Nhu cầu dầu mỏ thế giới vẫn cao

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhận định rằng, bất chấp giá năng lượng tăng cao kỷ lục, nhu cầu dầu mỏ của thế giới duy trì đà tăng, song tốc độ sẽ giảm dần. Trong khi đó, giới chuyên gia vẫn cảnh báo cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay chưa dừng lại.
0:00 / 0:00
0:00
OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ tiếp tục tăng. Ảnh: GETTY IMAGES
OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ tiếp tục tăng. Ảnh: GETTY IMAGES

Mỹ thuyết phục OPEC tăng sản lượng

Trong báo cáo hằng tháng vừa công bố, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ của thế giới tiếp tục tăng trong năm 2023, tuy nhiên tốc độ chậm hơn so mức tăng của năm nay. Theo OPEC, sau khi giảm sâu trong năm 2020 do tác động của dịch Covid-19 mức tiêu thụ dầu đã tăng trở lại và trong năm 2022 có thể sẽ vượt mức tiêu thụ trước đại dịch, dù giá dầu tăng cao kỷ lục. OPEC dự báo, tăng trưởng nhu cầu dầu năm nay duy trì quanh mức 3,36 triệu thùng/ngày và sẽ giảm nhẹ trong năm tới, với mức 2,7 triệu thùng/ngày.

Báo cáo của OPEC nêu rõ: Các dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023, nỗ lực ổn định tình hình địa chính trị, cùng tiến bộ trong kiểm soát dịch Covid-19 là những yếu tố thúc đẩy sức tiêu thụ dầu mỏ trên thế giới. Tuy nhiên, nhận định của OPEC gắn với điều kiện cuộc xung đột ở Ukraine ngừng leo thang và lạm phát không gây tác động quá nghiêm trọng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu. OPEC cũng cho rằng, giá dầu thô tăng cao cùng những diễn biến mới của dịch Covid-19 có thể làm giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của thế giới thời gian tới.

Dự báo trên được OPEC đưa ra sau khi nhóm OPEC và các đối tác, còn gọi là OPEC+, đã đồng ý tăng sản lượng thêm 648.000 thùng ngày trong cả tháng 7 và 8/2022. Quyết định này đã đảo ngược tiến trình cắt giảm sản lượng mà OPEC+ thực hiện trong thời gian đại dịch hoành hành vừa qua.

Giá năng lượng liên tiếp lập đỉnh cao mới, OPEC+ chịu sức ép từ các nước, nhất là Mỹ, đòi hỏi tăng sản lượng nhằm kiềm chế “cơn sốt giá dầu”. Nhà trắng cho biết, một trong những mục tiêu của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm đầu tiên tới Trung Đông từ ngày 13/7, là thuyết phục các nhà sản xuất dầu mỏ ở khu vực tiếp tục nâng sản lượng. Ông Biden sẽ kêu gọi các thành viên OPEC tăng mạnh sản lượng dầu mỏ, trong cuộc gặp lãnh đạo các nước vùng Vịnh tại Saudi Arabia.

Khủng hoảng năng lượng vẫn tiếp diễn

Trong khi đó, tại Diễn đàn năng lượng Sydney do Australia phối hợp Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) tổ chức, nhiều quan chức và chuyên gia cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay sẽ vẫn tiếp diễn. Theo Bộ trưởng Điện lực, Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo của Ấn Độ Raj Kumar Singh, không chỉ do tác động của xung đột ở Ukraine, cuộc khủng hoảng giá nhiên liệu hiện nay còn được cho là xuất phát từ xu hướng các công ty chuyển từ cạnh tranh sang hợp tác để kiểm soát giá, thu lợi nhuận cao, càng nhanh càng tốt.

Phát biểu ý kiến bên lề Diễn đàn, Tổng Giám đốc IEA Fatih Birol cho biết, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang cân nhắc đưa ra “mức trần” đối với giá dầu của Nga. Ý tưởng này được đưa ra trong bối cảnh giá các sản phẩm tinh chế như xăng và dầu diesel tăng vọt, sau khi nguồn cung dầu từ Nga giảm. Đề xuất của G7 nhằm giảm những tác động đối với các nền kinh tế, nhất là các nước nhập khẩu nhiều sản phẩm tinh chế từ Nga.

Giá dầu thô tại Mỹ có xu hướng giảm, do chịu tác động từ đồng USD tăng giá mạnh và dự báo triển vọng tiêu thụ dầu mỏ yếu hơn. Trong báo cáo ngày 12/7, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đã hạ dự báo giá dầu trong năm 2022, với giá dầu thô Brent và dầu ngọt nhẹ WTI lần lượt là 104 USD và 98,79 USD/thùng, giảm 3,1% và 3,6% so mức dự báo Mỹ đưa ra hồi tháng 6.

Theo EIA, sản lượng dầu thô của các nước OPEC trong năm 2021 ở mức trung bình 26,3 triệu thùng/ngày. Dự kiến, sản lượng sẽ tăng lần lượt lên trung bình 28,7 triệu thùng/ngày và 29,3 triệu thùng/ngày trong năm nay và năm tới.