Mobile money (MM) còn được gọi là chuyển tiền di động, thanh toán di động và ví di động, đề cập đến một phương thức thanh toán được thực hiện trên thiết bị di động, chủ yếu thực hiện trong lĩnh vực bán lẻ hoặc tài chính. Dịch vụ này ra đời giải quyết vấn đề thanh toán cho những người không có tài khoản ngân hàng, những người ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận các dịch vụ tài chính... Tất cả những gì người dùng cần để sử dụng dịch vụ là chiếc điện thoại và số điện thoại di động để lập tài khoản.
Ngày 9/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 316/QĐ-TTg phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Ba nhà mạng Viettel, Vinaphone và Mobifone đã đứng ra thí điểm và phát triển dịch vụ này. Nhưng những quy định về phương thức lập tài khoản MM cũng như cách thức triển khai nạp/rút tiền có thể sẽ khiến sự phát triển của dịch vụ này gặp nhiều khó khăn. Trong đó những khó khăn lớn nhất cần xử lý là việc định danh của khách hàng khi tạo tài khoản sử dụng dịch vụ, phương thức nạp rút tiền và sự cạnh tranh của các ứng dụng tài chính khác.
Thứ nhất, cần phải hiểu tính ưu việt của MM trên thế giới là người dùng chỉ cần duy nhất số điện thoại, họ có thể đến đại lý để rút tiền hay nạp tiền, họ không cần đến giấy tờ gì để thực hiện các khâu nạp - rút - thanh toán. Nhưng theo quy định hiện hành thì các doanh nghiệp chỉ được cung cấp dịch vụ đến những khách hàng có chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp thí điểm định danh, xác thực theo quy định. Quy định này làm mất đi tính ưu việt của MM. Những người có giấy tờ đều có thể mở tài khoản tại ngân hàng hoặc sử dụng những ứng dụng thanh toán cần định danh khách hàng. Tất nhiên, cần phải loại trừ những rủi ro liên quan đến rửa tiền hay tội phạm tài chính. Nhưng như quy định về mức chi tiêu nhỏ như hiện nay, vấn đề này rất khó xảy ra.
Thứ hai, là việc triển khai MM của các nhà mạng. Điều bất cập trong việc triển khai là các nhà mạng phân biệt hoàn toàn tiền trong tài khoản điện thoại di động và tài khoản MM. Khách hàng nạp/rút tiền mặt vào tài khoản MM tại các điểm kinh doanh của nhà mạng; nạp/rút tiền từ tài khoản thanh toán của khách hàng (chủ tài khoản MM) tại ngân hàng; nạp/rút tiền từ tài khoản thanh toán của khách hàng từ ví điện tử của khách hàng. Đây cũng là vấn đề gây bất tiện cho khách hàng. Người dùng phải mất quá nhiều thao tác để chuyển tiền qua lại giữa các tài khoản. Thêm một điểm nữa khá vô lý là các nhà mạng chỉ cho khách hàng nạp tiền tại đại lý hoặc qua tài khoản ngân hàng. Họ không cho khách hàng có thể tự nạp tiền thông qua thẻ nạp tiền điện thoại mà mình đã phát hành. Những yếu tố trên khiến ứng dụng MM của các nhà mạng không khác gì các ứng dụng thanh toán khác. Thậm chí, việc sử dụng MM còn phức tạp hơn so với các ứng dụng thanh toán phổ biến hiện nay.
Thứ ba, MM rất khó phát triển trước sự cạnh tranh của các ứng dụng thanh toán (ví điện tử) như Momo, ZaloPay, VnPay, Moca, AirPay... Những ứng dụng này đã xuất hiện từ lâu, họ đã có nhiều khách hàng, có nghiên cứu sâu về các phân khúc khách hàng cụ thể, họ hiểu thói quen, sở thích, các yếu tố mà khách hàng quan tâm. Các ứng dụng này đã tạo ra thói quen cho người dùng, có nhiều điểm chấp nhận thanh toán, xử lý được nhiều loại hóa đơn và liên kết với nhiều ngân hàng. Việc ra đời tương đối muộn khiến MM rất khó bứt lên trước sự cạnh tranh của các ứng dụng đó. Đồng thời, một số ứng dụng còn cho phép không cần định danh khách hàng khi thanh toán những khoản tiền nhỏ. Đây cũng là khía cạnh mà MM mất điểm. Chưa kể một số đơn vị còn liên kết với các siêu ứng dụng như Grab, Be... đang chiếm được một thị phần lớn những người quen sử dụng các siêu ứng dụng này.
Nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt và giúp đỡ những người không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tài chính đã khai sinh ra dịch vụ Mobile money. Nhưng để có thể giúp hình thức thanh toán này phát triển bền vững, chúng ta sẽ cần phải xem xét lại những vấn đề trên, nới lỏng nhiều quy định, tạo ra một môi trường thuận lợi hơn với người dùng.