“Nữ tướng” kinh tế mới của IMF

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây thông báo, nhà kinh tế trưởng cấp cao Gita Gopinath (trong ảnh) sẽ đảm nhận cương vị phó Tổng Giám đốc điều hành thứ nhất (FDMD), vị trí thứ hai trong cơ cấu tổ chức của quỹ này. Đây là lần đầu IMF có hai lãnh đạo cao nhất là phụ nữ.

Ảnh: CHINA DAILY
Ảnh: CHINA DAILY

Theo thông cáo báo chí ngày 2/12 của IMF, ông Geoffrey Okamoto sẽ rời vị trí FDMD của quỹ vào đầu năm tới và bà Gopinath bắt đầu cương vị mới từ ngày 21/1/2022. Bà Gita Gopinath từng là Giám đốc Ban nghiên cứu và được bổ nhiệm làm nhà kinh tế trưởng của IMF từ tháng 10/2018. Bà đã giảng dạy tại khoa Kinh tế của Đại học Harvard, chuyên ngành Nghiên cứu quốc tế và Kinh tế trước khi về “đầu quân” cho IMF.

Nghiên cứu của bà tập trung vào các lĩnh vực tài chính quốc tế và kinh tế vĩ mô, đã được xuất bản trên nhiều tạp chí kinh tế hàng đầu. Bà là tác giả của nhiều bài báo nghiên cứu về tỷ giá hối đoái, thương mại và đầu tư, các cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, chính sách tiền tệ và các cuộc khủng hoảng thị trường mới nổi. Nhà kinh tế học người Mỹ gốc Ấn Độ là người dẫn đầu nhóm nghiên cứu của IMF thực hiện báo cáo đánh giá Triển vọng kinh tế thế giới hằng quý, một trong những tài liệu tham khảo quan trọng rất được giới chuyên gia quan tâm. Trong giai đoạn đại dịch, bà trở thành một trong những nhân vật có vai trò nổi bật trong hoạt động của IMF.

Năm 2021, tạp chí kinh tế Financial Times đã vinh danh bà là một trong “25 phụ nữ có ảnh hưởng nhất năm”. Năm 2019, tờ Foreign Policy bình chọn bà là một trong những “Nhà tư tưởng toàn cầu hàng đầu”. Năm 2014, bà được IMF vinh danh là một trong “25 nhà kinh tế hàng đầu dưới 45 tuổi”. Bà cũng từng nằm trong nhóm Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu (YGL) tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2011. Dấu ấn của nhà kinh tế học còn thể hiện qua công trình nghiên cứu gần đây của bà về Bản kế hoạch đại dịch nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng Covid-19, thông qua việc đặt mục tiêu tiêm chủng toàn cầu với chi phí khả thi. 

Trả lời báo giới về trọng trách mới khi trở thành FDMD tiếp theo của IMF, bà Gopinath cho biết: “Trong thời gian qua, tôi đã có cơ hội trực tiếp trải nghiệm và đóng góp trong công việc đặc biệt quan trọng ở IMF là phân tích kinh tế và chính sách công. Thật vui khi thấy tác động tích cực của công việc của chúng tôi đối với các nền kinh tế và cuộc sống của rất nhiều người trên toàn thế giới”. 

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đánh giá cao những kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn của “nữ tướng” kinh tế mới của IMF, đồng thời kỳ vọng sự đóng góp tới đây của bà Gopinath sẽ giúp IMF đề xuất giải pháp vượt qua những khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay. 

“Đại dịch đã làm gia tăng quy mô và phạm vi của các thách thức kinh tế vĩ mô đối với những thành viên của IMF, do đó tôi tin rằng bà Gita Gopinath-người được mọi người công nhận là một trong những nhà kinh tế vĩ mô hàng đầu thế giới-chính là người có kiến thức chuyên môn mà chúng ta cần để đảm nhận vai trò FDMD tại thời điểm này”, bà Georgieva cho biết. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của vị trí FDMD ở IMF là chủ trì các nghiên cứu kinh tế toàn cầu và tăng cường chất lượng các cho những ấn phẩm tham vấn của tổ chức. 

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt nhiều thách thức do đại dịch gây ra, vai trò của hợp tác quốc tế trong giải quyết các vấn đề toàn cầu lại càng nổi lên. Nhiệm vụ cố vấn, đề xuất chính sách của một tổ chức quốc tế quy mô lớn như IMF cũng được chú ý hơn cả. 

Bà Georgieva lưu ý rằng, 190 quốc gia thành viên của IMF đang đứng trước những lựa chọn chính sách ngày càng phức tạp và thậm chí “đánh đổi” đầy khó khăn do tác động của đại dịch. Bởi vậy, IMF cũng đứng trước yêu cầu tổ chức và tiến hành nghiên cứu, khảo sát chuyên sâu để có thể nhanh chóng đưa ra những khuyến nghị cho các thành viên trong nỗ lực thích nghi an toàn với đại dịch.