Thấm câu “bầu ơi thương lấy bí cùng…”
Bấm đốt ngón tay đếm lại khoảng thời gian mình gắn bó với bản Giàng (xã Hương Liên), cô giáo Hoàng Thị Hương, giáo viên mầm non chia sẻ: Thời gian thấm thoắt, cũng đã 27 năm vào nghề, 23 năm bám bản rồi anh ạ!”. Ở bản Giàng, người ta ví cô Hương như “người mẹ thứ hai” của nhiều thế hệ trẻ em dân tộc Chứt.
Nhìn nét cười, sự thân thiện của cô, ít ai nghĩ hành trình 23 năm gieo chữ nơi vùng cao này của cô lại chất chứa nhiều ký ức vất vả, gian khó đến vậy. Ngày trước, nhận quyết định về công tác tại bản Giàng, cô Hương chẳng nghĩ đến điều gì ngoài khát khao được ươm những mầm xanh nơi vùng đồng bào dân tộc ít người, nơi con chữ vẫn còn là thứ khá xa lạ đối với nhiều người dân. Hồi đó, sau nhiều năm giữ tập tục sống du canh, du cư trong rừng sâu, người Chứt được bộ đội biên phòng và chính quyền đưa ra khỏi rừng, lập thành một quần cư có tổ chức. Để người Chứt hòa nhập với cuộc sống hiện đại, phải là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và dấu ấn của những giáo viên bám bản của cô Hương là rất lớn.
Bấy giờ, điểm trường nằm riêng lẻ sát bên sườn núi cách sông, cách suối cho nên về mùa mưa lũ, không chỉ học sinh mà cha mẹ các cháu cũng chẳng mấy mặn mà trong việc đưa con đến lớp. Để thay đổi nhận thức của người lớn, hằng ngày cô giáo Hương chủ động vào bản đón trẻ ra lớp, chiều lại đưa trẻ về từng nhà. Ngày tiếp ngày, tuần tiếp tuần, năm tiếp năm, cô Hương cũng không bận tâm đếm chặng đường của mình đã đi dài ngắn như thế nào. Cô chỉ biết, không con đường nào ở bản là chẳng mòn dấu chân cô. Với trách nhiệm là một giáo viên dạy trẻ em người dân tộc thiểu số, cô giáo Hương luôn nhẫn nại, bao dung, chăm sóc, giáo dục trẻ, tìm hiểu tập tục sinh hoạt của bà con để gần gũi hơn các em. Những câu hát ban đầu còn lạ lẫm của cô Hương: “Bầu ơi thương lấy bí cùng…”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương…”… sau bao nhiêu năm cũng khắc sâu vào thế hệ người dân bản Giàng.
Câu chuyện của cô giáo Lê Thị Hiền cũng thật đặc biệt. 21 năm trước, khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Hà Tĩnh (nay là Trường đại học Hà Tĩnh), cô Hiền được phân công giảng dạy tại Trường THCS Hương Thủy. Đây là địa bàn miền núi có nhiều khó khăn, địa hình bị chia cắt bởi đồi núi, sông ngòi và khe suối hiểm trở. “Đường đến trường của các em vất vả, khó khăn lắm, nhất là trong mùa mưa bão. Người dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp cho nên đời sống rất gian nan. Vì vậy, số học sinh bỏ học và có nguy cơ bỏ học cao trong từng năm học. Tôi nhận ra rằng, để các em đến lớp, mình phải nỗ lực hết mức để trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tận tâm, tận tụy, hết lòng vì học sinh. Ngoài thời gian lên lớp, tôi cùng với giáo viên địa phương về tận thôn xóm vận động học sinh bỏ học trở lại trường”, cô Hiền kể lại.
Năm 2013, Trường THCS Hương Thủy sáp nhập vào Trường THCS Hương Giang, cô Hiền được phân công về công tác tại ngôi trường mới thuộc miền đồi núi cách xa trung tâm. Cơ sở vật chất của nhà trường cũng như điều kiện học tập của học sinh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Những năm công tác tại đây, cô được nhà trường phân công giảng dạy môn Ngữ văn và Địa lý lớp 9. Kết quả, nhiều năm cô Hiền và tổ chuyên môn liên tục có học sinh giỏi tỉnh ở các môn xã hội. Đáng chú ý, học sinh đoạt giải nhất quốc gia môn Địa lý của Trường THPT Hương Khê năm học 2019-2020 trước đây cũng từng là học trò của cô Hiền.
Dạy chữ là hạnh phúc lớn của đời
Vượt qua những khó khăn, các cô giáo vùng cao đều đạt những thành tích đáng ghi nhận. Cô Hiền đã có hai sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng khoa học xếp bậc 3, bậc 4 cấp Sở vào các năm học 2003-2004, 2008-2009. Với những tiền đề có được, cô Hiền đã tham gia tích cực các hoạt động đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá và tham gia các cuộc thi, hội thi và được tặng các danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện nhiều năm liền.
Với cô Hoàng Thị Hương, năm học 2018-2019, cô được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ mầm non. Năm 2020, cô được T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn 2015-2020. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh đã lựa chọn và giới thiệu cô giáo Hoàng Thị Hương tham dự chương trình tôn vinh điển hình tiên tiến phụ nữ toàn quốc năm 2022.
Bên cạnh những thành tích được ghi nhận, thì bản thân các cô giáo vùng cao đang phải đối mặt với nhiều gian nan, thử thách trong cuộc sống. Tháng 6/2018, thấy sức khỏe giảm sút, qua thăm khám, cô Hoàng Thị Hương nhận được tin bị ung thư. Vì thế, thời gian qua, cô không đến lớp được đều đặn vì phải dành thời gian điều trị bệnh ở Hà Nội. Đến nay, mặc dù sức khỏe có biến chuyển tốt nhưng hằng ngày cô vẫn phải dùng thuốc điều trị và theo dõi bệnh và tái khám theo định kỳ. “Khó khăn là vậy, nhưng trách nhiệm của một giáo viên bám bản thì mình không bao giờ được quên. Chỉ cần nghĩ đến những đứa trẻ dân tộc Chứt đang bi bô tập nói những tiếng phổ thông đầu tiên là tôi đã thấy khỏe lên rất nhiều. Đáng mừng là các em được tôi chăm bẵm từ những năm tháng đầu đời thì nhiều em đã trở thành giáo viên mầm non, quay trở lại quê hương tiếp nối chặng đường tôi đã đi. Nhiều em trở thành cán bộ Nhà nước, chiến sĩ biên phòng…, đang ngày ngày góp phần tô đẹp thêm bức tranh bản làng”, cô Hương chia sẻ.
Với cô Lê Thị Hiền, hơn 20 năm ra trường nhận công tác cũng là chừng ấy năm cô đưa chồng đi khắp các bệnh viện để chữa chạy căn bệnh tim quái ác. Ngoài thời gian chăm sóc chồng, cô còn phải chăm sóc mẹ chồng hơn 90 tuổi thường xuyên ốm đau và anh trai chồng cũng mắc bệnh hiểm nghèo. Đến cuối năm 2021, không thể cầm cự được với bệnh tật, người chồng, người đồng nghiệp của cô giáo Hiền đã từ bỏ mẹ con cô. Mỗi lần chia sẻ về tâm niệm theo đuổi ước mơ, hành trình cống hiến cho nghề, cô tâm sự: “Không chỉ mình tôi, mà mỗi người đều có những khó khăn riêng. Nhưng được làm giáo viên là một hạnh phúc lớn lao của cuộc đời. Trong lòng tôi luôn tâm niệm, khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê Phan Quốc Thanh: Nhiều năm qua, lãnh đạo ngành giáo dục địa phương luôn ghi nhận những tấm gương vươn lên những khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ như cô Hoàng Thị Hương và cô Lê Thị Hiền. Các cô giáo là tấm gương tiêu biểu của ngành giáo dục huyện nhà về đổi mới, sáng tạo trong dạy và học. Ở vai trò nào các cô cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và luôn toát lên một nghị lực đặc biệt, một tinh thần lạc quan, có khả năng truyền năng lượng, cảm hứng tích cực cho học sinh và đồng nghiệp.
“Khó khăn nhất là đưa tiếng Việt đến nơi đây. Ban đầu, tôi dạy trẻ làm quen với tiếng Việt qua lời ru, trò chơi. Sau đó, hướng dẫn trẻ quan sát, gọi tên cảnh vật, muôn loài, vật dụng chung quanh để giúp trẻ tập nói và nhận ra con chữ đầu đời. Ban đầu, cũng chỉ nghĩ đi mấy năm rồi lại về với phố huyện, nhưng cứ lần nào có ý định làm đơn chuyển đi, tôi lại không đành”, cô Hương chia sẻ.
Cô Lê Thị Hiền: “Chúng tôi thuyết phục các em bằng chính câu chuyện đi học của mình ngày xưa và niềm vui đến lớp. Nhờ vậy, số học sinh có nguy cơ bỏ học ở các thôn, xóm do tôi phụ trách giảm đi rõ rệt”.