Nút thắt di cư

Làn sóng người di cư, tị nạn tới châu Âu ngày càng trở nên nóng bỏng khi số người thiệt mạng trong lúc tìm cách vượt Địa Trung Hải đang tăng cao. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã phải gửi thư tới các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), kêu gọi khối này hành động lập tức để ngăn chặn các chuyến đi của người di cư bằng thuyền đến châu Âu.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: GIACOMO CARDELLI
Biếm họa: GIACOMO CARDELLI

Phát biểu ý kiến với đài truyền hình RAI ngày 27/2, một ngày sau vụ đắm thuyền làm ít nhất 63 người di cư thiệt mạng ở ngoài khơi miền nam Italy, Thủ tướng Meloni nói: “Cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là ngăn chặn những cuộc ra đi. Càng có nhiều người rời đi thì càng có nhiều nguy cơ tử vong”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Piantedosi cho biết chính phủ cam kết mở ra các kênh di cư hợp pháp. Ông đề cập đến “các hành lang nhân đạo”, một sáng kiến đã đưa hơn 600 người di cư đến Italy bằng máy bay kể từ tháng 10/2022, khi chính phủ của bà Meloni lên nắm quyền. Trong cùng khoảng thời gian, có ít nhất 41.000 người di cư đã đến Italy bằng thuyền.

Italy là một trong những điểm đến hàng đầu của những người di cư tìm cách vượt Địa Trung Hải sang châu Âu và đây là tuyến di cư nguy hiểm nhất thế giới. Dữ liệu của LHQ về người di cư mất tích ghi nhận hơn 20.300 người đã thiệt mạng hoặc mất tích ở Địa Trung Hải kể từ năm 2014. Riêng từ đầu năm đến nay, ước tính hơn 220 người đã thiệt mạng hoặc mất tích.

Số vụ chìm thuyền tăng cao không làm giảm bớt làn sóng di cư tìm “miền đất hứa”. Tuy nhiên, giới chức “lục địa già” vẫn loay hoay tìm đáp án cho bài toán này. Nhiều kế sách đã đưa ra, như giải quyết tận gốc tình trạng bằng cách chấm dứt xung đột tại quê hương người di cư và trao sinh kế cho họ; ngăn chặn các tổ chức buôn người; tăng cường phối hợp giữa các nước đặc biệt là các tuyến tiếp nhận di cư, tị nạn như Italy, Hy Lạp…

Tuy vậy, những biện pháp trên vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong đợi do giữa các quốc gia châu Âu vẫn tồn tại bất đồng, liên quan phân bổ hạn ngạch tiếp nhận nhập cư, ngân sách, trừng phạt tài chính những quốc gia EU từ chối tiếp nhận người di cư… Thành thử, dù có áp dụng giải pháp đối phó nào nhưng nếu các nước châu Âu vẫn chưa đạt được thống nhất, thì vấn đề người di cư sẽ luôn là nút thắt.