Nhiều cách giúp đồng bào giảm nghèo ở Biển Hồ

Xã Biển Hồ nằm ở phía bắc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, người dân chủ yếu là dân tộc Jrai và một số ít dân tộc Ba Na, Khmer, Tày, Nùng, Thái, sống bằng nghề nông, cây trồng chính là lúa, cà-phê, tiêu và buôn bán nhỏ lẻ. Thời gian qua, công tác giảm nghèo đối với đồng bào được đặc biệt chú trọng.
Trình diễn cồng chiêng tại Khu di tích văn hóa Biển Hồ. Ảnh: ĐH
Trình diễn cồng chiêng tại Khu di tích văn hóa Biển Hồ. Ảnh: ĐH

1/Những năm qua, Biển Hồ tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giúp đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện, không gian văn hóa được gìn giữ và lưu truyền. Từ năm 2016 đến nay, các chương trình, dự án như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2025; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025… được lồng ghép có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội như chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, về xây dựng nông thôn mới.

Nhờ đó, tình hình sản xuất và đời sống bà con ngày càng phát triển, xuất hiện nhiều mô hình hay, nhiều hộ làm kinh tế giỏi. Phải kể đến việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sử dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao, chất lượng tốt như: giống lúa nguyên chủng HT1 (hương thơm 1), giống ngô CP 888, Bio Seed… Việc thay đổi tập quán canh tác lạc hậu đã đưa diện tích đất sản xuất từ 1 vụ lên 2 vụ/năm, tăng năng suất cây trồng…

Được biết, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã có nhu cầu đều được vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ. Xã còn vận động nhân dân xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” để hỗ trợ sinh kế, nhà tình thương cho hộ nghèo, cận nghèo.

Xã đã có Trung tâm Văn hóa và Thể thao (Nhà văn hóa đa năng) được xây dựng kiên cố. Các thôn, làng đều có hội trường, nhà sinh hoạt cộng đồng, có sân chơi bóng chuyền, bảo đảm việc sinh hoạt cộng đồng, hội họp, giao lưu văn hóa, văn nghệ và là nơi vui chơi giải trí cho mọi người dân. Nghệ nhân Pel, Chủ nhiệm CLB dệt thổ cẩm làng Phung của xã chia sẻ: “Chị em trong làng được hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng tập huấn tại Thành phố Hồ Chí Minh, được tham gia các cuộc thi văn hóa cấp tỉnh, cấp khu vực, được kết nối với các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp để quảng bá sản phẩm dệt truyền thống và bán ra thị trường. Nhờ thế đời sống của chị em trong CLB được cải thiện nâng lên, giữ được văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình”.

Các buổi tuyên truyền của xã đã vận động quần chúng nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS đấu tranh, phản bác lại luận điệu tuyên truyền của địch; làm cho bà con nhận thức rõ bản chất của “Fulro”, “Tin lành Đề ga” từ đó không tin, không nghe theo các thế lực thù địch trốn qua Campuchia, Thailand…

2/Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa sáng tạo, chủ động trong lao động sản xuất. Nhiều bà con làm nông nghiệp, năng suất lao động còn phụ thuộc vào khí hậu thời tiết, giá cả thị trường nên năng suất lao động, kinh tế giữa các năm không đồng đều. Một số nghề, trang phục và lễ hội truyền thống của DTTS trên địa bàn không còn diễn ra thường xuyên mà chỉ trong các ngày hội, sự kiện. Phó chủ tịch UBND xã Biển Hồ Đinh Thị Hoa chia sẻ: Xã sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương, tỉnh, thành phố Pleiku về thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án phát triển kinh tế-xã hội ở các làng đồng bào DTTS.

Chính quyền và bà con trong xã đang mong chờ việc thực hiện Đề án phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng làng Ia Nueng. Qua đó sẽ mở ra cơ hội mới cho phát triển du lịch song song với bảo tồn văn hóa, truyền thống của địa phương. Lãnh đạo xã cho rằng, để thực hiện tốt nhiều mục tiêu trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…, sẽ phải tăng cường phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của thành phố để thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình kết quả thực hiện kế hoạch thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu, đề án, dự án, chính sách dân tộc có liên quan đến vùng miền núi dân tộc. Có như vậy mới kịp thời nắm bắt tình hình trên tất cả các lĩnh vực và thực hiện tốt việc quản lý nhà nước về công tác dân tộc và các chính sách dân tộc; lồng ghép hài hòa, bảm đảm tiến độ giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư các chương trình, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.