Nuôi cá trên lòng hồ thủy điện

Ông Nguyễn Văn Tiến, thôn Gia Bắc 2, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, người tiên phong nuôi cá trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 2 cũng như bao người dân khác luôn mong cho mưa thuận gió hòa, chân cứng đá mềm... để có được những mùa cá đầy ấm no.

Ông Nguyễn Văn Tiến bên bè cá.
Ông Nguyễn Văn Tiến bên bè cá.

1. Nói về việc chọn nghề nuôi cá để phát triển kinh tế gia đình, thay vì trồng cà-phê như đa số người dân xã Tân Nghĩa vẫn làm, ông Nguyễn Văn Tiến chia sẻ: “Năm 2014, tôi bắt đầu nuôi cá trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 2, sau khi đã trải qua nhiều nghề như nuôi tôm, đóng gạch, lái xe... Nếu so việc chăm sóc cà-phê, cây trồng chủ lực ở xã Tân Nghĩa, thì nghề nuôi cá cho thu nhập cao hơn”.

Một người từng bươn chải qua rất nhiều nghề để mưu sinh, cuối cùng lại gắn bó nghề nuôi cá, anh Tiến không nghĩ chỉ đơn thuần vì giá trị kinh tế, càng không hẳn đó là sự lựa chọn mang tính xốc nổi, nó còn có cái gì đó sâu kín bên trong thúc giục. “Tôi cứ gọi là người nuôi cá đều. Ấy là vì giá cá lên hay xuống, được mùa hay mất mùa, tôi vẫn sống chết với nghề, chứ không như một số người chỉ nuôi cá khi được giá, còn lúc cá rớt giá lại bỏ nghề nuôi, quay sang tìm kiếm một công việc mới”, ông Nguyễn Văn Tiến tâm sự.

Bền bỉ với nghề nghiệp, ông Tiến đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm để rồi nuôi cá thành công, mở ra hướng đi mới ở Tân Nghĩa. Hiện, gia đình ông đang nuôi 20 nghìn con cá các loại, bao gồm cá rô phi, cá diêu hồng, cá trắm và cá hô. “Mới đầu, tôi gặp vô vàn khó khăn trong việc nuôi cá, vì là nghề mới nên vừa thiếu kinh nghiệm lại vừa thiếu cả điều kiện nuôi trồng. Tuy vậy, tôi không hề nản, vẫn kiên trì, vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm. Thế rồi, nghề dạy nghề, mọi chuyện dần đi vào ổn định”, ông Tiến phấn khởi.

Theo ông Tiến, nuôi cá trên lòng hồ thủy điện có những ưu điểm như: nguồn nước luôn lưu thông tạo điều kiện cho cá sinh trưởng mạnh, cá có thể nuôi ở mật độ dày và việc chăm sóc cá khá dễ dàng... Tuy nhiên, anh cũng hết sức lưu ý: cá nuôi trên lòng hồ thủy điện rất dễ mắc bệnh nấm da khi thời tiết giao mùa, nên cần đặc biệt quan tâm đến khâu vệ sinh ô cá và xử lý dứt điểm mầm bệnh. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cho cá cũng cần hợp lý, nhất là phải bổ sung khoáng chất cho cá khi cần. “Mỗi loại cá có một kỹ thuật nuôi riêng. Cách phòng bệnh và chữa bệnh mỗi loại cá cũng mỗi khác. Do đó, ngoài việc nắm vững kỹ thuật nuôi, cách thức phòng trừ dịch bệnh, còn phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn thì cá mới phát triển tốt và cho năng suất cao”, ông Nguyễn Văn Tiến nói. “Ông Tiến không những am hiểu sâu về kỹ thuật, lại cần cù chịu khó lao động, luôn tìm tòi những điều mới lạ trong sản xuất. Nhờ đó, cá nuôi ô của ông Tiến luôn đạt hiệu quả cao và rủi ro luôn ở mức thấp nhất. Từ thành công của ông Tiến, nhiều người địa phương đã đến học tập, tìm hiểu mô hình nuôi cá ô. Qua ghi nhận, trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 2 hiện có khoảng 20 hộ dân đang áp dụng mô hình nuôi cá ô của ông Tiến”, Chủ tịch UBND xã Tân Nghĩa Lê Ngọc Chánh thông tin.

2. Theo ông Lê Ngọc Chánh, ông Nguyễn Văn Tiến chính là người tiên phong trong việc tận dụng diện tích mặt nước của lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 2 để nuôi trồng thủy sản. Nghề nuôi trồng thủy sản đang mở ra một hướng phát triển kinh tế mới, tạo tiền đề để địa phương tái cơ cấu ngành nghề theo hướng đa dạng các sản phẩm nông - ngư. Song, muốn cho nghề nuôi cá trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 2 phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, các ngành hữu trách của tỉnh Lâm Đồng cần có biện pháp giúp người nuôi tiêu thụ cá căn cơ và bền vững để an tâm đầu tư cho loài thủy sản này. “Bây giờ, mới chỉ có khoảng 20 hộ nuôi cá, mà vấn đề đầu ra vẫn chưa thật sự bền vững. Nếu mở rộng quy mô nuôi trồng thì câu chuyện đầu ra lại càng lớn dần. Bên cạnh đó, việc mở rộng quy mô nuôi trồng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái lòng hồ. Do vậy, ngay từ bây giờ cần phải tính toán thật kỹ lưỡng để không làm ảnh hưởng đến tính bền vững của mô hình”, ông Lê Ngọc Chánh đề xuất.

Chủ tịch UBND xã Tân Nghĩa khẳng định, địa phương đặc biệt quan tâm đến mô hình nuôi cá trên lòng hồ thủy điện. Trước mắt, Tân Nghĩa vận động các hộ nuôi cá thành lập một tổ hợp tác để hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình nuôi. Sau nữa, Tân Nghĩa khuyến khích các hộ nuôi cá nuôi theo chuỗi liên kết nhằm giảm các chi phí đầu vào và tăng sự ổn định ở khâu đầu ra. Có như vậy, mô hình nuôi cá trên lòng hồ thủy điện mới phát huy tính hiệu quả, vừa giải quyết bài toán công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, vừa tận dụng được nguồn tài nguyên mặt nước của lòng hồ thủy điện.