Nhiều tàu chở ngũ cốc đã rời cảng Ukraine

Sau hai tuần khởi hành, chuyến tàu đầu tiên chở ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine đã cập cảng ở Syria. Kể từ khi thỏa thuận nối lại hoạt động xuất khẩu lương thực qua Biển Đen được ký kết tháng 7 vừa qua, do Liên hợp quốc (LHQ) bảo lãnh, đến nay đã có 17 tàu chở lương thực xuất khẩu đã rời các cảng của Ukraine.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ ký kết Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: REUTERS
Lễ ký kết Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: REUTERS

Nối lại hoạt động xuất khẩu lương thực

Dữ liệu vệ tinh của Planet Labs PBC sáng 16/8 đã cho thấy hình ảnh tàu Razoni treo cờ Sierra Leone neo đậu tại cảng Tartus của Syria. Một hãng vận tải biển quốc tế cũng xác nhận tàu Razoni đã neo đậu ở bến cảng trên và đang tiến hành bốc dỡ một phần hàng hóa. Đây là chuyến hàng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine đầu tiên được thực hiện theo các thỏa thuận Ukraine và Nga đã ký, với vai trò trung gian của LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tàu Razoni mang theo hơn 26.000 tấn ngô rời cảng Odessa của Ukraine hôm 1/8, với đích đến ban đầu là Lebanon. Tuy nhiên, phía khách hàng ở Lebanon đã hủy hợp đồng do lo ngại về chất lượng hàng hóa, khiến tàu phải trở lại Thổ Nhĩ Kỳ để dỡ một phần hàng tại cảng Mersin. Sau khi rời cảng ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 13/8, tàu đã không bật thiết bị phát tín hiệu, khiến các dữ liệu vệ tinh không thể xác nhận vị trí của tàu trong mấy ngày qua.

Trong khi đó, theo dữ liệu của Refinitiv Eikon, ngày 16/8, tàu Brave Commander mang cờ Liberia đã rời cảng Pivdennyi của Ukraine, chở khoảng 23.000 tấn lúa mì là chuyến hàng viện trợ nhân đạo đầu tiên được Trung tâm điều phối chung (JCC) phê duyệt nhằm giúp giải quyết khủng hoảng lương thực tại châu Phi. Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine cho biết, tàu Brave Commander sẽ dỡ hàng tại Djibouti và lúa mì sẽ được chuyển đến đích tiếp nhận là Ethiopia.

Cùng hưởng lợi từ thỏa thuận

JCC do Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ phối hợp thành lập và điều hành, theo các thỏa thuận trong khuôn khổ Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, được Nga và Ukraine ký riêng rẽ tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 22/7 vừa qua. Theo thông tin từ JCC và Ukraine, đến ngày 16/8, 17 tàu chở tổng cộng 475.000 tấn lương thực đã rời các cảng của Ukraine. Hôm 14/7, một tàu chở lúa mì Ukraine cũng đã cập cảng Thổ Nhĩ Kỳ.

Các sản phẩm lúa mì, lúa mạch, ngô và dầu hướng dương của Nga và Ukraine là những hàng hóa quan trọng với nhiều quốc gia tại châu Á, châu Phi và khu vực Trung Đông, với hàng triệu người dân ở những khu vực này sống dựa vào nguồn thức ăn chính là bánh mì. Xung đột nổ ra tại Ukraine hồi tháng 2 đã khiến giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, đe dọa đẩy hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói.

Các thỏa thuận được Nga và Ukraine ký kết riêng rẽ, với vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và sự bảo trợ của LHQ đã cho phép Ukraine nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen và bảo đảm lương thực và phân bón của Nga không chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. Thỏa thuận khơi thông tuyến đường vận chuyển ngũ cốc trên Biển Đen không chỉ giúp khôi phục hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, mà còn dỡ bỏ các rào cản đối với hoạt động đưa lúa mì Nga ra thị trường thế giới.

Theo các nhà phân tích, thỏa thuận này giúp bảo đảm hoạt động xuất khẩu lúa mì vốn có vai trò quan trọng với nền kinh tế Nga nói riêng và với chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung. Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và năm 2022, nước này dự kiến có vụ mùa bội thu. Trong thỏa thuận ký ở Istanbul, Nga nêu rõ yêu cầu Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thông báo rộng rãi việc không áp các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành thực phẩm và phân bón của Nga. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng cam kết hối thúc các nước phương Tây dỡ bỏ hạn chế liên quan.