Nhiều cơ hội bứt phá cho dòng vốn FDI năm 2024

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), chỉ số niềm tin kinh doanh quý III/2023 đã tăng lên mức 45,1 điểm (so với mức 43,5 điểm của quý II). Cụ thể, 63% số doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào tốp 10 điểm đến đầu tư nước ngoài hàng đầu.
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam đang là điểm thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: HẢI NAM
Việt Nam đang là điểm thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: HẢI NAM

Trái ngược với những diễn biến sụt giảm trong những tháng đầu năm 2023, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam trong cả năm đã có tốc độ tăng trưởng cao so với năm ngoái. Không chỉ vậy, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã và đang nghiên cứu, tìm hiểu và dự kiến triển khai các dự án tại Việt Nam, trong đó có nhiều nhà ĐTNN tỷ USD. Một khi các kế hoạch này được triển khai, vốn FDI sẽ tăng tốc vào Việt Nam.

Nhiều cơ hội bứt phá cho dòng vốn FDI năm 2024 ảnh 1

Sản xuất tại một doanh nghiệp FDI. Ảnh: BẮC SƠN

Giải ngân vốn FDI đạt kỷ lục

Cụ thể, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay. Đáng chú ý, trong tổng vốn đăng ký hơn 36,6 tỷ USD, thì vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ. Số dự án đăng ký mới cũng đạt 3.188 dự án, tăng 56,6%. Như vậy, cả dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh.

“Việc vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ đã cho thấy sự đồng hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động tiếp cận, nắm bắt, tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp ổn định, cải thiện năng lực sản xuất, kinh doanh và tiếp tục đầu tư. Trong khi đó, vốn đăng ký mới tăng mạnh tiếp tục cho thấy Việt Nam là một điểm đến an toàn, hấp dẫn”, Cục Đầu tư nước ngoài lý giải.

Ngoài vốn đăng ký mới, năm 2023 cũng ghi nhận 1.262 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 14% so với cùng kỳ), với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 7,88 tỷ USD (giảm 22,1% so với cùng kỳ). Trong khi đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn mua cổ phần đạt hơn 8,5 tỷ USD, tăng 65,7% so với cùng kỳ. Nhờ quy mô vốn góp tăng nên dù lượt giao dịch góp vốn, mua cổ phần trong năm 2023 chỉ đạt 3.451 lượt, giảm 3,2% so với cùng kỳ, nhưng vốn góp lại tăng cao.

“Ở góc độ khác, vốn đầu tư điều chỉnh dù vẫn giảm so với cùng kỳ song mức giảm đã được cải thiện. Hơn nữa, dù giảm về vốn, song số dự án điều chỉnh vốn vẫn duy trì mức tăng so với cùng kỳ (tăng 14%). Điều này khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu”, Cục Đầu tư nước ngoài nhìn nhận.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2023, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 39,9% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với cùng kỳ.

Xét về đối tác, trong năm 2023, đã có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 6,8 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 5,4% so với cùng kỳ 2022; Nhật Bản đứng thứ hai với gần 6,57 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư, tăng 37,3% so với cùng kỳ. Xét về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,2%). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 25,9%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 27,8%).

Nếu tính theo địa bàn, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, năm 2023, TP Hồ Chí Minh trở thành quán quân thu hút đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 5,85 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, Hải Phòng xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,26 tỷ USD, chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 66,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình…

Nhiều cơ hội bứt phá cho dòng vốn FDI năm 2024 ảnh 2

Dòng vốn FDI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình khôi phục kinh tế. Ảnh: SONG ANH

Vốn FDI sẽ tăng tốc vào Việt Nam

Trong tháng cuối cùng của năm 2023, đoàn đại biểu Hiệp hội Bán dẫn Mỹ (SIA) gồm lãnh đạo Hiệp hội và bảy doanh nghiệp thành viên là những công ty lớn trong ngành bán dẫn toàn cầu cũng có mặt tại Việt Nam lần thứ 3 trong năm 2023 để tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư. Trong số các thành viên của SIA, nhiều công ty đã có các khoản đầu tư đáng kể vào Việt Nam, bao gồm Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon…

“Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế vững chắc là trung tâm tăng trưởng kinh tế mới của châu Á trong chuỗi cung ứng toàn cầu, liên tục nhận nguồn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia. Các doanh nghiệp thành viên SIA cũng đã thông báo những kế hoạch đầu tư mới và dự định phát triển tại thị trường đầy tiềm năng này”, ông John Neuffer, Chủ tịch SIA cho hay.

Còn theo ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới trở nên khó khăn hơn khi xung đột giữa Nga và Ucraina kéo dài; lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là ở châu Âu và Mỹ… đã khiến các nhà đầu tư Hàn Quốc thận trọng khi tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Tuy vậy, Hàn Quốc vẫn là đối tác đầu tư dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn và góp vốn, mua cổ phần.

“Việc Việt Nam giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế cũng như nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh là điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc”, ông Hong Sun nêu rõ.

Cũng theo ông Hong Sun, trong năm 2023, việc đông đảo doanh nghiệp Hàn Quốc cùng tháp tùng Tổng thống Yoon Suk-yeol tới Việt Nam cũng như tham gia nhiều hoạt động kinh tế đa dạng trong khuôn khổ chuyến thăm là cơ hội để lãnh đạo, doanh nghiệp hai nước cùng thảo luận các hình thức, tiềm năng hợp tác mới, từ đó thúc đẩy hơn nữa hợp tác đầu tư, thương mại. Đáng chú ý, cùng tham gia đoàn có chủ tịch của năm tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc đã đầu tư quy mô lớn vào Việt Nam và đang chuẩn bị các kế hoạch đầu tư mở rộng, gồm Samsung Electronics, SK, Hyundai Motor, LG và Lotte.

“Sự xuất hiện của đoàn doanh nghiệp hùng hậu, đặc biệt là các tỷ phú hàng đầu Hàn Quốc và thế giới cho thấy cơ hội rộng mở đối với Việt Nam trong năm 2024”, ông Hong Sun bày tỏ tin tưởng.

Còn theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), chỉ số niềm tin kinh doanh quý III/2023 đã tăng lên mức 45,1 điểm (so với mức 43,5 điểm của quý II). Cụ thể, 63% số doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào tốp 10 điểm đến đầu tư nước ngoài hàng đầu; trong đó, 31% số doanh nghiệp xếp Việt Nam vào tốp 3. Hơn 50% số doanh nghiệp được khảo sát dự báo đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2023.

Rất nhiều gam mầu “sống động” đang góp phần tô lên “bức tranh” tươi sáng về dòng vốn FDI. Tuy còn nhiều thử thách, nhưng chúng ta có thể hy vọng vào một năm 2024 không thiếu cơ hội để bứt phá.