Nhiều thông tin tích cực hỗ trợ thị trường chứng khoán

Xu hướng thị trường chứng khoán trong nước đã dần chuyển biến tích cực, điều này cho thấy tâm lý của nhà đầu tư đã bớt bi quan và dần ổn định trở lại. Đặc biệt, bức tranh kết quả kinh doanh quý III/2023 của các doanh nghiệp sẽ có những chuyển biến tích cực hơn so với hai quý đầu năm và sẽ là yếu tố hỗ trợ xu hướng thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường chứng khoán đang có nhiều thông tin hỗ trợ. Ảnh: NGUYỆT ANH
Thị trường chứng khoán đang có nhiều thông tin hỗ trợ. Ảnh: NGUYỆT ANH

Thị trường chứng khoán quý cuối năm đang được hỗ trợ bởi nhiều thông tin tích cực: Nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi tích cực khi đà suy giảm của xuất nhập khẩu chậm lại, số đơn hàng mới tại các doanh nghiệp tăng lên; thị trường bất động sản đang được tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến pháp lý; hệ thống KRX (hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên TTCK) có khả năng sẽ đi vào vận hành cuối năm nay...

Bức tranh tương đối khả quan

Trong bối cảnh vĩ mô dần sáng hơn, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đang lộ diện những gam mầu sáng trong hai quý cuối năm trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, cũng như chi phí vốn giảm nhờ lãi suất

hạ nhiệt.

Là công ty chứng khoán (CTCK) đầu tiên báo lãi nghìn tỷ trong quý III, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) vừa công bố doanh thu 1.702 tỷ đồng, tăng 44% so cùng kỳ. Với nguồn thu đột biến từ mảng trái phiếu, TCBS báo lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 1.148 tỷ đồng, tăng 57% so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, LNTT đạt hơn 2.148 tỷ đồng, vượt 7% chỉ tiêu cả năm.

Trong khi đó, dù không lãi nghìn tỷ nhưng Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã: VDS) đã ghi nhận “mức tăng bằng lần” với tổng doanh thu hoạt động tăng 32% so cùng kỳ, đạt 245 tỷ đồng. Về chi phí, tổng chi phí hoạt động ghi nhận 105 tỷ đồng, giảm tới 21% so cùng kỳ, trong đó riêng khoản lỗ FVTPL chỉ còn chưa tới 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận 27 tỷ đồng.

Theo đó, lãi trước thuế của VDSC đạt 113 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lãi vỏn vẹn 25 tỷ đồng, tương ứng cao gấp 4,5 lần. Lợi nhuận sau thuế (LNST) cũng gấp gần 4 lần, đạt 92 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu hoạt động của VDSC đạt 572 tỷ đồng, giảm 9% so cùng kỳ. LNTT đạt 320 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ nặng. Với kết quả này, VDSC đã hoàn thành 118% kế hoạch lợi nhuận.

Một CTCK khác cũng báo lãi “bằng lần” là Chứng khoán Bảo Minh (BMS). Trong quý III, CTCK này báo lãi trước thuế gần 38 tỷ đồng, gấp đôi số lãi của cùng kỳ năm trước. LNST đạt hơn 30 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm, LNTT của công ty đạt 160 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lỗ gần 21 tỷ đồng.

Trước đó, Chứng khoán MB (MBS) mở màn mùa báo cáo tài chính quý III của ngành chứng khoán với kết quả khá tích cực. Cụ thể, doanh thu hoạt động đạt 539 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, công ty báo lãi sau thuế đạt 166 tỷ đồng, tăng trưởng 37% so với thực hiện trong cùng kỳ năm 2022.

Hay như Chứng khoán Agribank (Agriseco, mã:AGR) công bố doanh thu hoạt động quý III đạt gần 100 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động tăng gần 14% lên gần 26 tỷ đồng. Nhưng do gánh nặng chi phí quản lý CTCK khiến LNTT giảm 11% so với cùng kỳ, xuống còn khoảng 34 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu hoạt động của Agriseco đạt 272 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. LNTT 9 tháng vượt 140 tỷ đồng, tăng 12% so với thực hiện trong cùng kỳ.

Tìm cơ hội trong quý cuối năm

Trên sàn chứng khoán, nhóm cổ phiếu chứng khoán là một trong những nhóm cổ phiếu dẫn đầu đà tăng của thị trường trong thời gian qua. Tính từ đầu năm đến nay, nhiều cổ phiếu nhóm này đã tăng hàng chục %, thậm chí bằng lần cùng thanh khoản sôi động với khối lượng khớp lệnh trên nhiều cổ phiếu lên đến hàng chục triệu đơn vị.

Một số cái tên có thể kể đến như SSI, VND, VCI, HCM, MBS, SHS, VIX, FTS,… Trong đó, bộ đôi của hai CTCK đầu ngành là SSI và VND còn liên tục nằm trong tốp đầu thanh khoản toàn thị trường.

Nhìn lại thời gian qua, số lượng tài khoản mở mới không ngừng tăng. Cùng với đó, thanh khoản thị trường cũng cải thiện đáng kể với những phiên tỷ USD xuất hiện trở lại. Giá trị giao dịch bình quân trên HoSE tháng 8 vượt ngưỡng 22.000 tỷ đồng/phiên và là mức cao nhất trong 17 tháng kể từ tháng 4/2022. Thậm chí có thời điểm thanh khoản khớp lệnh bình quân cũng tăng lên sát ngưỡng 24.000 tỷ đồng/phiên.

Có thể thấy, trong môi trường lãi suất thấp, chứng khoán là một trong những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất. Do đó, bắt đầu từ cuối quý II, tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư đã đưa một lượng tiền khá lớn đổ vào thị trường, đẩy thanh khoản thị trường gia tăng, từ đó tác động tích cực tới nhóm cổ phiếu chứng khoán.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 10 đến nay, thanh khoản thị trường đang có xu hướng “tụt áp” dần, chỉ dao động từ 12.000-14.000 tỷ đồng/phiên. Hơn nữa, sau những nhịp tăng nóng, định giá nhóm chứng khoán hiện đang ở mức khá cao. Phần lớn các CTCK đều có mức P/B trên hai lần, có những trường hợp còn lên ba lần. Mức định giá này đã gần chạm đến thời điểm năm 2021. Chưa kể, kết quả kinh doanh của nhiều CTCK tăng cao sẽ khiến định giá cổ phiếu sẽ tăng hơn nữa.

Phân tích về thị trường chứng khoán những tháng cuối năm, bà Trần Thị Lan Anh, Trưởng phòng Tư vấn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đưa ra góc nhìn lạc quan khi cho rằng, theo nguyên lý vận động của một thị trường có xu hướng tăng giá thì ngành nào cũng có khả năng đi lên, nhưng tốc độ tăng của các ngành sẽ khác nhau. Nhà đầu tư nên tập trung vào các nhóm ngành, các doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng trong nhiều năm liên tiếp, hoặc hai quý cuối năm ghi nhận kết quả kinh doanh tăng mạnh so với cùng kỳ.