Nhiều bất cập từ vụ cháy chung cư mini

Vụ cháy chung cư mini xảy ra trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) đang đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý loại hình nhà ở này. Theo các chuyên gia pháp lý, hiện nay pháp luật chưa có quy định riêng đối với loại hình chung cư mini mà áp dụng theo Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác, nhưng trên thực tế việc áp dụng luật còn rất lúng túng…
0:00 / 0:00
0:00
Khu chung cư mini ở ngách 29/70 phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội), nơi xảy ra vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Khu chung cư mini ở ngách 29/70 phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội), nơi xảy ra vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Cháy chung cư mini trong đêm, nhiều người tử vong

Thông tin với báo chí sáng 13/9, UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, vào hồi 23 giờ 50 phút ngày 12/9/2023, trên địa bàn phường Khương Đình, quận Thanh Xuân xảy ra vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ.

Đến 4 giờ sáng 13/9, đám cháy được khống chế. Thống kê của Công an TP Hà Nội chiều cùng ngày cho biết, đã có hơn 100 người được cứu hộ, hàng chục người chết; những nạn nhân còn lại đều bị chấn thương do ngạt khói hoặc đa chấn thương do nhảy từ trên cao xuống.

Theo ghi nhận, căn chung cư bị hỏa hoạn có diện tích khoảng 200 m2, được thiết kế 9 tầng, 45 phòng diện tích 35-56 m2, với khoảng 150 người ở, chủ yếu là các hộ gia đình và sinh viên. Thời điểm xảy ra hỏa hoạn, các phòng đều có người, đã hoặc đang chuẩn bị đi ngủ.

Tiếp cận hiện trường sau vụ cháy, phóng viên ghi nhận căn chung cư bị cháy rụi, các cột nhà ám khói đen thẫm, cửa kính bị sức nóng làm vỡ, hàng loạt xe máy bị cháy trơ khung ở dưới tầng để xe…

Tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) sáng 13/9, ông D.Q.T (42 tuổi, cư dân tòa nhà) sụt sùi cho biết, lúc khoảng 0 giờ sáng cùng ngày, do chưa ngủ nên khi nghe tiếng la hét ở tầng 1, ông liền cầm bình xịt chạy xuống chữa cháy. Tuy nhiên, đám cháy quá lớn, khói bốc mù mịt nên ông vội chạy lên tầng giải cứu vợ con. Ông T hướng dẫn hai con lớn (bé gái 9 tuổi, bé trai 8 tuổi) chạy lên tầng thượng với hy vọng khói lên cao sẽ tản ra giúp con thoát nạn; sau đó ôm con nhỏ 27 tháng tuổi cùng vợ nhảy xuống đất.

Gia đình ông T bốn người đã tạm an toàn, trong đó người vợ bị gãy chân đang cấp cứu ở Bệnh viện Saint Paul (Hà Nội), nhưng người cha trong lòng như lửa đốt vì chưa có tin tức của đứa con gái 9 tuổi.

Cũng tại Bệnh viện Bạch Mai, tại Trung tâm Cấp cứu A9, bệnh nhân B.Q.M (29 tuổi, quê Hải Dương) và em trai (là sinh viên) đang nằm thở oxy sau cấp cứu. Hai anh em M thuê trọ tại tầng 4 chung cư này được hơn 1 năm. Khi xảy ra cháy, cả hai đã nhảy từ tầng bốn xuống. Kết quả, M bị đa chấn thương, em trai M cũng bị thương nặng.

Không may mắn như vợ chồng ông T và anh em M, chị H (một nhân viên văn phòng tại Hà Nội) lâm vào tình cảnh xót xa khi có tới bảy người trong gia đình đã gặp nạn trong vụ hỏa hoạn nói trên. Đến đầu giờ chiều 13/9, sáu người gồm bố mẹ chồng, vợ chồng người em chồng và hai đứa cháu chị H được xác định đã tử vong, một người cháu còn lại chưa có thông tin.

Nhiều bất cập từ vụ cháy chung cư mini ảnh 1

Hiện trường tầng để xe, nơi nghi ngờ phát sinh vụ cháy.

Nỗ lực cứu chữa nạn nhân

Trưa 13/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thị sát hiện trường vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội). Đầu giờ chiều 13/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã đến Bệnh viện Bạch Mai thăm hỏi, động viên nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân, đang điều trị tại đây.

PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngay trong ngày 13/9, bệnh viện đã tiếp nhận 26 nạn nhân, trong đó có bảy bệnh nhi, còn lại là người lớn, có hai nạn nhân đã tử vong ngoại viện, một trường hợp chưa xác định danh tính. Người cao tuổi nhất là 81 tuổi, bé nhất là nạn nhân 8 tháng tuổi, ba bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Hầu hết các bệnh nhân là ngộ độc khí CO, vì bệnh nhân nhảy khỏi đám cháy nên nhiều người bị chấn thương và đa chấn thương hiện đang cấp cứu tại Trung tâm Nhi khoa, Trung tâm cấp cứu A9, Trung tâm Hồi sức tích cực...

Bệnh viện đã tổ chức hội chẩn với hơn 20 chuyên gia các chuyên khoa cấp cứu cho bệnh nhân trong vụ cháy. Thông tin tại buổi hội chẩn cho biết, các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đa chấn thương ở các mức độ khác nhau. Các bệnh nhân chủ yếu bị ngạt khói, chấn thương, nhưng không có trường hợp bệnh nhân bị bỏng. TS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 cho biết, hiện đang điều trị cho một bệnh nhân nữ. Bệnh nhân vào viện lúc 3 giờ sáng 13/9, trong tình trạng hơi thở gắt, huyết áp cao, không có cơ chế chấn thương phải đặt nội khí quản.

Đại diện Trung tâm Nhi khoa cho biết, trung tâm tiếp nhận bảy bệnh nhân, nhỏ nhất 8 tháng, lớn nhất là 10 tuổi. Về mặt lâm sàng các bệnh nhân ổn định, hiện bệnh nhân đang thở oxy dòng cao. Tuy nhiên, tinh thần các bé không được ổn định, hoảng sợ. Trong số bảy cháu thì có một cháu 2 tuổi, ngoài bị ngạt khí còn có tổn thương phần mềm ở chân. Trung tâm đang phối hợp chuyên khoa để theo dõi, điều trị cho các cháu.

Đại diện Trung tâm Chống độc cho biết, tiếp nhận bảy nạn nhân. Trong đó có một ca nặng chẩn đoán ngộ độc CO2, tổn thương đường hô hấp, nghi ngờ tổn thương phổi. Sau cấp cứu tình trạng ổn định hơn, tuy nhiên tiên lượng nặng. Sáu ca còn lại đang được điều trị tích cực, các xét nghiệm ngộ độc CO2 không quá cao, tiếp tục theo dõi tại viện. “Bệnh nhân đen toàn bộ mặt mũi, tay chân, tổn thương phổi chưa nhiều, tuy nhiên không loại trừ diễn biến nặng hơn”, đại diện Trung tâm Chống độc cho biết.

Số bệnh nhân nặng còn lại hiện cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu A9 trong tình trạng đa chấn thương, hôn mê, ngạt khí. Sau cấp cứu các bệnh nhân đã ổn định, đang tiếp tục được theo dõi.

PGS, TS Đào Xuân Cơ cho biết, các nạn nhân đến viện đều trong tình trạng hoảng loạn, nhiều người thân gia đình đều nhập viện, không có người chăm sóc. Các bác sĩ phải coi bệnh nhân như người nhà để chăm sóc. Có bệnh nhân sốc, phải thở máy.

Giám đốc Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc cứu chữa người bệnh phải được đặt lên hàng đầu và bệnh viện ngay từ đêm qua đã huy động lực lượng cấp cứu nhanh chóng, tối ưu nhất có thể, làm sao để hạn chế thấp nhất số ca tử vong. Nạn nhân nặng sẽ được theo dõi sát sao, dự phòng có thể diễn biến nặng sau 24 giờ.

Ngoài ra, tại các Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Đống Đa, đa khoa Hà Đông... các y, bác sĩ vẫn đang nỗ lực cấp cứu, phẫu thuật, chăm sóc, điều trị cho các nạn nhân của vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ.

Nhiều bất cập từ vụ cháy chung cư mini ảnh 2

Các bác sĩ Khoa hồi sức tích cực cấp cứu cho các bệnh nhân nặng trong vụ hỏa hoạn điều trị tại Trung tâm Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: TTXVN

Giấy phép 6 tầng, xây dựng 9 tầng

Hiện, trên địa bàn Hà Nội có hàng trăm khu nhà ở được gọi là chung cư mini đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng dân nhập cư ngày càng mở rộng, sinh viên các tỉnh, thành phố về học tại các trường cao đẳng - đại học đóng trên địa bàn Hà Nội cũng rất lớn khiến nhu cầu nhà ở tăng vọt và loại hình chung cư mini góp phần giải quyết bài toán này.

Chỉ cần gõ từ khóa “tìm căn hộ chung cư mini tại Hà Nội” trên Google, ngay lập tức đã cho ra hơn 8 triệu kết quả. Nơi nào gần nhiều trường đại học, tập trung nhiều công sở, gần trường học phổ thông, bệnh viện hay đối tượng người nước ngoài thuê thì chung cư mini mọc lên như nấm. Điển hình như quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông…

Căn hộ chung cư mini có diện tích khá đa dạng. Thường từ 25 m2 đến 50 m2 nên người mua hay người thuê đều có thể cân đối tài chính và số lượng người sinh sống để lựa chọn căn hộ mini phù hợp nhất. Chung cư mini có giá cả hợp lý, phù hợp với túi tiền của nhiều người dân. Thuê hay mua một chung cư mini sẽ tương đối rẻ so với việc thuê, mua chung cư hay nhà thông thường hoặc thuê, mua một căn nhà nguyên căn.

Thực tế, nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở, nhiều hộ gia đình đã tự ý xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ - chung cư mini mà không tuân thủ các quy định của pháp luật. Các sai phạm chủ yếu là xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng... rồi tự do mua bán, chuyển nhượng, không được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo Sở Xây dựng TP Hà Nội, chưa có thống kê nào về số lượng các chung cư mini trên địa bàn. Các căn hộ này thường ban đầu xin cấp phép xây dựng là nhà ở riêng lẻ nhưng sau đó chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng, ngăn chia thành các phòng khép kín cho thuê hoặc bán.

Thông tin từ Phòng Quản lý đô thị, UBND quận Thanh Xuân, chung cư mini tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, nơi xảy ra vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng đã được cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ từ năm 2015 với “6 tầng lửng và tum thang có không gian kỹ thuật”, thế nhưng, thực tế đã biến thành chung cư mini 9 tầng, có 8 tầng căn hộ, chia thành 40 - 50 căn hộ cho thuê, mỗi tầng thiết kế với năm căn hộ diện tích từ 35 - 56 m2 với khoảng 150 con người sinh sống, chủ yếu là các hộ gia đình và sinh viên.

Điều đáng lưu ý, trong Văn bản số 652/UBND-QLĐT ngày 27/4/2018 về việc thống kê số lượng nhà “chung cư mini”, trên địa bàn quận Thanh Xuân có 83 nhà (xây dựng trên đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và các hộ dân trong các nhà “chung cư mini” chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, lại không thấy “gọi tên” địa chỉ chung cư mini ở số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ.

Năm 2020, Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghị các địa phương siết chặt quản lý nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ. Trong đó, nêu ra những hệ lụy như: nguy cơ cháy nổ cao, gia tăng mật độ dân số gây ách tắc giao thông, không bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị… Thế nhưng, theo các chuyên gia pháp lý, hiện nay pháp luật chưa có quy định riêng đối với loại hình chung cư mini mà áp dụng theo Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác, và trên thực tế việc áp dụng luật còn rất lúng túng. Khi chưa có một chế tài cũng như quy định cụ thể, việc quản lý vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều chung cư mini mới vẫn tiếp tục mọc lên.

Chuyên gia quy hoạch - kiến trúc đô thị cảnh báo, việc phát triển chung cư mini dẫn đến nhiều hệ lụy như làm gia tăng nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư; gây quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị; không cấp được Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở cho người mua căn hộ do vi phạm về thiết kế, mật độ xây dựng; làm gia tăng tình trạng tranh chấp, khiếu kiện giữa người mua và người bán căn hộ…

Mặt khác, do quá nhiều dự án chung cư mini không bảo đảm các yếu tố về thiết kế, mật độ xây dựng, PCCC… nên có rất ít căn hộ được cấp sổ hồng, rủi ro đối với người mua là rất lớn. Các căn hộ này có thể không bảo đảm an toàn khi sử dụng, không thể thực hiện các giao dịch mua bán, sang nhượng, thế chấp, thậm chí không thể thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế. Trường hợp chủ đầu tư có làm được sổ hồng đồng sở hữu, nhưng chủ căn hộ sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện các giao dịch, bởi liên quan đến quá nhiều chủ thể cùng sở hữu, khách hàng cần tìm hiểu kỹ thủ tục pháp lý dự án trước khi quyết định đặt cọc, ký hợp đồng mua bán căn hộ dạng chung cư mini.

Quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm về phòng cháy, chữa cháy

Sáng 13/9, lãnh đạo Thành phố Hà Nội, lực lượng Công an thành phố, lãnh đạo quận Thanh Xuân đã lập tức có mặt tại hiện trường vụ cháy và thực hiện các phương án cứu hộ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thị sát hiện trường vụ cháy và thăm hỏi động viên các nạn nhân đang cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Song song với biểu dương lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tích cực chữa cháy, cứu người; Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng, cơ sở y tế thực hiện nghiêm Công điện đã ban hành.

Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cử Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đến hiện trường, chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ cháy. Đồng thời, Thủ tướng ký Công điện số 796/CĐ-TTg, chỉ đạo hàng loạt nhiệm vụ về khắc phục hậu quả vụ cháy cũng như tăng cường công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại chung cư mini trên phố Khương Hạ cũng trở thành một trong những chủ đề được bàn luận nhiều nhất trong phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng 13/9.

Theo đó, trong phần giải trình tại phiên họp về tình hình cháy nổ gia tăng thời gian qua, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an nhận định, vụ cháy chung cư ở phố Khương Hạ tối 12/9 gây hậu quả nặng nề, số người chết và bị thương là rất lớn. Ông Tuyến cho biết, Bộ Công an đã trực tiếp chỉ đạo Công an Hà Nội khẩn trương xử lý vụ việc.

Theo Báo cáo tóm tắt “Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 (từ ngày 1/10/2022 đến ngày 31/7/2023)” được Chính phủ trình bày tại phiên họp, trong kỳ báo cáo, về công tác phòng cháy chữa cháy, thời gian qua, Bộ Công an, Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy định phòng cháy, chữa cháy, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, cùng với đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, cháy gây hậu quả rất nghiêm trọng…; cơ quan chức năng đã quyết liệt tạm đình chỉ, đình chỉ công trình, dự án đang triển khai, hoạt động có vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, nhất là các công trình đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, báo cáo của Chính phủ nêu.

Tuy nhiên, Chính phủ thừa nhận, tình hình cháy, nổ trên toàn quốc vẫn diễn biến phức tạp. Trong kỳ báo cáo, cả nước xảy ra 2.031 vụ cháy (tăng 38,16%), làm 83 người chết (tăng 48,21%), 74 người bị thương (tăng 5,71%), thiệt hại 637 tỷ đồng (giảm 30,37%); xảy ra 8 vụ nổ (giảm 60%), làm 5 người chết (giảm 58,3%), 21 người bị thương (tăng 50%), thiệt hại 50 tỷ đồng (giảm 99%).

Chính phủ cũng nhìn nhận nguy cơ mất an toàn về cháy nổ còn rất lớn... Qua rà soát toàn quốc hiện còn khoảng 38.140 cơ sở đã đưa vào sử dụng còn tồn tại vi phạm về phòng cháy, khó có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy.

Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ, Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Thanh đồng ý với nhận định của Chính phủ, các con số thống kê nêu trên cho thấy tình hình cháy nổ trên phạm vi cả nước diễn biến rất phức tạp. “Qua theo dõi, có thời điểm xảy ra liên tiếp các vụ cháy dẫn đến 3 - 4 người cùng một gia đình chết”, bà Thanh nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, đối với con số hơn 38.140 cơ sở đã đưa vào sử dụng còn tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và khó có khả năng khắc phục theo tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy. Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho rằng, các ngành đã ra rất nhiều văn bản, biện pháp mạnh chỉ đạo, nhưng số cơ sở đưa vào sử dụng còn vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy vẫn tương đối nhiều; cần phải tiếp tục tìm hiểu xem nguyên nhân và đề ra giải pháp.

Tại Công điện số 796/CĐ-TTg ngày 13/9/2023 về vụ cháy nhà dân tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, UBND thành phố Hà Nội khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy tại các văn bản đã ban hành. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, nhất là các chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Qua vụ cháy chung cư trên địa bàn phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cũng có thêm một bất cập cần nhìn nhận. Đó là sau nhiều vụ việc cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng, chúng ta lại tổ chức các đợt kiểm tra, rà soát, thậm chí khởi tố chủ cơ sở để xảy ra cháy nổ… tuy nhiên, các vụ việc tương tự vẫn tái diễn với hình thức khác nhau. Có lẽ vấn đề ở đây là chúng ta cần các giải pháp căn cơ, phòng ngừa từ xa và kiểm tra, giám sát sớm, phòng ngừa triệt để… tránh để xảy ra những tai nạn gây thiệt hại lớn về cả tính mạng con người và của cải vật chất.