Nhiều bất lợi với ngành hàng dệt may

Khó khăn về tài chính, sức mua giảm tại thị trường trong nước và thế giới gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may. Điều đó dẫn đến tình trạng đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp loay hoay, nhiều đơn vị buộc phải nhận các đơn hàng nhỏ lẻ nhằm duy trì sản xuất, giữ chân người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp dệt may nhận đơn hàng nhỏ lẻ để duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ chân người lao động. Ảnh: NGUYỆT ANH
Nhiều doanh nghiệp dệt may nhận đơn hàng nhỏ lẻ để duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ chân người lao động. Ảnh: NGUYỆT ANH

Sức mua sụt giảm

Các chuyên gia cho rằng, lãi suất tăng, nhiều ngân hàng ở Mỹ, châu Âu sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ đã gây ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng. Giá năng lượng thế giới tăng cao; xung đột quân sự Nga - Ucraina kéo dài tạo ra sự bất ổn về kinh tế.

Dù cán cân thương mại của Việt Nam được dự báo tiếp tục cải thiện, nhưng hoạt động xuất khẩu sẽ đối mặt với thách thức chung của các thị trường đối tác. Nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát xu hướng tăng ảnh hưởng đến hồi phục và phát triển kinh tế… Những yếu tố này sẽ làm giảm sức cầu hàng hóa và ảnh hưởng đến đầu tư mới, từ đó ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của các nước, trong đó có Việt Nam.

Theo nhận định của một số chuyên gia, do tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn và sự gia tăng bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu, sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Thực tế cho thấy, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước cũng giảm sút. Bên cạnh đó, doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng, lãi suất vay cao và thủ tục còn phức tạp.

Tình hình lạm phát ở nhiều quốc gia, chính sách tiền tệ bị thắt chặt có thể ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế và dự báo khả năng suy thoái toàn cầu sẽ xảy ra vào năm 2023 là nguyên nhân sức mua thị trường quốc tế giảm; việc gián đoạn chuỗi cung ứng dự báo sẽ còn tiếp diễn, làm giảm đà phục hồi các hoạt động kinh tế - đầu tư - thương mại hậu Covid-19; giá hàng hóa thiết yếu ở mức cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tạo ra những khó khăn cho kinh tế và thương mại toàn cầu nói chung.

Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Nhiều ngành sản xuất công nghiệp đang gặp khó khăn. Đơn cử, với ngành dệt may, doanh nghiệp chỉ duy trì được những đơn hàng nhỏ lẻ, manh mún, gia công “giá bèo”. Thậm chí có những doanh nghiệp phải nhận đơn hàng chỉ vài trăm sản phẩm để duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ chân người lao động. Là ngành sử dụng nhiều lao động, khó khăn của ngành dệt may có tác động đến an sinh xã hội.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đưa ra dự báo, tác động của tình hình kinh tế thế giới sẽ dẫn đến xu thế thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng, và hàng hóa dệt may luôn có mặt trong tốp 5 các mặt hàng được tiết giảm.

Còn số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 5 tháng năm 2023 ước đạt 14,422 tỷ USD, giảm 21,42% so với cùng kỳ năm 2022. Tính riêng tháng 5, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 2,780 tỷ USD, giảm 8,73% so với tháng trước và giảm 27,16% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu, những khó khăn trong năm 2023 đã được tập đoàn dự báo trước, từ thời điểm năm 2022, ở hai lĩnh vực chính gồm ngành sợi và may. Với sợi, do nhu cầu tiêu dùng thấp, những khó khăn kéo dài từ quý III - IV/2022 đến nay. Giá bông - nguyên liệu chính của ngành sợi đã giảm rất mạnh. Ngoài ra, khi Trung Quốc chính thức mở cửa trở lại, ngành sợi trong nước cũng khó cạnh tranh về giá. Do vậy, toàn bộ ngành sợi đang chịu thua lỗ, tồn kho sản xuất.

Với ngành may thì đơn hàng lại nhỏ lẻ, manh mún. Chưa bao giờ xảy ra tình trạng doanh nghiệp với hàng nghìn lao động phải nhận đơn hàng chỉ vài nghìn sản phẩm, giá lại giảm rất mạnh. Nhiều đơn vị sản xuất có giá gia công giảm tới 50%. Bên cạnh đó, việc giao nhận hàng, chậm trễ từ phía đối tác cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp về dòng tiền, kho bãi.

Do đó, ngoài các nỗ lực duy trì sản xuất, giữ chân lao động, các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ về vốn và mở rộng thị trường từ các cơ quan nhà nước.

Nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế đều suy giảm mạnh. Trong đó, thị trường xuất khẩu có dấu hiệu đi xuống từ tháng 7/2022 và đến quý I/2023 thì mức cắt giảm đơn hàng diễn ra rất nghiêm trọng. Mức độ cắt giảm đơn hàng phổ biến từ 50-70%, cá biệt có doanh nghiệp trong nước gần như không có đơn hàng xuất khẩu.

Còn thị trường trong nước gặp khó khăn từ quý IV/2022. Sau đó, đến quý I/2023 và sau Tết Nguyên đán thì nhu cầu trong nước bắt đầu suy giảm, dẫn đến lượng hàng tiêu thụ nội địa giảm mạnh. Quyết định của Chính phủ giảm hoãn, giãn tiền thuê đất, giảm 2% thuế VAT vừa qua đã thật sự tạo động lực cho doanh nghiệp. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn đề nghị các bộ, ngành thông tin tình hình thị trường kịp thời; tổ chức xúc tiến thương mại cũng như hỗ trợ lãi suất vay, giãn nợ để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Khát vốn là thực trạng nhiều doanh nghiệp gặp phải, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặc dù chính sách vay vốn ngân hàng đã cởi mở hơn, các ngân hàng hỗ trợ tích cực nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vitas Trương Văn Cẩm nhận định, ít nhất phải đến cuối quý III, sang quý IV/2023 thị trường mới hồi phục và sang năm 2024 mới ổn định. Để vượt qua giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp trong ngành dệt may cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về vốn vay ưu đãi để trả lương cho người lao động; giãn hoãn, khởi động lại chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như thời điểm dịch Covid-19 bùng phát…

Đồng quan điểm nêu trên, ông Cao Hữu Hiếu chia sẻ thêm, thời gian tới, ngành may cần linh hoạt cơ cấu chuyển đổi mặt hàng để bảo đảm đơn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngành sợi nghiên cứu các mặt hàng mới, thị trường mới để đón đầu xu hướng. Đặc biệt là các đơn vị đẩy nhanh chuyển đổi sử dụng các yếu tố xanh, xơ sợi tái chế…

“Năng lực cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam bị suy giảm do các yếu tố tỷ giá, lãi suất, tiền lương và xu thế chuyển dịch đơn hàng. Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm, nhiều quốc gia trên thế giới đã có các chính sách hỗ trợ thị trường phục hồi như giảm giá đồng nội tệ (Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh), chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp có đơn hàng sản xuất thông qua nguồn vốn, vận tải…”, ông Hiếu dẫn chứng.

Do sức mua của các thị trường chính như Mỹ, châu Âu suy giảm mạnh, các yếu tố bất lợi của thị trường trên đà tiếp diễn, ngành dệt may Việt Nam đã trải qua bốn tháng ảm đạm với kim ngạch xuất khẩu giảm 20% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu nhất trong các quốc gia xuất khẩu dệt may.