Nước mắt Trại Cá
Trèo lên thuyền, chạy ngược khúc sông tầm 3km rồi rẽ ngang là có thể đến được xóm Trại Cá thuộc thôn Trại Cá, xã Tà Long (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị). 22 hộ gia đình với hơn 100 nhân khẩu sống ở một ngôi làng ước hơn 200 năm. Những con người nơm nớp lo âu không chỉ mùa mưa lũ mà cả những ngày bình thường nhưng nước lớn. Bản làng có 100% đồng bào Vân Kiều hầu như xâm xấp nước bởi công trình thủy điện Đakrông 4.
Con đường đất đủ len bàn chân vào xóm, vào những ngôi nhà đều ngập nước và vấy bùn. Bà Hồ Thị Nhua, dân tộc Vân Kiều ngồi ở cửa sổ nói với xuống phía chúng tôi: “Các con coi mất dép, đi đến vòi nước rửa chân rồi lên nhà…”. Lội trong bùn đất để đến chỗ có vòi nước tự chảy bắt ra ruộng lúa, chúng tôi hì hụi mãi mới tẩy được lớp bùn đất bám giày dép và ở quần. “Mẹ không nhớ tuổi, tuổi của mẹ bằng cây dừa, lúc nó lên ngang cổ là mẹ cao hơn nó, giờ nó cao quá mẹ thua nó”. Chúng tôi đoán non cây dừa cao vun vút mọc ở mép sông tầm hơn 60 năm, vậy bà Nhua khoảng hơn 60 tuổi, bà Nhua khua tay: “Phải phải, hơn 60, trước thỉnh thoảng nước đi qua chạy trốn, nay nước ở lại cũng phải chạy trốn, bốn năm, từ 2018 đến 2022 nước ở lại ngập hết”.
Những sinh linh bé nhỏ như Hồ Văn Luân, Hồ Thị Quyết, Hồ Thị Thí… trong độ tuổi từ 2,5-11 tuổi, đến những người sống lâu nhất bản làng như cụ Hồ Nhì, Hồ Chu, gần 80 tuổi nhưng đều có bốn năm chạy lũ. Cảnh nước đi kéo theo ruộng vườn, trâu bò, nhà cửa; cảnh nước ở ngập hết bản làng. Cảnh nào cũng khổ, khi con người tác động quá lớn đến thiên nhiên mà sự chuẩn bị đối phó với thiên tai vô cùng bị động. Bà Hồ Thị Nhua thở dài: “con ơi có bao nước mắt khóc hết, nhất là khi mưa lũ về, bà con chạy lên phía sau nhà, chỗ ngọn núi cao, ngồi ôm nhau chờ nước xuống để về nhà, may mắn thì một ngày, thường hai ngày trở lên, về thì cũng để nhìn thôi, mọi thứ ngập trong nước, ướt ẩm và hư, rồi nhìn nhau khóc tiếp”.
Anh Hồ Văn Lơ, 31 tuổi, ông bố của ba đứa con, đứa lớn - Hồ Văn Thanh năm nay 13 tuổi, kế đó Hồ Văn Thìn 9 tuổi và Hồ Thị Thao 6 tuổi. Ba đứa con và Lơ có chung nỗi đau, khóc với nhau cùng lúc, khi chính dòng sông Đakrông này đã cướp đi người vợ, người mẹ của họ trong ngày bình thường nhất, ngày nước lớn do nước ở lòng hồ thủy điện chứ không phải mưa lũ. Hôm đó ngày 21/12/2021, vợ của Lơ, chị Hồ Thị Mế, sinh năm 1992 lấy thuyền chở hai đứa con qua sông để đến trường, trong lúc gặp gió lớn, con thuyền bị lật. Thanh sau một hồi cứu mẹ không thành đã tuyệt vọng quay vào bờ, Thìn được người dân cứu sống nhờ chiếc cặp nổi lên mặt nước. Lơ bảo chuyện lâu rồi không buồn nữa nhưng Lơ đã chảy nước mắt nhìn ra phía sông “hồi trước chỉ cần lội qua con suối nhỏ học trò có thể đến trường…”.
Những “tấm chắn” thủy điện
22 hộ dân ở xóm Trại Cá chỉ là một số trong những điển hình của “tấm chắn” thủy điện dọc sông Đakrông. Hơn 40km con sông Đakrông từ cầu treo đến xã Tà Rụt, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) có đến bốn nhà máy thủy điện lớn nhỏ đã được xây dựng và đi vào hoạt động, một nhà máy đang được xây dựng và số khác đang được trong thời kỳ khảo sát.
Hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã Đakrông, Ba Nang, Tà Long, Húc Nghì... đang đối diện hệ quả của biến đổi môi trường. Khu vực bên trên “tấm chắn” thủy điện thì ngập nước, bên dưới “tấm chắn” thì trơ lòng, sông cạn, chỉ còn ít nước chảy, nước tù đọng thì nhiều. Theo ngôn từ của người Vân Kiều, Pa Cô ở địa phương thì bên trên thủy điện “nhổ” ra nhiều nước ngập hết dân, bên dưới thủy điện “ăn” hết nước cây không lên được, không làm được mùa màng.
Không phủ nhận vai trò mang lại của các nhà máy thủy điện trên dòng sông Đakrông, góp phần giải quyết sự thiếu hụt điện năng. Tuy nhiên, hệ quả mà nó mang lại là sự tác động mạnh mẽ đến môi trường sống của hàng nghìn người dân: thiếu nguồn nước để tưới tiêu ở khu vực hạ lưu, thiếu nước sinh hoạt, tác động không tốt đến hoa màu, nương rẫy hai bên và hạ nguồn sông Đakrông. Còn đối với Trại Cá thì mênh mông sóng nước, hằng ngày người dân đối diện cảnh nước lên tận nhà, mùa lũ thì phải chạy vào rừng trốn chờ hết lũ thì về.
Sự phát triển quá nhanh và thiếu đánh giá tác động của các dự án thủy điện đối với môi trường, cảnh quan và xã hội một cách thấu đáo, cùng quy trình vận hành hồ chứa chưa hợp lý, đã và đang gây ra những hệ lụy cho cả tự nhiên lẫn con người. Chưa kể đến hàng loạt sự cố liên quan đến các đập thủy điện xảy ra trong quá trình thi công và ngay cả khi đã vận hành phát điện tại khu vực này thời gian qua như lời cảnh báo nghiêm khắc đối với việc lơ là trong an toàn hồ đập. Đơn cử như Nhà máy Thủy điện Đakrông 3 có công suất lắp máy 8MW, xây dựng từ tháng 8/2010 tại xã Tà Long, huyện Đakrông, đã có 2 lần xảy ra sự cố vỡ đập vào tháng 10/2012 và tháng 9/2013 khiến người dân ở địa phương hết sức hoang mang, lo sợ.
Khu vực Trại Cá (xã Tà Long, huyện Đakrông) được cắm biển cảnh báo với nguy cơ sạt lở đất. |
Mãi chưa di dời 22 hộ dân
Chuyện rừng núi mênh mông, đất đai cò bay mỏi cánh nhưng người dân xóm Trại Cá hiện tại chưa có đất để di dời đó là một thực tế đắng lòng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối với người dân và chính quyền địa phương thì đất ở hiện nay vẫn khó, địa bàn vùng núi khó kiếm ra đất ở. Trong khi đó mỗi tấc đất, ngọn cây đều có chủ, muốn lấy thì phải thu hồi, muốn thu hồi thì phải bồi thường, rồi phải có tiền để san ủi mặt bằng, hỗ trợ di dân…
Đem cái cách của đồng bào ta ngày xưa, thấy khó thì nhổ nhà đi đến nay cũng khó. Người dân, không chỉ 22 hộ ở xóm Trại Cá mà gần 200 hộ dân ở thôn Trại Cá cũng ngao ngán bởi cảnh nước ngập, đất sạt lở. Vì có hơn 50% hộ dân, đặc biệt là các hộ dân ở thôn Kè (nay sát nhập đổi thành Trại Cá) chịu cảnh nguy hiểm này. Nhất là mùa mưa lũ đang cận kề. Chị Hồ Thị Ngưm, 22 tuổi ở xóm Trại Cá không những lo cảnh nước lũ tràn về mà còn lo cho ngôi nhà rách nát của mình dễ bị nước cuốn trôi: “Chị là người xã khác lấy chồng về đây, lấy về bốn năm là bốn năm chạy lũ. Chỉ một hai tháng nữa là mùa lũ về, gia đình chị hay chạy ra sau đồi, hết nước thì về, thường là một ngày một đêm”.
Đồng hành với nỗi lo nhà cửa, ruộng vườn ngập trong lũ là nỗi lo khi phải bỏ con lên đò chở qua sông để tới trường. 22 hộ dân ở xóm Trại Cá muốn con em đi học thì phải qua đò. Và sự sợ hãi của họ không thừa khi đã có trường hợp vợ anh Hồ Văn Lơ đưa con đi học gặp nạn mà chúng tôi đã đề cập ở trên. “Nếu muốn con chị, cháu chị đi học thì chị phải đưa qua sông bằng đò, nếu mùa nước lớn muốn sống thì phải nghỉ học, đi học có khi cũng chết, thà được sống mai sau còn được học, chết là hết được học, hết được sống luôn”, chị Ngưm thở dài.
Nhà ông Hồ Lang, 66 tuổi, có bốn người cùng nhau chạy lũ mấy năm liền vì năm nào nước cũng lên nhà 2m, ngậm ngùi chia sẻ: “Bên sông thì được thủy điện bồi thường khi ngập lũ, 22 hộ dân xóm tôi thì họ đi khảo sát mãi. Việc gì khó thấy chứ nước lên do đập thủy điện Đakrông 4 thì thấy rõ ràng trước mắt, dân nhổ nhà đi vừa không có đất vừa không có tiền để làm nhà”.
Còn nhà ông Hồ Văn Luân, Trưởng thôn Trại Cá nằm sát mép đường Trường Sơn nhưng năm nào cũng nơm nớp lo sợ không dám ngủ khi trời mưa lũ. Ông Luân cho hay, nhiều hộ dân ở đây mùa lũ bị nước ngập, tình trạng sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào khiến người dân rất lo âu.
Rất nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, dân rơi vào tình trạng cần tìm sự sống trước các nhu cầu khác. Một số nơi như xã Hướng Sơn, xã Hướng Lập (thuộc huyện Hướng Hóa) người dân ở vùng sạt lở được di dời đến vùng tái định cư, họ sẽ được an toàn vào mùa mưa lũ. Nhưng vẫn còn một số hộ dân ở xã Húc Nghì, Tà Long (huyện Đakrông), xã Húc (huyện Hướng Hóa) vẫn sống trong nơm nớp lo sợ với sạt lở, với mưa lũ ùa về bất cứ lúc nào. Chính quyền các cấp ở Quảng Trị cần sớm có phương án để di dời dân đến những nơi ở an toàn, tránh thiệt hại về của cải, vật chất, đặc biệt là thiệt hại về người trước mùa mưa lũ.