“Nút thắt” vận chuyển khí đốt cho EU

Trong bối cảnh Belarus đe dọa “đóng van” đường ống cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu, Moscow cam kết duy trì đầy đủ thỏa thuận cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng châu Âu. Nga hiện là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên chính sang châu Âu thông qua Belarus, do đó, Moscow không muốn có bất kỳ sự gián đoạn nào. 

Hàng nghìn người tị nạn đang bị mắc kẹt tại biên giới Belarus và Ba Lan. Ảnh: REUTERS
Hàng nghìn người tị nạn đang bị mắc kẹt tại biên giới Belarus và Ba Lan. Ảnh: REUTERS

Nga cam kết duy trì nguồn cung cho châu Âu

Điện Kremlin đưa ra cam kết trên trong bối cảnh Tổng thống Belarus A.Lukashenko cảnh báo sẽ ngừng vận chuyển khí đốt sang châu Âu qua đường ống xuyên quốc gia Yamal - Europe, nếu Liên minh châu Âu (EU) gia tăng các biện pháp trừng phạt chống Minsk. Belarus nhấn mạnh, việc ngừng vận chuyển khí đốt là biện pháp đáp trả cứng rắn đối với lệnh trừng phạt của EU.

EU đang giám sát các chuyến bay từ hàng chục quốc gia đến Belarus, do nghi ngại chở theo người di cư vào châu Âu bất hợp pháp. Hiện, có hàng nghìn người di cư đang mắc kẹt tại biên giới giữa Belarus với các nước thành viên EU như Latvia, Litva và đặc biệt là Ba Lan. Điều này làm gia tăng căng thẳng giữa Ba Lan và Belarus thời gian gần đây. Warsaw chỉ trích Minsk để các đoàn người di cư tự do di chuyển đến biên giới để đáp trả việc các nước EU áp đặt trừng phạt Belarus. Ba Lan hiện triển khai 16.000 binh sĩ dọc biên giới với Belarus, dựng hàng rào thép gai và tiến hành xây dựng một bức tường ở khu vực biên giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, EU cần thu xếp đàm phán với Belarus nếu muốn giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng người di cư đang xảy ra ở khu vực biên giới Belarus - Ba Lan. Hiện, EU vẫn từ chối tiếp xúc trực tiếp với Tổng thống Belarus A.Lukashenko, đồng thời cảnh báo sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt Minsk. Về phía Belarus, Tổng thống Lukashenko tuyên bố Minsk sẽ đáp trả nếu EU áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào đối với nước này, trong đó có việc ngừng vận chuyển khí đốt sang châu Âu. 

Căng thẳng vấn đề người di cư ở Belarus

Năm ngoái, EU đã quyết định ngừng tài trợ cho các dự án phát triển hạ tầng và xây dựng các cơ sở tạm trú cho người di cư trái phép tại khu vực biên giới của Belarus. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nước phương Tây áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt Minsk liên quan tình hình chính trị tại nước này. Đáp lại, Belarus đã đình chỉ thỏa thuận giữa nước này với EU về vấn đề người di cư, trong đó, Minsk có nhiệm vụ ngăn dòng người di cư bất hợp pháp đi qua lãnh thổ nước này để vào EU.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Belarus Anatoly Glaz cho biết, Minsk sẵn sàng thảo luận vấn đề hồi hương người tị nạn với các đối tác quốc tế, cho biết sẵn sàng đối thoại trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau để giải quyết mọi vấn đề. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Denys Monticrskiy cho biết, sẽ triển khai thêm 8.500 binh sĩ và cảnh sát, cùng 15 trực thăng tới bảo vệ khu vực biên giới với Belarus, nhằm ngăn chặn người di cư vượt biên vào Ukraine.

Cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới Belarus và Ba Lan làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Belarus và EU. Minsk cáo buộc EU góp phần gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay khi từ chối các cuộc đàm phán để thảo luận các biện pháp nhằm củng cố biên giới. Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Vladimir Makei nhấn mạnh, nước này muốn giải quyết cuộc khủng hoảng này “sớm nhất có thể”. Theo ông Makei, Belarus đã nhiều lần đề nghị EU tổ chức các cuộc tham vấn, nhưng liên minh này đã từ chối. 

Trước tình trạng căng thẳng tại biên giới giữa Belarus và Ba Lan, Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Ann Linde đã thảo luận vấn đề này với Cao ủy LHQ về người tị nạn Filippo Grandi, cho rằng vấn đề này gây ảnh hưởng đến an ninh và ổn định của khu vực, có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cho người dân.

Cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại trước những căng thẳng trong quan hệ EU - Belarus, đồng thời mong muốn các bên ngồi vào bàn đàm phán để tìm cách tháo gỡ nút thắt “dòng người di cư” và khí đốt trên tinh thần hòa giải. Nếu mâu thuẫn không được giải quyết một cách rốt ráo, Belarus có thể đối mặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nữa của EU, trong khi châu Âu sẽ trở nên lạnh giá hơn trong mùa đông này trong trường hợp Minsk đóng đường ống vận chuyển khí đốt.