Những kỷ niệm về Raymonde Dien

Sáng 20/8, một đồng nghiệp ở Pháp báo tin bà Raymonde Dien, nữ đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, người bạn Pháp gắn bó với Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ nay, qua đời. Nhận được tin, tôi thấy bàng hoàng. Dẫu biết rằng sinh tử là quy luật, nhưng những ấn tượng của tôi với bà Raymonde Dien thật khó có thể mờ phai.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Raymonde Dien chụp ảnh kỷ niệm với người bạn Việt Nam trước ngôi nhà tại thị trấn Vouvray.
Bà Raymonde Dien chụp ảnh kỷ niệm với người bạn Việt Nam trước ngôi nhà tại thị trấn Vouvray.

Với thế hệ chúng tôi, hình ảnh Raymonde Dien và Henri Martin là những người bạn Pháp được học từ thủa ngồi ghế nhà trường. Hành động dũng cảm của bà Raymonde Dien nằm xuống đường ray xe hỏa để ngăn cản chuyến tàu chở vũ khí sang Đông Dương đã gieo trong tâm trí chúng tôi sự ngưỡng mộ sâu sắc bởi khi ấy bà mới chỉ 21 tuổi đã sẵn sàng chiến đấu vì nền hòa bình, độc lập cho nhân dân Việt Nam, một đất nước cách nước Pháp gần 10 nghìn cây số. Trong tâm tưởng, tôi luôn hy vọng có dịp được gặp gỡ những thần tượng của tôi trên đất Pháp. Và rồi cơ hội đó cũng đến khi tôi được cử đi làm nhiệm vụ phóng viên thường trú tại Pháp cuối năm 2004.

Vào đầu năm 2005, qua những mối liên hệ với các bạn Đảng Cộng sản Pháp ở thành phố Tours, chúng tôi liên hệ được với bà Raymonde Dien và bà sẵn sàng đón chúng tôi tại nhà ở Vouvray, một thị trấn nhỏ cách thủ đô Paris gần 200km. Đi cùng tôi có chuyên gia dầu khí Nguyễn Quang Tiến, một Việt kiều rất am hiểu lĩnh vực dầu khí và có nhiều đóng góp cho ngành dầu khí nước nhà và chị Thu Hà, nhân viên Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Mới sang, việc vừa lái xe ô-tô vừa tìm đường cũng là một thử thách bởi khi đó chưa có định vị vệ tinh GPS như bây giờ. Tôi phải mua một bản đồ và nhờ bác Tiến ngồi bên chỉ đường. Sau gần ba giờ tìm đường, đi dọc theo sông Loire thơ mộng với những tòa lâu đài cổ kính thấp thoáng trong những rừng cây, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà bà, một ngôi nhà nhỏ hai tầng với khuôn viên rộng rãi trồng hoa rất đẹp.

Chúng tôi bấm chuông và không phải chờ lâu, bà Raymonde Dien ra mở cửa, tươi cười, nụ cười rạng rỡ chúng tôi đã xem qua sách, báo, phim ảnh. Bà ôm chầm lấy chúng tôi như những người bạn thân lâu không gặp rồi mời vào nhà.

Trong phòng khách ấm cúng, câu chuyện của chúng tôi với bà cứ tự nhiên chuyển qua nhiều chủ đề khác nhau mà chủ đề nào cũng thật sôi nổi. Mở đầu câu chuyện, bà lấy chiếc đồng hồ Bác Hồ tặng trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu năm 1956 dự Đại hội Thanh niên cùng ông Henri Martin khoe chúng tôi. Bà kể, năm 1956, được cùng ông Henri Martin sang Việt Nam dự Đại hội Thanh niên, bà vô cùng xúc động được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón ân cần. Bác Hồ đã tặng vợ chồng bà chiếc đồng hồ và chiếc vòng làm kỷ niệm. Hai kỷ vật đó, vợ chồng bà luôn gìn giữ và coi như báu vật thiêng liêng.

Vui chuyện, bà kể, năm 2004, bà và ông Henri Martin được mời sang Việt Nam dự lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Chứng kiến những đổi thay và sự phát triển của Việt Nam, bà vui mừng khôn xiết. Bà bảo, qua chuyến đi tới nhiều địa phương, được tận mắt nhìn thấy những sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam, tiếp xúc với những người bạn tận tình, mến khách, tôi vui lắm. Đất nước các bạn đã phải trải qua chiến tranh kéo dài, hy sinh rất nhiều về người và của cải, vật chất. Giờ đây các bạn đã nỗ lực xây dựng đất nước đàng hoàng, to đẹp hơn. Đó là điều tôi rất hạnh phúc.

Chuyện trò hồi lâu, chúng tôi trở lại sự kiện mà chúng tôi quan tâm cách đây hơn nửa thế kỷ, bà Raymonde Dien nhớ về kỷ niệm tuổi trẻ khi chứng kiến những khó khăn dưới thời Đức quốc xã trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Bà tham gia Đảng Cộng sản Pháp năm 1947 khi mới 18 tuổi. Ngày 23/2/1950, biết tin có một đoàn tàu chở vũ khí sang Đông Dương sẽ chạy qua, bà và các đồng chí trong chi bộ đã đến ga Saint Pierre des Corps, ngoại ô thành phố Tours để phản đối hành động gây chiến tranh của chính quyền Pháp. Đầu giờ chiều, khi đoàn tàu chở vũ khí đang tiến vào ga, bà đã lao xuống nằm ngang trên đường ray. Trước hành động dũng cảm của bà, chuyến tàu chở vũ khí đã phải dừng lại khẩn cấp và không thể vận chuyển những vũ khí giết người này sang Đông Dương đúng như kế hoạch.

Ngay cuối giờ chiều hôm đó, chính quyền thực dân đã bắt giam bà vì hành động ngăn cản chuyến tàu. Dù dùng đủ mọi hình thức tra khảo, nhưng bà vẫn kiên định bảo vệ bí mật cho các đồng chí. Không thể khai thác thông tin, chính quyền thực dân đã giam bà ở nhà tù Tours. Bị đưa ra xử ngày 1/6/1950 ở Bordeaux, bà Raymonde Dien bị kết tội “vi phạm nghiêm trọng an ninh quốc gia”. Bà bị kết án một năm tù và bị giam ở nhà tù Bordeaux.

Hành động dũng cảm của người đảng viên cộng sản trẻ tuổi Raymonde Dien sẵn sàng hy sinh thân mình để phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp ở Đông Dương đã dấy lên phong trào mạnh mẽ đòi trả tự do cho bà ở Pháp và trên thế giới. Trước sức ép ngày càng lớn của dư luận trong nước và quốc tế, chính quyền thực dân đã phải trả tự do cho bà vào ngày 24/12/1950.

Bà kể lại kỷ niệm thật đáng nhớ lúc ra tù. Khi gặp chồng, ông xúc động bảo, sáng 23/2, trước khi đi làm em bảo là chiều về, vậy mà sau tròn 10 tháng mới về nhà. Hai vợ chồng ôm nhau, bùi ngùi.

Những kỷ niệm về Raymonde Dien ảnh 1

Trang bìa Tạp chí Regards của Pháp số ra ngày 29/12/1950 chụp ảnh bà Raymonde Dien được trả tự do.

Nghe bà kể đến đây, tôi hỏi bà: “Vậy khi nằm xuống đường ray xe lửa, bà có sợ không?” - Bà Raymonde Dien cười tươi trả lời: “Lúc ấy tôi chỉ muốn làm một việc gì đó để có thể nhanh chóng chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, bởi tôi biết rằng chiến tranh là đau khổ, chết chóc và hy sinh”. Nghe câu trả lời ngắn gọn và giản dị như vậy, chúng tôi càng thêm cảm phục tinh thần quốc tế vô sản của một nữ đảng viên cộng sản Pháp rất bình dị đã yêu quý đất nước, con người Việt Nam đến thế nào mới có thể làm nên những hành động phi thường như vậy.

Chúng tôi đề nghị bà đưa đến thực địa để có thể mường tượng được cụ thể hơn những gì đã diễn ra cách đây hơn nửa thế kỷ. Bà Raymonde Dien dẫn chúng tôi tới đường 23/2/1950 nằm vuông góc với ga Saint Pierre des Corps. Để nhớ tới những hành động dũng cảm của Raymonde Dien, chính quyền địa phương đã quyết định đặt tên con phố là 23/2/1950. Cũng ở nơi này, hằng năm những người cộng sản và công đoàn Pháp thành phố Tours lại cùng nhau tập hợp tại đây để nhắc nhớ về hành động dũng cảm, biểu tượng của tinh thần quốc tế cao cả của nữ chiến sĩ Raymonde Dien.

Bà cùng chúng tôi dạo tới cuối con đường tiếp giáp nhà ga. Đi bên chúng tôi, bà yên lặng ngắm nhìn cảnh sắc chung quanh. Không gian yên lặng thật tĩnh mịch và thiêng liêng.

Kết thúc buổi đi thăm ga Saint Pierre des Corps, bà Raymonde Dien đưa chúng tôi đi thăm nơi diễn ra Đại hội Tours năm 1920, nơi thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Đây cũng là địa điểm lịch sử khi Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Khu vực từng là nơi diễn ra Đại hội Tours nằm bên cạnh một nhà thờ cổ. Được đến nơi từng diễn ra Đại hội Tours lịch sử, chúng tôi vô cùng cảm động khi nghĩ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và càng cảm phục tầm nhìn thiên tài, nhãn quan chính trị nhạy bén của Bác. Từ người yêu nước, Bác đã đến với chủ nghĩa cộng sản và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Với nhãn quan nhạy bén, tư duy biện chứng và hiểu biết sâu sắc bản chất của chế độ thực dân thối nát, Người đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Từ chuyến đi năm 2005 ấy, chúng tôi thường xuyên liên hệ với bà và cũng có cơ hội gặp gỡ bà nhiều hơn. Trong những dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 tổ chức tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp hay tại Hội báo Nhân đạo (l’Humanité) của Đảng Cộng sản Pháp tổ chức ở công viên La Courneuve, ngoại ô phía bắc thủ đô Paris, bà đều thu xếp đến dự. Đặc biệt, kể từ khi Hội Hữu nghị Pháp - Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế về ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam tháng 3/2005, bà Raymonde Dien và ông Henri Martin là những người nhiệt tình tham gia các cuộc vận động ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Phát biểu của ông Henri Martin và bà Raymonde Dien thu hút rất nhiều người Pháp tham dự bởi họ hiểu, việc sẻ chia những mất mát, đớn đau với những nạn nhân chất độc da cam/dioxin là tình cảm, trách nhiệm của những người có lương tri trên toàn thế giới.

Cũng vào dịp kỷ niệm Báo Nhân Dân ra số đầu 11/3 hằng năm, cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại Pháp đều tổ chức lễ kỷ niệm và mời bà đến dự. Mỗi lần dự, bà nhờ con gái Catherine Dien đưa đến. Sau này, sức khỏe giảm sút, bà phải đi lại bằng xe lăn nhưng vẫn đều đặn đến chia vui với những người làm báo Đảng chúng tôi. Bà bảo, đến trụ sở Báo Nhân Dân để được các nhà báo kể chuyện Việt Nam đổi mới, bà hạnh phúc lắm.

Với tôi, kỷ niệm đi thường trú ở Pháp rất nhiều, nhưng những kỷ niệm với bà Raymonde Dien thật thân thương và gần gũi. Thật hạnh phúc, vinh dự được biết và trò chuyện với bà. Vĩnh biệt bà, Raymonde Dien, người đảng viên cộng sản, chiến sĩ quốc tế đã sẵn sàng hy sinh vì đất nước, con người Việt Nam, nơi bà coi như quê hương thứ hai.