Nỗi niềm người vẽ tranh kiếng còn lại

Từ hàng trăm hộ, chỉ còn vài hộ theo nghề ở các xã: Long Điền B, Long Kiến, Long Giang… Tìm về làng nghề Tranh Kiếng, thuộc ấp Long Tân, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, không khí đã thưa vắng.

Đây là một phần trong tổng thể một bức tranh mà ông Vinh vừa hoàn thành.
Đây là một phần trong tổng thể một bức tranh mà ông Vinh vừa hoàn thành.

Một thời huy hoàng

Làng nghề tranh kiếng xứ cù lao Chợ Mới, tỉnh An Giang từng hưng thịnh, tranh tỏa đi khắp Nam kỳ lục tỉnh, “tiếng lành đồn xa” nên tranh được giao nhiều cho các tỉnh ở miền đông. Những năm cuối thế kỷ 20, nghề này có dấu hiệu “tụt dốc”.

Gặp nghệ nhân Tám Vinh, người làm tranh kiếng thủ công nổi tiếng một thời, hiện ở gần chợ Bà Vệ, thuộc ấp Long Tân, xã Long Điền B (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), nghe ông hoài niệm nghiệp tranh kiếng của gia đình đã hơn trăm năm. Một thời, những tháng giáp Tết Nguyên đán, tranh kiếng được nhiều nhà xúm lại làm cả ngày lẫn đêm mới đủ cung ứng cho thị trường Tết. Do đường sá trắc trở nên trước đây thương lái đến lấy tranh chủ yếu bằng ghe, xuồng. Cao điểm “ghe, xuồng đậu dày đặc như bánh canh”, ông Vinh nhớ lại thời hoàng kim.

Tự hào về ba mình, ông Hai Ơn, người đầu tiên khởi xướng nghề vẽ tranh kiếng ở đây, ông Vinh kể, tranh kiếng ban đầu cực thịnh, tổ nghiệp “độ” nên từ một mình cha ông làm nghề mà nhân rộng ra cả xóm cùng làm, truyền dạy lại cho con cháu. Thời đó mà nhắc đến Hai Ơn, tên thật là Nguyễn Thành Châu, ai cũng ngưỡng mộ.

Gia đình ông Vinh không phải gốc An Giang mà hồi đó đi tản cư từ Bình Minh, thuộc tỉnh Vĩnh Long ngày nay đến vùng cù lao Ông Chưởng để tránh bom đạn của Pháp. May mắn, ông Vinh kể: “Ba của tôi vốn là một người có năng khiếu nên vẽ rất đẹp, nhiều người đến đặt tranh của ba tôi vẽ nên gia đình có tiền mưu sinh ở cái xứ này. Từ khi vẽ được, ông chủ bán mực tàu, giấy bồi (loại giấy đen) cho ba tôi (hay gọi là Tư Chung) có gợi ý vẽ tranh lên kiếng, vì ông Tư Chung mới mua lô kiếng về để lọng tủ. Mày mò vẽ thử những bức đầu tay để treo ở cửa buồng, rồi vẽ nhiều loại tranh ảnh khác mô phỏng từ tuồng tích xưa cũ như: Thoại Khanh - Châu Tuấn, Nàng Út ống tre, Phạm Công - Cúc Hoa, Lâm Sanh - Xuân Nương, Thạch Sanh - Lý Thông... rồi tiến bộ hơn là vẽ rồng, phượng đòi hỏi kỹ thuật cao hơn và nhiều họa tiết… từ đó mà tranh kiếng xứ cù lao Chợ Mới nổi tiếng gần xa ở những năm đầu thế kỷ 20. Cũng nhờ “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” nên gia đình lúc đó gọi là “có ăn” ở thời buổi kinh tế khó khăn. Cũng từ sự tài hoa đó, tranh được làm ra bao nhiêu là hết bấy nhiêu, ghe xuồng neo đậu tấp nập lấy sỉ rồi tỏa đi bán ở các tỉnh, thành phố”.

Hiếm người nối nghiệp

Tranh kiếng thành phẩm phải mất ít nhất bảy ngày, tính từ lúc vẽ cho đến lọng khung. Do trước đây chưa có máy móc nên mọi thứ đều làm thủ công, lao động chân tay mang tính mỹ thuật rất cao, được nhiều người chuộng. Vì vậy, thời đó Tết Nguyên đán, xưởng tranh của ba ông có hơn 30 thợ vẽ làm việc ngày đêm, mới đủ giao cho thương lái.

Còn ngày nay, do sự phát triển của công nghiệp hóa, máy móc chiếm ưu thế, chỉ trong một ngày có thể in ra nhiều bức tranh khác nhau theo nhu cầu của khách hàng và một ngày có thể làm ra cả chục bộ tranh mà giá cả khá cạnh tranh với những bộ tranh làm thủ công, trung bình ba triệu đồng là có thể sở hữu một bức tranh kiếng công nghiệp (hay còn gọi là tranh in lụa), nên người dân thu nhập trung bình có thể có nhiều sự lựa chọn hơn.

Còn tranh kiếng, do làm thủ công tốn thời gian, đòi hỏi sự khéo tay của người thợ nên giá thành hiện nay tầm 7 - 9 triệu đồng/bộ, có khi cao hơn theo yêu cầu, số khách hàng mua thì khá hiếm. Vẽ tranh kiếng khó gấp nhiều lần tranh khác. Người thợ phải vẽ ngược trên kiếng, vẽ bằng viết tách, loại viết được làm từ lông gà. Nhưng điều quan trọng làm giới trẻ chán nản với nghề là do vấn đề về kinh tế, thay vì một tháng người làm tranh lụa, in được vài trăm bộ tranh, còn một nghệ nhân làm tranh kiếng thủ công phải làm liên tục bảy ngày mới được một bộ tranh hoàn chỉnh. Và điều đặc biệt, để bộ tranh có giá trị là người thợ phải “thổi hồn” vào một bức tranh. Đó là óc sáng tạo, công phu, tỉ mỉ và sự khéo léo trên đôi tay người thợ được thể hiện qua từng nét bút. “Chỉ những ai thật sự đam mê, kiên nhẫn lắm mới làm được”, ông Tám Vinh nhấn mạnh.

Giờ đây, tranh kiếng không còn “sốt” như ngày xưa. Nhiều người đã chuyển sang làm tranh in lụa. Những người làm tranh kiếng thủ công đa phần lớn tuổi, còn lớp trẻ như con, cháu thì bỏ nghề đi làm công nhân ở Bình Dương, TP Hồ Chí Minh. Như anh Nguyễn Văn Quang, con trai cả của ông Tám Vinh mặc dù đã lành nghề nhưng hiện cũng không nối nghiệp cha mình mà làm công nhân lao động cho một công ty ở Bình Dương.

Vì yêu nghề, cũng như nhớ nhất kỷ niệm lén cha mình mang giấy chui xuống sàn chõng để tập vẽ. Đến một ngày bị cha phát hiện thì đã vẽ đẹp không kém gì cha, nên giờ đây tôi làm “chủ yếu là vui, nghề của cha ông truyền lại thì nối nghiệp đến khi nào tắt thở thì thôi”! Ông Vinh bộc bạch.

Ông rất muốn truyền lửa cho thế hệ tương lai nối nghiệp nhưng thật khó trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay!