Nỗ lực thu hút dòng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp

Việt Nam đang đứng trước “cơ hội vàng” để thu hút làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài, nhất là vào các khu kinh tế, khu công nghiệp. Trong đó, Việt Nam tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn với lợi thế chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng…
0:00 / 0:00
0:00
Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương).
Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương).

Nhiều yếu tố, cơ hội thuận lợi

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giai đoạn sau đại dịch Covid-19, thu hút FDI vào Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để có thể đón được một làn sóng đầu tư mới.

Thứ nhất, với việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, duy trì ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng và hấp dẫn trong chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu của các nhà đầu tư. Thứ hai, vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao cùng với các hoạt động kinh tế đối ngoại tích cực của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước.

Cùng với đó, với sự quan tâm cao của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các doanh nghiệp, môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam ngày càng thông thoáng, thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư. Thứ tư, lợi thế về nhân lực và thị trường nội địa với gần 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo nên một thị trường có sức mua khá lớn, đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trong khối ASEAN với quy mô GDP đạt hơn 350 tỷ USD; là nền kinh tế có độ mở cao, là thành viên của 15 FTA với 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thị trường rộng lớn đầy tiềm năng. Thứ năm, doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc các tập đoàn đa quốc gia đang có kế hoạch dịch chuyển hoặc tái cơ cấu chuỗi sản xuất theo hướng “Trung Quốc +1” mở ra cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng mới của thế giới. Ngoài ra, Việt Nam còn có cơ hội đón đầu xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất toàn cầu để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài phát triển một số lĩnh vực mới tại Việt Nam như: trang thiết bị y tế, sinh học, hóa dược, hóa sinh, dược phẩm, công nghệ thông tin...

Nỗ lực thu hút dòng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp ảnh 1

Một góc Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (Binh Dương). Ảnh: LIÊM HOÀNG

Không ít thách thức, rào cản

Tuy vậy, bên cạnh những sắc thái mầu hồng thì hoạt động FDI ở Việt Nam cũng còn đối mặt không ít rào cản, thách thức. Việc cạnh tranh thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia thời kỳ hậu Covid-19 sẽ ngày càng gay gắt. Trong khi đó nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển, đang có những điều chỉnh về chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư trở về lại chính nước mình. Thứ hai, việc các nước đang tiến tới áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có thể ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động FDI tại Việt Nam. Các ưu đãi về đầu tư trong ngắn hạn, đặc biệt là đối với các năm đầu thực hiện dự án, sẽ bị ảnh hưởng. Thứ ba, cơ chế, chính sách về đầu tư nước ngoài của nước ta vẫn còn chồng chéo; công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài tại các địa phương còn thiếu gắn kết, chưa theo đúng định hướng chung, dẫn đến việc thu hút đầu tư nước ngoài thiếu tính hệ thống, hiệu quả chưa cao.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa đồng bộ, năng lực dịch vụ hậu cần, logistics chưa cao, chi phí vận chuyển ở nước ta còn ở mức cao so các nước trong khu vực. Tiếp đó là tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động có kỹ năng, đặc biệt là lao động công nghệ cao hoặc ở những lĩnh vực công nghiệp mới. Nguồn nhân lực của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Thứ sáu, khả năng tự chủ của ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được khả năng tự cung ứng trong chuỗi sản xuất. Do vậy, các ngành sản xuất công nghiệp ở nước ta còn phải nhập siêu lớn khối lượng linh kiện, phụ tùng.

Theo đại diện Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam, hiện vẫn còn một số doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp gặp khó khăn trong việc đăng ký và áp dụng cơ chế doanh nghiệp chế xuất nên chưa được hưởng các chính sách ưu đãi. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế theo chiều rộng gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao; chưa bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với yêu cầu về bảo vệ môi trường, chưa bảo đảm an sinh xã hội; lợi thế cạnh tranh của khu công nghiệp, khu kinh tế mất dần cùng với xu hướng giảm dần các ưu đãi về thuế, đất đai; tính liên kết và hợp tác sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt Nam còn hạn chế.

Nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý

Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài và đạt được những mục tiêu như mong muốn, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, sớm hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền; bảo đảm việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài theo đúng định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển. Đồng thời, xây dựng thể chế, chính sách mới cho các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Đặc biệt, cần đưa ra các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư thế hệ mới thay thế dần các chính sách thu hút đầu tư hiện tại đang dần không còn phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Thứ hai, nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, có chính sách và giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cùng với đó, ban hành danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng cao… Thứ ba, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ; có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy sự liên kết, lan tỏa và hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế trong nước, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, tiến tới tự chủ công nghệ và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khuyến khích chuyển hướng thu hút đầu tư nước ngoài bằng nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp các tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để đào tạo nhân lực theo “đơn đặt hàng”. Thứ năm, hiện đại hóa và đa dạng hóa công tác xúc tiến đầu tư, tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa Trung ương với địa phương; tăng cường kết hợp xúc tiến đầu tư cấp quốc gia, vùng và trong các hoạt động đối ngoại cấp cao nhà nước; nâng cao tính chuyên nghiệp, cải thiện nội dung và hình thức xúc tiến đầu tư, ưu tiên tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ. Thứ sáu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.

Còn theo GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm có văn bản hướng dẫn chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Cụ thể là chuyển đổi mô hình khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái; những địa phương đang lập quy hoạch xây dựng thêm khu công nghiệp mới nhất thiết phải theo mô hình khu công nghiệp sinh thái; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển từ khu công nghiệp sang khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ ở những vùng có điều kiện thực hiện…

Hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế trong cả nước đã có mặt ở 61/63 tỉnh, thành phố với 403 khu công nghiệp, 18 khu kinh tế ven biển và 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập, đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội cho đất nước nói chung cũng như các địa phương nói riêng. Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được hơn 10 nghìn dự án trong nước và gần 11 nghìn dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 340 tỷ USD (trong đó tổng vốn FDI khoảng 230 tỷ USD). Những năm gần đây, trung bình hằng năm, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước; nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm từ 70-80% tổng vốn đăng ký cả nước ở cùng lĩnh vực.