Ở “điểm nóng” sốt rét Khánh Thượng

Ngồi bệt trong những căn nhà đơn sơ, nhìn về phía nương rẫy, rừng keo, Cao Văn Dũng và nhiều người dân khác ở xã Khánh Thượng (Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vẫn còn rùng mình khi vừa trải qua những cơn vật lộn với bệnh sốt rét. Khánh Thượng chính là “điểm nóng” sốt rét của cả nước hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa lấy mẫu xét nghiệm và tuyên truyền phòng bệnh cho người dân.
Nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa lấy mẫu xét nghiệm và tuyên truyền phòng bệnh cho người dân.

Ca mắc sốt rét mới tăng đột biến

Trở về nhà sau mấy ngày ngủ lại chòi tạm để chăm sóc nương rẫy, cắt tỉa rừng keo (rừng chàm), anh Cao Th (Khánh Thượng) thảng thốt nhận tin một số bạn bè, hàng xóm của mình đã mắc sốt rét. Càng ám ảnh hơn khi có trường hợp phải bỏ bê công việc, nằm bẹp trên giường mấy ngày. Anh Th chia sẻ, năm trước thấy rất hiếm người mắc sốt rét, tưởng bệnh này đã “ngủ quên” rồi, ai ngờ giờ lại bùng lên. Cũng may tôi đi xét nghiệm thì âm tính. Giờ lên rẫy ngủ lại sẽ chú ý mắc màn.

Không may như Cao Th, anh Cao Văn Dũng (xã Khánh Thượng) sau nhiều ngày tranh thủ phát dọn khu rừng keo của gia đình và ngủ lại thì lên cơn sốt, liên tục đổ mồ hôi, ớn lạnh, mệt mỏi… nhân viên y tế đến khám, xét nghiệm thì phát hiện Dũng đã bị sốt rét.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, cả năm 2022, toàn tỉnh Khánh Hòa chỉ có 22 ca mắc sốt rét thì từ đầu năm 2023 đến giữa tháng 8, tỉnh này đã ghi nhận 86 ca mắc bệnh sốt rét, tập trung chủ yếu ở huyện Khánh Vĩnh (82 ca). Các xã ở huyện Khánh Vĩnh có ca mắc sốt rét nhiều là Khánh Thượng (58 ca); Sơn Thái (12 ca); Khánh Trung (4 ca); Khánh Hiệp (3 ca)…

Trước diễn biến phức tạp của bệnh sốt rét, lực lượng y tế ở Khánh Hòa đã đến các điểm nóng điều tra véc-tơ. Điển hình như tại khu nhà rẫy thôn Tà Gộc (xã Khánh Thượng), sau ba đêm điều tra đã thu thập được 26 cá thể muỗi thuộc 5 loài Anopheles. Cả 5 loài này đều là “thủ phạm” truyền bệnh sốt rét.

Khảo sát thực tế cho thấy, bệnh nhân mắc sốt rét tập trung ở đối tượng dân di biến động (đi rừng, đi rẫy và ngủ lại, người làm thuê theo mùa vụ, dân từ địa phương khác đến…), đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tăng đột biến bệnh sốt rét ở Khánh Hòa. Bên cạnh đó, việc quản lý bệnh nhân sốt rét tại tuyến y tế xã và thôn ở Khánh Hòa hiệu quả chưa cao, muỗi gây bệnh sốt rét kháng với một số hóa chất diệt côn trùng ngày càng nhiều.

Cùng với điều tra, truy lùng, thu thập các cá thể muỗi truyền bệnh, công tác xét nghiệm sốt rét mở rộng trong cộng đồng ở Khánh Thượng được khẩn trương thực hiện, đã có gần 900 người được xét nghiệm.

Trĩu nặng âu lo với bệnh sốt rét đang hoành hành tại địa phương, bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho biết, chúng tôi đang làm việc tối đa công suất với hy vọng sớm khống chế được sự lây lan của căn bệnh này. Cán bộ, nhân viên y tế thường xuyên động viên nhau hãy vượt qua cực nhọc, dù đêm tối hay mưa gió khi phát hiện có ca bệnh, chùm ca bệnh ở đâu là đến ngay để tiến hành các bước xử lý và hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cũng đề xuất Bộ Y tế ban hành định mức chi đặc thù cho hoạt động phòng chống sốt rét vì hầu hết các điểm xuất hiện ca bệnh, chùm ca bệnh đều rơi vào những nơi địa hình khó khăn, vùng núi xa xôi, hiểm trở, nhân viên y tế rất vất vả tiếp cận. Những địa bàn đó, trình độ dân trí người dân còn hạn chế nên cùng với khống chế dịch bệnh, nhân viên y tế còn phải làm nhiệm vụ như một tuyên truyền viên đặc biệt.

Điều cần làm để ngăn sốt rét tăng mạnh

Không chỉ riêng xã Khánh Thượng mà một số người dân ở xã Sơn Thái (Khánh Vĩnh) cũng có ý nghĩ, sốt rét không còn là nỗi lo, muỗi truyền bệnh đã bị diệt nên chủ quan trong việc phòng bệnh.

Gắn bó với công tác y tế dự phòng gần 30 năm qua, bác sĩ Tôn Thất Toàn chia sẻ, với những bệnh như sốt rét thì công tác phòng bệnh rất quan trọng, mà điều này phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân. Trước mắt đã cho nhân viên y tế kết hợp người có uy tín trong cộng đồng ở các xã có nhiều ca mắc sốt rét tuyên truyền, hướng dẫn cho từng hộ gia đình cách nhận biết bệnh sốt rét và các biện pháp phòng chống. Đồng thời còn đến tận các nhà rẫy phát màn đã tẩm hóa chất cho người dân. Thực tế, vì ca mắc bệnh sốt rét những năm trước giảm nên một số nhóm đối tượng trong cộng đồng lơ là, không có ý thức phòng bệnh sốt rét, điều này là rất nguy hiểm.

Bác sĩ Toàn cũng đưa ra nhận định và khuyến cáo, sốt rét là bệnh do ký sinh trùng Plasmodium gây ra với các triệu chứng đau đầu, sốt, lạnh run, bệnh lây truyền từ người này sang người khác khi những người này bị muỗi Anophen đốt. Khi điều trị đúng cách, người bị sốt rét có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh sốt rét nặng có thể tiến triển nhanh, gây biến chứng nguy hiểm. Thế nên khi người dân có các triệu chứng bất thường về sức khỏe cần đến cơ sở y tế ngay để được khám, tư vấn, điều trị, nhất là những người hay đi rừng, ngủ lại ở rẫy, đừng để thành sốt rét ác tính vì chủ quan.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, những ngày tới, sẽ chủ động giám sát các khu vực nguy cơ cao xảy ra dịch sốt rét, chỉ định biện pháp phun tẩm hóa chất kịp thời. Chuẩn bị đầy đủ thuốc điều trị cho bệnh nhân và hóa chất để phòng chống bệnh. Duy trì đội cơ động, phản ứng nhanh với sốt rét để “thần tốc” đến các điểm nổ ra dịch sốt rét. Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh bố trí nhân lực giám sát tại các xã trọng điểm, các trạm y tế xã sử dụng hệ thống dự báo dịch sớm để can thiệp kịp thời khi ca mắc sốt rét tăng. Đồng thời, mở rộng điều tra, sàng lọc chủ động và điều trị chu đáo cho tất cả ca bệnh sốt rét, giám sát chặt chẽ nhóm dân di biến động (làm rẫy, đi rừng, khai thác lâm, thổ sản).