Nỗ lực của Vatican

Ngày 16-2 vừa qua, cựu Hồng y người Mỹ Theodore Edgar McCarrick (trong ảnh) đã chính thức bị Tòa thánh Vatican cách giáo phẩm sau khi ông này bị kết tội xâm hại tình dục trẻ vị thành niên. Đây là một quyết định cứng rắn, thể hiện quyết tâm làm trong sạch nội bộ Giáo hội Thiên Chúa giáo của người đứng đầu Vatican.

Ảnh: NJ
Ảnh: NJ

Ông Theodore Edgar McCarrick (88 tuổi), cựu Tổng Giám mục (TGM) của Thủ đô Washington D.C (Mỹ) từ năm 2001 đến 2006, được coi là một trong những nhân vật quyền lực nhất của Giáo hội Công giáo tại Mỹ trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, tháng 9-2017, Tổng Giáo phận New York đã báo với Tòa thánh Vatican về những cáo buộc của một người đàn ông, tố cáo từng bị cựu Hồng y McCarrick xâm hại tình dục khi ông này còn là thiếu niên vào năm 1970. Giáo hoàng Francis đã yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng tại tổng giáo phận New York và hồ sơ về vụ bê bối sau đó được chuyển về Bộ Giáo lý đức tin của Tòa thánh.

Trước những cáo buộc xâm hại tình dục trên, ông McCarrick đã phải từ chức và rút lui khỏi Hồng y Đoàn của Vatican vào năm 2018. Ngoài ra, Giáo hoàng Francis quyết định để McCarrick chuyển đến một tu viện ở bang Kansas trong lúc chờ kết quả điều tra chính thức. TGM hiện tại của New York, Đức Hồng y Timothy Dolan đã thành lập một cơ quan điều tra độc lập, bao gồm hội đồng đánh giá, các chuyên gia pháp lý và tâm lý học... Sau khi quá trình điều tra hoàn tất vào tháng 1-2019, giới chức Giáo hội Mỹ khẳng định những cáo buộc xâm hại tình dục vào năm 1970 đối với ông McCarrick là hoàn toàn chính xác.

Có thể ông McCarrick chưa phải hầu tòa do vụ việc đã quá thời gian buộc tội hình sự trong luật pháp Mỹ. Nhưng phán quyết của Giáo hoàng Francis cho thấy, bất kỳ giáo sĩ nào bị kết tội xâm hại tình dục sẽ bị luật Giáo hội xét xử không khoan nhượng, bất kể vị trí của người đó trong Giáo hội ra sao. “Không có Giám mục nào, dù tầm ảnh hưởng lớn đến đâu, có thể đứng trên luật pháp của Giáo hội. Đối với tất cả những người bị ông McCarrick xâm hại, tôi cầu nguyện phán quyết này sẽ góp phần giúp họ sớm chữa lành tổn thương”, Đức Hồng y Daniel Nicholas DiNardo, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Mỹ tuyên bố.

Theo The New York Times, đây là lần đầu một Hồng y, người có vị trí cao như vậy trong Giáo hội Công giáo bị tước bỏ giáo phẩm và tất cả các chức danh giáo sĩ vì bê bối xâm hại tình dục. Ngoài ra, tất cả các đặc quyền và tài sản của nhà thờ dành cho ông McCarrick cũng sẽ bị thu hồi. Đức TGM Charles Scicluna, Chủ tịch Hội đồng xử lý các vụ giáo sĩ xâm hại tình dục trong Bộ Giáo lý đức tin cho rằng, phán quyết của Tòa thánh Vatican đối với ông McCarrick có thể coi là một thông điệp cứng rắn, thể hiện quyết tâm làm trong sạch nội bộ của những người đứng đầu Giáo hội.

Ông McCarrick chỉ là một trong số hàng trăm giáo sĩ bị buộc tội xâm hại tình dục trẻ em trong nhiều năm dần bị phanh phui. Thí dụ như tại Đức, một báo cáo đưa ra vào tháng 10-2018 tiết lộ, có tới hơn 3.600 trường hợp trẻ em đã bị các linh mục xâm hại từ năm 1946 đến 2014. Tại Chile, 34 giám mục cũng phải từ chức vào tháng 5-2018 sau những bê bối xâm hại tình dục trẻ em. Mới đây, Giáo hoàng Francis cũng phải thừa nhận, một số linh mục đã xâm hại tình dục các nữ tu và thậm chí có nhiều trường hợp các nữ tu bị ép buộc trở thành nô lệ tình dục.

Trước tình hình đó, Giáo Hoàng Francis quyết định tổ chức hội nghị cấp cao diễn ra từ ngày 21-2 tại Thủ đô Roma (Italia) và kéo dài trong bốn ngày. Tại đây, Giáo hoàng Francis cùng 200 giám mục đứng đầu các giáo hội từ khắp nơi trên thế giới sẽ chính thức đưa ra lời xin lỗi các nạn nhân và gia đình họ, đồng thời thảo luận về biện pháp ngăn chặn cũng như cam kết không khoan nhượng trước bê bối xâm hại tình dục trên toàn cầu. Trong những nội dụng thảo luận của hội nghị, Giáo hoàng Francis đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu giáo dục giới tính và sự tuân thủ nghiêm khắc giáo lý nhà thờ, đưa ra những giao thức mới giúp nạn nhân tố cáo nếu giáo sĩ nào có hành vi xâm hại trong tương lai.