Nỗ lực bình ổn thị trường xăng, dầu

Với việc giá dầu thô thế giới tiếp tục duy trì ở mức hơn 100 USD/thùng, giá bán lẻ xăng, dầu tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Bộ Tài chính mới đây đã đánh giá về diễn biến thị trường xăng, dầu thế giới và trong nước sáu tháng đầu năm, từ đó đưa ra một số khuyến nghị chính sách nhằm tăng cường điều hành thị trường và bình ổn giá các mặt hàng xăng, dầu trong sáu tháng cuối năm 2022 và các năm tới.

0:00 / 0:00
0:00
Giá xăng, dầu trong nước đã tăng liên tiếp từ đầu năm đến nay. Ảnh: SONG ANH
Giá xăng, dầu trong nước đã tăng liên tiếp từ đầu năm đến nay. Ảnh: SONG ANH

Ứng phó trước tác động kép

Theo TS Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (Bộ Công thương), trong những yếu tố ảnh hưởng đến biến động giá cả các mặt hàng xăng, dầu trên thị trường thế giới thì trước hết là do nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu tăng mạnh khi các nước thực hiện mở cửa trở lại để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Trong khi đó, nguồn cung xăng, dầu đang thiếu hụt trên toàn cầu. Bên cạnh đó, tình hình bất ổn chính trị thế giới do căng thẳng giữa Nga và phương Tây, đặc biệt là tình hình xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina dẫn đến các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu thô trên thế giới tiếp tục tăng cao. Giá dầu trên thị trường thế giới thời gian qua tăng đột biến chính là do tác động kép của nguồn cung dầu thiếu hụt so với nhu cầu.

Trong thời gian qua, liên bộ Công thương - Tài chính đã liên tục chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu (BOG) với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại nhằm giữ ổn định, điều chỉnh giá xăng, dầu trong nước phù hợp diễn biến của giá xăng, dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá thế giới. Việc điều hành giá xăng, dầu thông qua sử dụng công cụ Quỹ BOG đã góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ việc duy trì nguồn cung xăng, dầu từ các nguồn (kể cả nhập khẩu) cho thị truờng và bảo đảm duy trì công cụ Quỹ BOG ở mức phù hợp để có dư địa điều hành giá xăng, dầu trong thời gian tới.

Tuy nhiên, số dư Quỹ BOG đang ở mức thấp nên cần tính đến các phương án sử dụng công cụ thuế để bình ổn giá xăng, dầu trong nước. Ngày 3/3/2022, Bộ Tài chính đã gửi công văn xin ý kiến các bộ, ngành liên quan về đề xuất mức giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đề xuất thống nhất của các bộ, ngành liên quan, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc giảm thuế BVMT đến hết năm 2022. Việc thực hiện giảm thuế BVMT sẽ góp phần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước khi giá dầu thô thế giới tăng cao. Việc giảm thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp, hạ giá thành sản phẩm, đồng thời góp phần tiết kiệm chi phí tiêu dùng xăng, dầu, mỡ nhờn cho người dân vì xăng, dầu là nhiên liệu đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất, đặc biệt nhóm ngành huyết mạch của nền kinh tế như giao thông vận tải, điện...

Kết hợp nhiều biện pháp

Từ nay đến cuối năm, việc kiểm soát giá xăng, dầu là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát CPI. Chính từ thực tế đó, nhằm tăng cường điều hành thị trường và bình ổn giá các mặt hàng xăng, dầu trong sáu tháng cuối năm 2022 và các năm tới, các chuyên gia khuyến nghị cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu.

Theo đó, liên bộ Công thương - Tài chính cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ và nỗ lực ở mức cao nhất để bảo đảm kiểm soát giá các mặt hàng xăng, dầu trong khả năng có thể, nếu không giảm được giá thì ít nhất phải giữ bình ổn được thị trường xăng, dầu để hạn chế những tác động đến thị trường hàng hóa nói chung và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm, nhất là trong điều kiện giá xăng, dầu thế giới liên tục điều chỉnh tăng. Với diễn biến giá dầu thô trên thị trường thế giới khó dự đoán như hiện nay, để chặn đà tăng của giá xăng, dầu trong nước, cần tính toán vận hành Quỹ BOG cho phù hợp để góp phần hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thực hiện hiệu quả các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế thời gian tới.

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cần tiếp tục phối hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) trong việc điều hành giá xăng, dầu trước áp lực tăng giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường thế giới, theo dõi sát diễn biến giá cả mặt hàng xăng, dầu thế giới để có biện pháp điều hành linh hoạt, hợp lý và kịp thời. Về thời gian điều hành giá xăng, dầu, theo quy định thực hiện vào các ngày 1, 11 và 21 hằng tháng, như vậy là khá cứng nhắc, có thể làm nảy sinh một số vấn đề trong điều hành của liên bộ Công thương - Tài chính khi giá xăng, dầu trên thị trường thế giới biến động quá mạnh (khi cần điều chỉnh trước thời hạn thì thủ tục làm mất khá nhiều thời gian), hay trường hợp khi gần đến ngày điều chỉnh giá xăng, dầu, người dân, doanh nghiệp đều có thể dự tính được, do đó dễ dẫn tới tình trạng các cây xăng tìm cách hạn chế bán ra, người dân tìm cách mua tích trữ... làm cho các cơ quan quản lý phải tiến hành thanh tra, kiểm tra rất phức tạp hoặc gây dư luận xã hội không tốt. Do vậy, nên quy định khoảng thời gian điều chỉnh giá xăng, dầu có thể từ 3 - 15 ngày khi giá cơ sở tăng hoặc giảm ít nhất 3% so với giá cơ sở của kỳ điều hành trước đó. Thời điểm điều chỉnh giá nên được giữ bí mật để các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu không tìm cách lợi dụng kiếm lời.

Để bình ổn thị trường xăng, dầu trong nước, có hai công cụ để điều hành hiện nay là Quỹ BOG và thuế, phí, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu. Do đó, Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát và sử dụng các công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt), trong đó ngoài việc thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã đề xuất, không loại trừ phương án điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu để bình ổn giá cả thị trường. Trong điều kiện hiện nay, khi Quỹ BOG đã cạn, thậm chí đã âm tại một số công ty lớn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), nếu không điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt thì dư địa để kiềm chế giá xăng, dầu sẽ không còn. Thực tế hiện nay, nhiều quốc gia trong khu vực cũng đang nỗ lực hạ nhiệt giá mặt hàng xăng, dầu bằng cách giảm các sắc thuế, thí dụ như Thailand và Lào đang áp dụng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, dầu trong thời gian ba tháng.

Ngoài ra, Bộ Công thương cần có các giải pháp về bảo đảm nguồn cung, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng, dầu, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý. Đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sớm có báo cáo Bộ Công thương về kế hoạch cung ứng xăng, dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn để Bộ có căn cứ xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho quý III và những tháng cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, cần xem xét lại quy định về việc dự trữ xăng, dầu bắt buộc tối thiểu bằng 20 ngày cung ứng, bởi quy định giảm lượng dự trữ xăng, dầu bắt buộc có thể làm trầm trọng hơn tình trạng một số cây xăng phải đóng cửa vì không có xăng bán thời gian vừa qua, khiến cho Bộ Công thương phải cấp tốc yêu cầu các thương nhân đầu mối nhập khẩu một lượng lớn xăng, dầu để phục vụ kịp thời nhu cầu tiêu thụ trong nước. Trong điều kiện hiện nay, Việt Nam cần bảo đảm tốt hơn nữa vấn đề an ninh năng lượng, có dự trữ xăng, dầu đủ lớn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, cần xem xét giữ nguyên quy định mức dự trữ xăng, dầu bắt buộc tối thiểu bằng 30 ngày cung ứng như Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Đồng thời, cần giám sát chặt chẽ nguồn cung xăng, dầu trên thị trường để bảo đảm đủ hàng cho hệ thống phân phối, phát hiện những trường hợp cung xăng, dầu có biểu hiện thiếu cục bộ để kịp thời can thiệp.

Ngày 6/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12 năm nay.
Theo đó, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn trong biểu khung thuế suất như đề nghị của Chính phủ.