Nhu cầu tuyển dụng đa số ngành nghề đều tăng
Bộ LĐ-TB&XH nhận định, triển vọng thị trường lao động quý I/2024 là 51,7 triệu người có việc làm, tăng 217 nghìn người so với quý IV/2023. Dự báo ba ngành nghề có nhu cầu tăng việc làm là: Sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 1,8%; Sản xuất thiết bị điện tăng 1,6%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,6%. Những ngành nghề giảm việc làm là: In, sao chép bản ghi các loại giảm 13%; hoạt động xây dựng chuyên dụng giảm 5,4% và sản xuất thiết bị điện giảm 3,2%.
Báo cáo Lương và thị trường lao động năm 2024 do Navigos Search (Công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng) khảo sát vào quý III/2023 từ 550 doanh nghiệp cùng hơn 4.000 ứng viên làm việc tại 23 ngành nghề, ở sáu tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh cho thấy, 82% số doanh nghiệp được khảo sát chịu tác động tiêu cực từ thị trường khi tổng cầu thế giới sụt giảm, mất đơn hàng và cắt giảm nhân sự là biện pháp ứng phó đầu tiên với 69% lựa chọn; gần 53% số doanh nghiệp tạm ngừng tuyển dụng mới.
Toàn bộ doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, vận tải, vật liệu xây dựng, dược phẩm, bảo hiểm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tham gia khảo sát cắt giảm dưới 25% số nhân viên. Các công ty dịch vụ tài chính và tư vấn, chứng khoán, dệt may, da giày giảm 25 - 50% nhân sự. Nếu bị cắt giảm, tỷ lệ lao động quay trở lại được thị trường khá thấp. Cụ thể, chỉ hơn 4% tìm được việc mới, 11% vẫn thất nghiệp, 2% chọn làm thời vụ và hơn 1% chuyển sang tự kinh doanh riêng. “Trong năm 2024, gần 60% số công ty được khảo sát cho biết sẽ tuyển dụng thêm dưới 25% số lao động. Gần 100 doanh nghiệp muốn tuyển thêm 25 - 50% nhân sự. Một phần nhỏ có nhu cầu về lao động thời vụ hoặc làm tự do. Chỉ hơn 1% số đơn vị muốn tuyển dụng quy mô lao động hơn 75%”, báo cáo cho hay.
Qua công tác phân tích, dự báo thị trường lao động, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tuy còn nhiều khó khăn song có nhiều tín hiệu tích cực cho thấy thị trường lao động Hà Nội tiếp tục duy trì đà phục hồi khi số người có việc làm tăng và tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm so với đầu năm, nhu cầu tuyển dụng của đa số ngành sẽ có xu hướng tăng trưởng. “Dự kiến xu hướng tuyển dụng sẽ rất đa dạng phân bố trên nhiều ngành nghề, trong đó những ngành nghề liên quan đến thương mại - dịch vụ sẽ có xu hướng tuyển dụng lớn hơn (tăng khoảng 20% so với giai đoạn trước) tiếp đến là các ngành liên quan đến sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, dệt may, da giày, xây dựng... (tăng khoảng 10 - 15%). Ngoài ra, nhóm ngành về khoa học, công nghệ thông tin tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lớn do ảnh hưởng của xu hướng phát triển công nghệ thông tin trên toàn cầu. Ngành kinh doanh bất động sản cũng có nhu cầu tuyển dụng lớn trở lại sau khi bị đóng băng trong nửa đầu năm 2023”, ông Vũ Quang Thành cho biết.
Tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động (Falmi) đã có dự báo ban đầu về nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực quý I/2024. Theo đó, riêng quý I/2024, nhu cầu nhân lực của thành phố là khoảng 77.500 - 86.000 chỗ làm việc. Trong đó, khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 72,63%; công nghiệp - xây dựng chiếm 27,23%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,14%...
Mới đây, đầu năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng tổ chức “Phiên Giao dịch việc làm trực tuyến kết nối chín tỉnh, thành phố”.
Tổng hợp của Ban Tổ chức cho thấy, trong số hơn 44.000 chỉ tiêu tuyển dụng của các doanh nghiệp đăng ký tại phiên giao dịch việc làm này, nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị thuộc tỉnh Bắc Giang lớn nhất, lên tới 17.494 chỉ tiêu. Cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn là các doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh với 11.080 chỉ tiêu. Một số tỉnh, thành phố có chỉ tiêu tuyển dụng lên đến con số hàng nghìn, gồm Quảng Ninh 5.365 chỉ tiêu, Thái Bình 3.708 chỉ tiêu, Ninh Bình 3.174 chỉ tiêu… Đáng chú ý, mức thu nhập từ 15 triệu đồng/tháng trở lên có 154 chỉ tiêu; mức thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng có 283 chỉ tiêu; mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng có 345 chỉ tiêu; mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng có 167 chỉ tiêu; mức thu nhập thỏa thuận có 28 chỉ tiêu.
Tại Hà Nội, có 29 doanh nghiệp đăng ký, với tổng chỉ tiêu tuyển dụng là 977 chỉ tiêu. Cùng với việc tổ chức phiên giao dịch việc làm online đồng bộ trên hệ thống 15 sàn giao dịch việc làm Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng tổ chức phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp tại 215 Trung Kính (Hà Nội) và các sàn.
Từng làm việc cho một công ty sản xuất của Nhật Bản nhưng bị cắt giảm nhân sự cách nay không lâu, anh Nguyễn Thanh Liêm (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ: “Đến với trung tâm, cùng với việc giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, tôi được tiếp cận nhiều nguồn tuyển dụng lao động. Tôi thấy cơ hội việc làm mới có nhiều do nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp rất lớn, quan trọng chỉ là lựa chọn mức lương và tìm hiểu môi trường làm việc phù hợp khả năng và kỹ năng”.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành, ngay sau Tết Giáp Thìn, thị trường lao động tiếp tục đà phục hồi, sự khởi sắc đầu năm thể hiện tại các thị trường lao động lớn trong cả nước.
Cần biết “nắm chắc” cơ hội việc làm
Nhận định về xu hướng thị trường lao động năm 2024, Navigos cho biết, xu hướng việc làm được người lao động quan tâm nhất trong năm 2023 sẽ kéo dài đến năm 2024 là làm việc linh hoạt. Đặc biệt, mối quan tâm về sức khỏe tâm thần cũng được ghi nhận khi cân bằng giữa công việc và cuộc sống đứng thứ hai. Các yếu tố khác bao gồm làm việc từ xa, sử dụng AI và trao quyền cho người lao động. Các vị trí công việc mới cũng sẽ dần xuất hiện, tập trung vào trí tuệ nhân tạo, số hóa, phân tích dữ liệu và phân tích kinh doanh.
Đáng lưu ý, trên thị trường lao động đầu năm, bên cạnh nhiều ứng viên tìm việc, vẫn có những người lao động muốn “nhảy việc”, tìm việc tốt hơn để làm. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, để duy trì một việc làm ổn định đối với nhiều người không phải là chuyện đơn giản. Thực tế cho thấy, việc sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp đang gặp những khó khăn nhất định, vì thế, thị trường lao động cũng bị tác động, nhiều người lao động phải ngừng việc hoặc mất việc, phải làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, chỉ trong tháng 1/2024, cơ quan chức năng đã tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 5.234 trường hợp, số tiền được hỗ trợ là 153,1 tỷ đồng.
Bối cảnh chung và các số liệu kể trên cho thấy, thị trường lao động còn không ít khó khăn, thách thức. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, người lao động cần chắt chiu cơ hội việc làm mới và thận trọng khi chuyển việc làm; đặc biệt, cần nghiên cứu kỹ các điều kiện về bằng cấp, kinh nghiệm cũng như thu nhập, mức độ ổn định của công việc trước khi đưa ra quyết định thay đổi.
Ở góc độ cơ quan chức năng đồng hành với người lao động, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho hay, trong tháng 1/2024 đã có 5.234 người lao động mất việc, tạm thời nghỉ việc được tư vấn, hỗ trợ để tìm việc làm mới. Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm để người lao động tìm được công việc phù hợp năng lực, trình độ và nhu cầu bản thân. Đặc biệt, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động bị mất việc, ngừng việc. Cùng với nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc tìm các giải pháp tạo cơ hội việc làm, người lao động cần tỉnh táo để tránh bị sập bẫy “việc nhẹ, lương cao”, vừa mất đi công việc đang ổn định, vừa bị thiệt hại tài chính.
Đối với các doanh nghiệp, để thu hút, tuyển dụng và giữ chân nhân tài hiệu quả trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm bắt được tin tức kinh tế thị trường, xu hướng thị trường tuyển dụng và tâm lý của người lao động nhằm xây dựng kế hoạch thu hút, tuyển dụng và giữ chân nhân tài hiệu quả. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần bắt đầu từ việc xây dựng cơ chế lương - thưởng minh bạch và hấp dẫn; chú trọng vào lương như một yếu tố thu hút ứng viên khi tuyển dụng; bảo đảm các chính sách về lương, thưởng cho nhân viên; tăng/đa dạng thêm các khoản thưởng hoặc tài trợ về tài chính...