Nối lại thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen

LHQ và các quốc gia liên quan tạm dừng hoạt động của các chuyến tàu chở lương thực trên Biển Đen. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Nga thông báo đình chỉ tham gia thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen từ cuối tháng 10 vừa qua. Tuy nhiên, tối 2/11 (giờ Việt Nam), Moscow tuyên bố tham gia trở lại thỏa thuận này.
0:00 / 0:00
0:00
Một tàu chở ngũ cốc từ cảng Ukraine tới Lebanon. Ảnh: OCHA
Một tàu chở ngũ cốc từ cảng Ukraine tới Lebanon. Ảnh: OCHA

Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc mang tên Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký kết hồi tháng 7, dưới sự trung gian của LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm nối lại việc xuất khẩu lương thực của Ukraine và phân bón của Nga ra thị trường quốc tế. Từ khi thỏa thuận được triển khai, hơn chín triệu tấn ngũ cốc Ukraine đã được xuất khẩu. Theo kế hoạch, thỏa thuận sẽ được tự động gia hạn vào ngày 19/11 tới nếu không có bên nào phản đối. Tuy nhiên, ngày 29/10, Nga thông báo đình chỉ tham gia sáng kiến trên với lý do “không thể bảo đảm an toàn cho các tàu dân sự” sau khi Hạm đội Biển Đen bị tấn công. Sau tuyên bố của Moscow, các chuyến tàu chở ngũ cốc của Ukraine vẫn tiếp tục hoạt động. Trong hai ngày 31/10 và 1/11, có 15 tàu chở ngũ cốc rời các cảng của Ukraine.

Ngày 2/11, Trung tâm Điều phối chung (JCC), cơ quan giám sát thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraine cho biết, tạm ngừng hoạt động của các tàu chở ngũ cốc di chuyển trên Biển Đen. Đề cập thỏa thuận do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đạt được hồi tháng 7 vừa qua, JCC nêu rõ, Ban Thư ký LHQ tại JCC ghi nhận rằng, các phái đoàn Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ đã nhất trí không lên kế hoạch cho bất kỳ hoạt động di chuyển nào của tàu thuyền trong Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen vào ngày 2/11.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar. Theo Bộ Quốc phòng Nga, trong cuộc điện đàm thứ hai chỉ trong vòng bốn ngày qua, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước tiếp tục thảo luận về việc Nga ngừng thực hiện các thỏa thuận xuất khẩu nông sản từ các cảng của Ukraine trong khuôn khổ Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov về cùng chủ đề trên.

Nối lại thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen ảnh 1

Hành lang ngũ cốc giúp hạ nhiệt khủng hoảng lương thực toàn cầu. Ảnh: CLOUDFRONT

Nỗ lực khôi phục thỏa thuận

Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo, kiêm Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp, ông Martin Griffiths cho biết, LHQ mong muốn Nga tham gia trở lại Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, đồng thời khẳng định tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh sẵn sàng giải quyết những lo ngại và lắng nghe đề xuất của tất cả các bên. Phó Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh rằng, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen rất quan trọng và không thể đổ vỡ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, hành lang vận chuyển ngũ cốc ra khỏi nước này, một phần của thỏa thuận mà Nga vừa rút khỏi, cần được bảo vệ lâu dài với độ tin cậy cao và quốc tế sẽ phản ứng gay gắt đối với bất kỳ biện pháp nào làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu lương thực của Ukraine.

Điều phối viên LHQ về Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, ông Amir Abdulla nhấn mạnh, các tàu chở hàng dân sự không thể trở thành mục tiêu quân sự hoặc bị bắt làm con tin và lương thực phải được vận chuyển theo thỏa thuận. Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Marc Fesneau cho biết, Paris đã làm việc theo hướng cho phép Ukraine xuất khẩu lương thực trên các tuyến đường bộ qua Ba Lan hoặc Romania thay vì tuyến Biển Đen.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ, Ukraine phải bảo đảm rằng, không có mối đe dọa nào nhằm vào các tàu trong hành lang ngũ cốc, trong đó có các tàu dân sự và tàu tiếp tế của Moscow. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, quyết định đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc của Moscow có liên quan các mối đe dọa đối với hành lang nhân đạo. Trong khi đó, tại cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã nêu điều kiện tiến hành thảo luận việc nối lại hoạt động đi lại qua hành lang an ninh, được thiết lập theo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Theo đó, Bộ trưởng Sergey Lavrov nhấn mạnh sự cần thiết phải có các bảo đảm từ phía Ukraine rằng, hành lang nhân đạo và các cảng của Ukraine liên quan hoạt động vận chuyển ngũ cốc không bị sử dụng cho các hành động chống Liên bang Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Nga khẳng định, chỉ trong trường hợp này, những cuộc thảo luận về nối lại hoạt động đi lại qua hành lang an ninh được thiết lập theo Sáng kiến Biển Đen mới có thể thực hiện.

Cuối cùng, những nỗ lực không ngừng nghỉ của các bên liên quan đã cho kết quả tích cực. Cuối ngày 2/11, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, Moscow sẽ tham gia trở lại thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen sau khi nhận được cam kết bằng văn bản của Ukraine bảo đảm không sử dụng các hành lang nhân đạo và các cảng biển của nước này cho các hoạt động quân sự chống lại Nga. Thông báo của phía Nga nhấn mạnh kết quả này có được nhờ vai trò trung gian tích cực của LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ.