Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế

Tăng trưởng kinh tế trong quý III/2022 mặc dù dự báo đạt cao, nhưng trên nền tăng trưởng quý III/2021 đạt thấp (-6,17% so cùng kỳ). Điều này cho thấy áp lực và khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm 2022, năm 2023 ngày càng gia tăng. Do đó, cần những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế trong tình hình mới.
0:00 / 0:00
0:00
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tám tháng đầu năm 2022 tăng 2,58%. Ảnh: HẢI NAM
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tám tháng đầu năm 2022 tăng 2,58%. Ảnh: HẢI NAM

Còn khó khăn trong quý IV và năm 2023

Đánh giá từ Chính phủ cho thấy, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tám tháng tăng 2,58%. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất, tỷ giá được duy trì hợp lý; nợ công được kiểm soát tốt. Tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh; nhiều ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế phát triển mạnh, nhất là công nghiệp và dịch vụ; nông nghiệp phát triển ổn định...

Nhiều tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá tích cực tình hình kinh tế của Việt Nam. Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 với triển vọng “ổn định”; S&P nâng xếp hạng lên BB+ với triển vọng “ổn định”; Fitch xếp hạng BB với triển vọng “tích cực”. Nikkei Asia nâng hạng chỉ số phục hồi Covid-19 của Việt Nam lên thứ 2 thế giới. Các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế và nhiều chuyên gia nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; lạm phát cao và xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều nước; giá dầu thô, khí đốt, một số hàng hóa cơ bản biến động mạnh; tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm, thị trường quốc tế bị thu hẹp, tiềm ẩn nguy cơ suy thoái kinh tế; tình hình dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt, hạn hán, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, cực đoan hơn, ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia, khu vực trên toàn cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có đánh giá về thách thức chúng ta có thể phải “gánh” trong thời gian tới.

Theo Bộ KH&ĐT, các yếu tố nêu trên chưa thể được giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn, trong khi xuất hiện những yếu tố mới, nhất là tình trạng hạn hán tại Trung Quốc, EU có thể ảnh hưởng lớn đến nguồn cung lương thực, vật tư công nghiệp đầu vào trên thế giới, khu vực trong ngắn hạn. Thực tế, để kiềm chế lạm phát gia tăng, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ thực hiện việc tăng lãi suất, qua đó làm tăng giá trị đồng USD và làm giảm giá trị đồng tiền của nhiều quốc gia khác, làm ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại toàn cầu, trong đó có đồng tiền Việt Nam. Yếu tố đó cũng làm dịch chuyển dòng vốn đầu tư ngắn hạn, có xu hướng rút về và thu hẹp đầu tư; nhu cầu đồng USD lên cao, tác động đến điều hành ổn định tỷ giá và mức dự trữ ngoại tệ của nước ta,...

Bằng chứng là thu hút FDI của chúng ta gặp nhiều khó khăn. Tám tháng đầu năm, FDI đăng ký cấp mới chỉ bằng 56,1% so cùng kỳ, ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỷ giá trong trung và dài hạn…

Còn thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm, hình thành mặt bằng giá mới, gia tăng áp lực đối với Nhà nước, nhà đầu tư khi thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và cả người dân về khả năng chi trả, nhất là với các hộ gia đình trẻ, thu nhập thấp.

Mặt khác, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu dài hạn. Hiện, Việt Nam đang ở nhóm các quốc gia có thu nhập ở mức trung bình thấp, thách thức lớn đặt ra là phải duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, sớm vượt qua nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Bộ KH&ĐT đánh giá, tăng trưởng kinh tế khả năng sẽ khó khăn hơn trong quý IV và năm 2023. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều nước.

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế ảnh 1

Chính sách tiền tệ cần đáp ứng nhu cầu tín dụng cho phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ảnh: NGUYỆT ANH

Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng

Trước thực tế đó, Bộ KH&ĐT cũng đã nêu lên các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Đó là, trong điều hành kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính cần chủ động theo dõi diễn biến, tình hình trong nước, nhằm phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, phù hợp bối cảnh, tình hình, điều kiện nguồn lực của nền kinh tế.

Về chính sách tài khóa, cần nâng cao chủ động trong ban hành và tổ chức thực hiện, giảm độ trễ từ khi xây dựng, trình cấp có thẩm quyền đến tổ chức thực hiện, thời gian tác động chính sách đến nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, đồng thời bảo đảm dư địa chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế sau năm 2023. Đáng lưu ý, phấn đấu giải ngân ở mức cao nhất kế hoạch vốn đầu tư công được giao; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi chưa thật sự cần thiết;…

Còn về chính sách tiền tệ, Bộ KH&ĐT yêu cầu thực hiện thận trọng, chủ động thích ứng với rủi ro lạm phát, tỷ giá, vừa bảo đảm linh hoạt để vừa kiềm chế lạm phát, vừa duy trì mặt bằng lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu tín dụng cho phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, cần tăng cường việc kiểm tra, quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tích trữ, làm giá, bảo đảm tính lành mạnh của thị trường.

Ở chính sách điều hành giá, Bộ KH&ĐT yêu cầu rà soát, tính toán lộ trình tăng giá phù hợp đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, quản lý, trên cơ sở cân nhắc, đánh giá đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân, đặc biệt là giá xăng, dầu, điện, nước, dịch vụ y tế, giáo dục.

Chính sách về đầu tư, huy động nguồn lực cũng được Bộ này nhấn mạnh. Theo đó, cần tiếp tục đẩy nhanh lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện quy định về trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán phái sinh, triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán nước ta từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, để giảm bớt áp lực huy động vốn trung và dài hạn của hệ thống các tổ chức tín dụng,...

Nhiệm vụ của các bộ, ngành

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành Chỉ thị số 15 (ngày 16/9/2022) về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới.

Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT phân tích, đánh giá, dự báo tình hình thế giới, trong nước, việc điều chỉnh chính sách của các nước tác động đến kinh tế-xã hội nước ta; kịp thời tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, đối sách phù hợp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan: Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả với chính sách tiền tệ; có giải pháp huy động đủ nguồn lực để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; đẩy mạnh tăng thu, mở rộng cơ sở thu, tăng cường chống thất thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi chưa thật sự cần thiết; bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, kịp thời nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp điều hành giá, các chính sách về thuế, phí và các chính sách khác, góp phần ổn định giá cả, giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ người dân trong trường hợp cần thiết và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; chú trọng phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, an toàn, hiệu quả; tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị định số 65, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Bộ Công thương được giao, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam; phát huy mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa vai trò của các cơ quan thương vụ, đại diện xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và các loại hàng hóa xuất khẩu; tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp; bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, giảm phát thải; theo dõi sát diễn biến cung cầu, tình hình thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng xăng, dầu; kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá, có giải pháp không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán...