Theo Der Spiegel, ngày 15-4 vừa qua, lực lượng đặc nhiệm tại bang North Rhine-Westphalia (Đức) đã bắt giữ bốn đối tượng tình nghi là thành viên IS tại nhiều địa điểm trong chiến dịch truy quét phần tử khủng bố. Các đối tượng đều mang quốc tịch Tajikistan bị cáo buộc âm mưu tiến hành các vụ tiến công gây chết người tại Đức.
Cùng với một đối tượng bị bắt giữ năm ngoái, nhóm này được cho có liên hệ và nhận chỉ thị từ các chỉ huy của IS tại Afghanistan và Syria. Theo thông tin tình báo của giới chức Đức, cả năm đối tượng trong độ tuổi từ 24 đến 32, đều gia nhập IS từ tháng 1-2019. Kẻ cầm đầu nhóm có biệt danh Ravsan B, 30 tuổi, bị cáo buộc đã nhận 40 nghìn USD từ một đối tượng người Albania để phục vụ âm mưu tiến công khủng bố nói trên. Nhóm này ban đầu có ý định tiến hành khủng bố ở Tajikistan, song sau đó đã nhận chỉ thị mới từ hai thành viên cấp cao của IS ở Syria và Afghanistan để gây ra các vụ tiến công trên lãnh thổ Đức.
Đáng chú ý, mục tiêu dự định tiến công của nhóm là những địa điểm nơi các lực lượng Mỹ đóng quân tại Đức, trong đó có một sân bay quân sự, và thậm chí có ý định sát hại cả những người có phát ngôn công khai chống lại các tín đồ Hồi giáo. Nhóm này đã đặt hàng nguyên liệu chế tạo bom, súng và đạn tại “chợ đen” trên internet. Theo các công tố viên, những đối tượng bị bắt giữ nói trên đã xác định danh tính và theo dõi một người có tư tưởng chống bạo lực cực đoan với ý định sát hại người này.
Lâu nay, giới chức an ninh Đức đã cảnh báo về nguy cơ gia tăng các vụ bạo lực cực đoan sau khi xảy ra một số vụ tiến công do IS tuyên bố thực hiện. Vụ tiến công khủng bố đẫm máu nhất vào tháng 12-2016, khi một xe tải lao vào đám đông ở chợ Giáng sinh tại Thủ đô Berlin, khiến 12 người chết. Tháng 6-2018, cảnh sát Đức cho biết đã phát hiện một âm mưu tiến công bằng vũ khí sinh học đầu tiên, sau khi bắt giữ một đối tượng mang quốc tịch Tunisia cùng tang vật là chất độc ricin (chiết xuất từ hạt của cây thầu dầu) và vật liệu chế tạo bom. Gần đây nhất, tháng 11-2019, cảnh sát thành phố Offenbach, phía tây nước Đức đã bắt giữ ba người đàn ông, cáo buộc nhóm đối tượng này âm mưu thực hiện một vụ đánh bom theo lệnh của các thủ lĩnh IS.
Theo báo Deutsche Welle, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở châu Âu đang khiến giới chức “lục địa già” dồn sức chống đỡ, song IS coi đây là cơ hội để tiến hành các vụ khủng bố nhằm mục tiêu là những cơ quan chính phủ hoặc trung tâm tài chính, kinh tế. Mặc dù vậy, dịch Covid-19 chủ yếu do giới chức y tế phụ trách nên lực lượng an ninh vẫn có đủ thời gian và nguồn lực để theo dõi và phá vỡ những âm mưu liên quan bạo lực cực đoan. Giới chức an ninh Đức ước tính có khoảng 11.000 người Hồi giáo sinh sống ở nước này, trong đó có 680 người được đánh giá là đặc biệt nguy hiểm do có xu hướng sử dụng bạo lực. Không chỉ ở phạm vi trong nước, tình báo Đức cũng giám sát một nhóm đối tượng Hồi giáo cực đoan từng chiến đấu cho IS ở Iraq và Syria và hiện ẩn náu ở Afghanistan.
Kể từ năm 2015, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cho phép hơn một triệu người tị nạn được nhập cảnh nước này, làm gia tăng lo ngại về nguy cơ tiếp tục xảy ra những vụ tiến công khủng bố. Tuy nhiên, những nỗ lực ngăn chặn bạo lực cực đoan của Chính phủ Đức trong thời gian qua phần nào xoa dịu sự lo lắng của người dân trước những bất ổn về an ninh.