Nỗi ám ảnh đêm khuya
Vụ tai nạn thương tâm vào rạng sáng ngày 3/11 tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) khiến một cô gái đang trong độ tuổi đôi mươi tử vong vừa qua như một hồi chuông cảnh báo cao nhất đối với toàn xã hội về tình trạng thiếu ý thức khi tham gia giao thông trong một bộ phận thế hệ trẻ. Từng đoàn đi xe máy di chuyển với tốc độ cao với “3 không”: Không mũ bảo hiểm, không giấy phép lái xe, không màng sinh mạng chạy khắp các con phố đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân. Đặc biệt vào cuối tuần, số lượng các đoàn sẽ tăng lên đáng kể, nguy hiểm hơn còn có nhiều đối tượng trang bị chai thủy tinh, kiếm, tuýp sắt… sẵn sàng “xử lý” những ai không vừa mắt gặp trên đường.
Đã từng chứng kiến nhiều lần các đoàn thanh niên tụ tập rú ga qua trước cửa nhà, chị Nguyễn Thị Liên (Ngô Gia Tự, Long Biên, Hà Nội) vẫn không khỏi rùng mình trước sự manh động của nhóm trẻ này: “Chúng cứ từng tốp phóng qua, cầm hung khí, hò hét như chốn không người, làm náo loạn cả khu phố. Tuyến đường Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, đê Xuân Quan là tuyến đường chúng thường xuyên đi qua. Nhóm này như ổ kiến lửa, chỉ cần ai động nhẹ thì sống dở chết dở với chúng”.
Với hàng triệu người tham gia giao thông khác, các nhóm đua xe này thật sự là nỗi khiếp sợ tiềm ẩn, bởi họ có thể trở thành nạn nhân chỉ trong chớp mắt mà không hề hay biết. Bạn Nguyễn Thị Hiền (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, có một thời gian không dám ra đường sau 22 giờ tối vì sợ, trường hợp bất khả kháng thì sẽ dừng lại dạt vào một bên đường hoặc tốt nhất lên hẳn vỉa hè khi thấy những đoàn như vậy đi qua.
Trước tình trạng những thanh niên ngông cuồng gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng đến đời sống và vô tình gây ra tai nạn đối với người chung quanh với mức độ ngày càng nghiêm trọng, nhiều ý kiến bày tỏ sự phẫn nộ và ủng hộ pháp luật cần mạnh tay hơn để chấm dứt sớm, tránh những vụ việc đau lòng tiếp tục xảy ra.
Cần thay đổi từ gốc rễ
Các nhà chuyên môn nhận định, hiện tượng đua xe, gây rối trật tự này không chỉ là hành vi nổi loạn tức thời mà còn phản ánh những lỗ hổng trong giáo dục và ảnh hưởng của văn hóa mạng xã hội tiêu cực. Chuyên gia Chu Thị Thảo, Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam phân tích: “Nhiều bạn trẻ có hành vi lệch lạc này lớn lên trong gia đình thiếu sự quan tâm đúng đắn. Đôi khi, môi trường gia đình còn thấm nhuần bạo lực, ép buộc con cái bằng roi vọt thay vì giáo dục bằng lý lẽ và yêu thương. Điều đó khiến các em tích tụ những căng thẳng, sự giận dữ mà khi ra ngoài xã hội dễ dàng bị kích thích, dẫn tới những hành vi bộc phát, hành động nổi loạn, hành vi thiếu chuẩn mực xã hội do nghe theo bạn bè xấu rủ rê lôi kéo và các thông tin tiêu cực trên mạng xã hội”.
Ngoài ra, một yếu tố tác động lớn đến nhận thức của các đối tượng này là mạng xã hội. Các clip đua xe, bạo lực, phá rối được chia sẻ tràn lan và thậm chí còn nhận được hàng trăm nghìn lượt like, bình luận khuyến khích, khiến giới trẻ bị cuốn vào vòng xoáy “thích thể hiện” và tìm kiếm sự nổi tiếng bằng cách bất chấp luật lệ. Đánh giá về vấn đề này dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp) phân tích, các hành vi vi phạm giao thông trên rất đa dạng, nhưng đều có chung một điểm là gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Một phần, chúng làm mất trật tự công cộng, gây bức xúc trong nhân dân. Mặt khác, chúng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, đe dọa đến tính mạng của người tham gia giao thông.
“Nhóm hành vi thứ nhất, bao gồm các hành vi lạng lách, đánh võng, bấm còi inh ỏi vi phạm Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 về tội gây rối trật tự công cộng. Người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ hoặc thậm chí là phạt tù đến 2 năm. Mức hình phạt sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi và các yếu tố liên quan khác”, luật sư Cường cho biết.
Nhóm hành vi thứ hai, bao gồm việc điều khiển xe lạng lách, đánh võng, thiếu quan sát và không làm chủ tốc độ, là những hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông đường bộ. Nếu gây ra tai nạn chết người, người vi phạm có thể bị truy tố theo Điều 260 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Đặc biệt nghiêm trọng, nếu người vi phạm có hành vi bỏ chạy hoặc không cứu giúp nạn nhân, họ có thể đối mặt với mức án tù từ 3 đến 10 năm. Đây được coi là trường hợp vi phạm nghiêm trọng, khi người vi phạm chưa đủ 16 tuổi vẫn có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự.
Có thể thấy đây không chỉ là câu chuyện của riêng lực lượng chức năng. Bên cạnh trách nhiệm của phụ huynh, trường học và các tổ chức xã hội cần tổ chức nhiều hoạt động hướng dẫn các em cách sử dụng mạng xã hội lành mạnh, tránh xa các tệ nạn. Cần có các phong trào cộng đồng nhằm phát hiện và tố giác các hành vi đua xe, lạng lách trái phép.
Đa số những đối tượng tham gia vào các đoàn đua đều là thanh thiếu niên, tuổi còn rất trẻ, hiểu biết về pháp luật chưa vững, dễ bị lôi kéo bởi đám đông và những lời khích lệ lệch lạc.