do thiếu dữ liệu thông tin”, VFA bày tỏ lo lắng.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cũng thừa nhận: Thời gian gần đây không chỉ trên thị trường xuất khẩu mà thị trường nội địa cũng biến động mạnh, có một số thời điểm giá gạo trong nước tăng nhanh hơn giá thế giới. Việc này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp khó khăn bởi thị trường biến động bất thường và một số doanh nghiệp thiếu thông tin thị trường.

Từ phía doanh nghiệp, theo chuyên gia của Công ty Ssresource Media, những doanh nghiệp bán khống (ký hợp đồng khi chưa có chân hàng) đang phải chịu áp lực. Rất nhiều cuộc đàm phán lại, sự chậm trễ trong giao hàng và điều này có nghĩa là chi phí vận chuyển, giao hàng trên toàn chuỗi đều tăng cao; chưa kể còn nhiều rủi ro khác không lường trước được có thể xảy ra… dẫn tới thua lỗ.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA nói thêm, vào thời điểm tháng 5/2023 đã có những nhận định về việc Ấn Độ sẽ cấm xuất khẩu gạo và giá gạo sẽ tăng nhanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp không nghĩ như thế nên vẫn ký hợp đồng. Vì thế, nhiều doanh nghiệp bị bất ngờ nên trở tay không kịp khi Ấn Độ có lệnh cấm chính thức. Điều này rất nguy hiểm cho chuỗi cung ứng gạo hiện nay.

Quy định giá sàn xuất khẩu gạo

Để hạn chế các tác động tiêu cực, đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng, hoạt động xuất khẩu gạo cần chuyển hướng theo chuỗi giá trị, kết nối cung cầu và thị trường. Ông Hòa cho biết, hiện tại mới chỉ có một số doanh nghiệp làm được việc này nhưng ở góc độ cả ngành hàng vẫn chưa định hình. Đây là điều các doanh nghiệp nên tiếp tục cải thiện.

Cũng theo vị đại diện, bản thân mỗi doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thị trường để đưa ra phán đoán. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần nâng cấp năng lực, đơn cử như việc tiếp cận thông tin bằng ngôn ngữ khác… để không “thua trận”, chuyển thế thắng trong bối cảnh hiện nay.

VFA cho rằng, tình hình sản xuất và thị trường thương mại gạo thế giới trong thời gian tới dự báo chứa đựng nhiều biến động, rủi ro do chính sách xuất nhập khẩu gạo của một số nước, diễn biến bất thường của thời tiết và vấn đề an ninh lương thực quốc gia được đưa lên hàng đầu.

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các thương nhân, VFA đề nghị bổ sung quy định cụ thể cơ chế báo cáo và phân công một cơ quan quản lý về tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo và hàng hóa lúa gạo tồn kho của các thương nhân có đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định của Chính phủ. Đề nghị bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo nhằm bảo đảm hiệu quả cho nông dân sản xuất lúa, đồng thời bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thương nhân xuất khẩu gạo, đặc biệt giữa các thương nhân đã đầu tư cơ sở sản xuất theo Nghị định 109 và các thương nhân thuê kho theo Nghị định 107.

VFA cũng kiến nghị với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét có các cơ chế hỗ trợ về vốn cho các thương nhân nhằm tăng cường nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động thu mua lúa gạo, bảo đảm nguồn tồn kho dự trữ lưu thông.

Mặt khác, Hiệp hội này cho rằng, có cơ chế quản lý chặt chẽ đối với vật tư nông nghiệp đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp để góp phần bảo đảm chất lượng lúa gạo đầu ra đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

“Đây là điều kiện quan trọng để xây dựng thành công thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thương mại gạo thế giới, qua đó góp phần thực hiện được mục tiêu “nền nông nghiệp xanh và phát triển bền vững”, VFA cho hay.

Báo cáo từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, trong phiên giao dịch tuần này, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 643 USD/tấn, tăng 20,6% so với ngày 19/7 (trước ngày Ấn Độ hạn chế xuất khẩu một số loại gạo, khiến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt).

Còn so với ngày 1/1 năm nay, hiện giá gạo 5% tấm của nước ta đã tăng tới 185 USD/tấn, tương đương 40,3%. Giá gạo 25% tấm xuất khẩu cũng từ mức 438 USD/tấn (ngày 1/1) vọt lên mức 628 USD/tấn trong ngày 31/8, tức tăng 190 USD/tấn (tăng 43,4%).

Hiện, giá gạo 5% tấm và 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm giữ vị trí số 1 thế giới. Trong đó, cao hơn hàng cùng loại của Thailand lần lượt là 10 USD/tấn và 63 USD/tấn.