Người Dao Chàm vượt khó làm du lịch

Chênh vênh ở độ cao 1.000m bên sườn dãy Tây Côn Lĩnh, bản Xà Phìn (xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) hội tụ vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ cùng những nét văn hóa giàu bản sắc của người Dao Chàm. Nhưng chỉ vài năm gần đây, du khách mới biết đến địa danh thơ mộng này.
0:00 / 0:00
0:00
Tương Văn Thành (trái) giới thiệu cây chè shan tuyết Xà Phìn cho du khách. Ảnh: HOÀI NAM
Tương Văn Thành (trái) giới thiệu cây chè shan tuyết Xà Phìn cho du khách. Ảnh: HOÀI NAM

Xà Phìn theo tiếng Dao là con rồng, ít ai tin rằng, cái bản nhỏ chỉ cách thành phố Hà Giang chỉ gần 20 cây số này vẫn chưa có điện lưới. Ngay cả đường lên bản cách đây vài năm cũng rất khó khăn. Người Dao Chàm của hơn 50 hộ trong bản sống khá khép kín, quanh năm chỉ biết ruộng lúa với cây chè cổ thụ shan tuyết nơi đây.

Mang “ánh sáng” về bản

Lên Xà Phìn đúng vụ trà xuân, cả bản đang hối hả bên các gốc shan tuyết cổ thụ cheo leo trên đỉnh núi. Ở đây, nơi quanh năm lẫn khuất trong mây mù, mọi thứ thật dịu nhẹ, êm đềm như một bản tình ca. Lá, cây, mây, mưa và gió... cứ thì thầm trong miên man xanh mướt. Thi thoảng, mới nghe lách tách củi lửa bếp chiều, hay lao xao tiếng cười giòn của trẻ vọng qua khoảng sâu thinh không mờ ảo.

Chúng tôi vào thăm nhà trưởng bản Đặng Văn Háu trên thửa ruộng bậc thang ngay đầu thôn. Ngôi nhà rộng nhất bản, được kết hợp vừa là nơi làm du lịch cộng đồng vừa là nơi sinh hoạt của gia chủ. Quây quần bên ấm chè tươi vừa om, người đàn ông lục tuần nhưng vóc dáng khá nhanh nhẹn giới thiệu về quê hương mình.

Phương Tiến đạt chuẩn nông thôn mới từ tháng 1/2020, nhưng đến nay nhiều thôn, trong đó có Xà Phìn vẫn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Các gia đình chỉ biết tự mua máy phát điện hoặc dùng tuabin thủy điện mini do nguồn nước trên bản dồi dào để thắp sáng, phục vụ sinh hoạt. Hầu như không có điện để phục vụ sản xuất. Không thể chờ đợi thêm, trưởng bản Đặng Văn Háu đã vận động một số hộ góp tiền kéo điện từ Nà Màu về phục vụ bà con của bản. Mấy năm nay, dòng điện ổn định đã làm thay đổi bộ mặt bản làng. Ngày mùa, rộn ràng tiếng máy xay xát lúa, máy sao chè, ríu rít tiếng loa, đài, ti-vi khắp cả bản. Thấy bản mình có tiềm năng du lịch lớn khi có cảnh quan, mái rêu tuyệt đẹp cùng các sản vật núi rừng như chè shan tuyết cổ thụ, có thể hấp dẫn du khách, nhưng đường giao thông còn rất khó đi, người đảng viên trưởng bản lại vận động bà con cùng góp công của làm hàng nghìn mét đường giao thông từ chân núi lên tận bản.

Học hỏi kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng ở nhiều nơi, ông Háu về sửa sang nhà cửa đầu tư làm homestay, là hộ thứ hai của bản thực hiện mô hình này. Sau một năm, gia đình có thêm thu nhập, quê hương Xà Phìn còn được nhiều người biết đến. Ông Háu tâm sự: Nhiều nơi khác khó khăn còn làm được tại sao mình không làm được. Nơi đây có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tôi đã mạnh dạn vay vốn nhà nước để làm, đến bây giờ bà con trong thôn đã thấy được lợi ích du lịch mang lại. Thời điểm này, trong thôn đã có hơn chục hộ làm du lịch.

Là trưởng bản, cũng là một thầy cúng lâu năm, ông Háu xác định sẽ truyền dạy các nghi thức cúng lễ, các bài hát người Dao Chàm cho thế hệ trẻ nhằm tạo được thế hệ kế cận. Dân tộc Dao Chàm ở đây có ba nhánh họ Lý, Tương, Đặng, một năm có ba lễ hội gồm lễ hội tam giác mạch, lễ hội cúng cầu mùa vào tháng Giêng, lễ hội cơm mới (Tết người Dao), bên cạnh đó còn các lễ cấp sắc trưởng thành. Ông Háu cũng tuyên truyền cho người dân cách thay đổi bỏ hủ tục, giữ gìn bản sắc dân tộc, sửa sang toàn bộ công trình vệ sinh để môi trường xanh sạch.

Nay bà con dần có thói quen mặc trang phục truyền thống dân tộc khi có khách du lịch ghé thăm. Đội văn nghệ luyện tập các điệu dân ca, dân vũ để phục vụ khách du lịch. Để đến với Xà Phìn, ngoài tham quan những địa điểm đẹp như khu ruộng hoa tam giác mạch, khu nhà mái rêu, thác hươu, rừng trà shan tuyết cổ thụ và tham gia vào các trò chơi dân gian truyền thống như đẩy gậy, chèo cột, nhảy bao bố…, du khách còn dự các hoạt động văn nghệ dân gian như nghi lễ cấp sắc của người Dao, tái hiện cảnh rước dâu trong lễ cưới, hát giao duyên, tung còn, thưởng thức ẩm thực địa phương.

Lớp người năng động

Đang thưởng thức không gian xanh ngập trong sương êm, chúng tôi gặp Tương Văn Thành (29 tuổi) cưỡi trên xe máy rè rè về bản khi anh vừa tiễn đoàn khách du lịch nước ngoài xuống chân núi. Ở bản, Thành là người đầu tiên làm du lịch cộng đồng, trước đây anh làm hướng dẫn du lịch ở Đồng Văn.

Niềm nở mời chúng tôi vào nhà, Thành pha ấm trà shan tuyết vừa sao. Hương trà thơm tỏa vào không gian. Nhấp ngụm trà mà thấy như đang thưởng thức vị của núi rừng nghìn năm. Hương ngầy ngậy mùi non tơ của búp trà, chút sương se, chút mộc mạc của gỗ, địa y rừng già hòa quyện trong chén trà sóng sánh như mật. Ngây ngất với vị trà trong bảng lảng sương giăng nơi đỉnh trời thật là một cảm giác lâng lâng khó tả.

Thành tâm sự, trước cũng không để ý nhiều đến đặc sản quê mình, lớn rồi thoát ly xuống dưới xuôi đi làm một thời gian vẫn khổ quá, ngoảnh lại tự hỏi tại sao mình không lập nghiệp từ chính nơi mình sinh ra. Và thế là quyết định về quê bám bản, bám cây trà shan tuyết ông cha, rồi tình cờ thấy mô hình homestay phù hợp với bản làng mình. Anh mày mò tìm hiểu rồi mạnh dạn bỏ tiền đầu tư sửa sang ngôi nhà sàn cha ông để lại. Sắm chăn, đệm, sửa sang mặt sàn với các ngăn ngủ nghỉ quanh bếp lửa giữa nhà, rồi khu bếp, vệ sinh phù hợp để phục vụ các đoàn khách đông người. Mấy bộ bàn ghế tận dụng từ các thân, gốc gỗ sa mộc trong rừng do chính tay Thành đóng với kiểu dáng độc lạ mang đến không gian ấn tượng cho khách. Thành và gia đình còn học cách nấu các món ăn mới phù hợp khẩu vị du khách. Nhưng cơ bản vẫn là những món cổ truyền của người Dao nơi đây như thịt chua, cá nướng. Bên cạnh đó, Thành vẫn thường dẫn khách đi những tour đặc biệt hơn như leo đỉnh Tây Côn Lĩnh mùa hoa đỗ quyên nở. Để rồi, mấy năm gần đây đông đảo khách du lịch đã biết và đến với Xà Phìn, thường đông nhất vào đầu năm và mùa lúa chín.

Đang vào vụ trà, Thành khoe tôi xem mẻ trà mới sao của mình, làm không kịp bán anh ạ. Có bao nhiêu là khách mua hết. 6-7 năm gần đây cây chè shan tuyết đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Trước đó do không biết cách thu hoạch, bảo quản nên chất lượng trà không tốt, sản lượng không cao nên ít khách mua. Sau này, khi nhu cầu cao, bà con nắm bắt được phương thức mới nên chè Xà Phìn được giá. Như năm nay, loại một tôm hai lá có giá trên dưới 40 nghìn đồng/kg tươi, một tôm 1 lá có giá lên tới 70 nghìn đồng/kg. Với trà khô có giá khoảng 600 nghìn đồng.

Sẩm tối, lẫn với sương giăng mờ các mái rêu là mùi củi lửa bếp chiều. Đang mùa rau rút rừng, nên bữa tối hầu như nhà nào cũng nấu món canh hoặc xào thứ rau có mùi thật đặc trưng. Theo mùi rau rút rừng thoảng trong không gian đến nhà vợ chồng anh Tương Văn Thái (con rể ông Háu) khi cả nhà đang quây quần bên bếp củi giữa nhà chuẩn bị cho bữa tối. Không khách sáo với lời mời thân thiện của gia chủ, ngồi vào mâm, nhấp xong chén rượu ngô men lá thì khoảng cách chủ khách nhường cho câu chuyện thủ thỉ tâm tình như những anh em thân thiết lâu ngày không gặp.

Thái kể, người ta hay nhắc vùng trà shan tuyết Túng Sán nhưng chưa nhiều người biết chè shan ở Xà Phìn cũng cho chất lượng tuyệt hảo. Nhiều cây chè cổ thụ lâu năm nhất mọc tự nhiên trên độ cao hơn 1.000m so mặt nước biển nên giá thu mua chè tươi lúc nào cũng cao hơn so các vùng khác quanh Tây Côn Lĩnh. Nhà Thái có vài trăm gốc trà ông cha để lại, có cây tuổi thọ tới vài trăm năm. Vụ này vợ chồng Thái tính ra cũng được vài tạ, hái đến đâu người ta thu mua tại chỗ đến đó, nhà chỉ giữ lại một ít để sao uống dần. Nhà Thái là một trong những nhà có mái rêu dày, đẹp nhất bản. Chắt chiu dành dụm nguồn thu từ cây chè, hai vợ chồng sửa sang nhà cửa, xây lại khu bếp, vệ sinh dưới sàn để làm homestay. Anh đang tính vay thêm vốn để làm thêm các buồng ngủ cho khách.

Lượn một vòng bản lúc chia tay, nghe thêm tin vui, một homestay nữa ở Xà Phìn chuẩn bị đi vào hoạt động và từ nay cho đến tháng 8, dự kiến còn bốn hộ gia đình nữa sẽ đưa các công trình vào phục vụ lưu trú theo mô hình này. Đây là các hộ gia đình tự đầu tư từ vốn tự có và mạnh dạn vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội cũng như được hỗ trợ một phần từ nguồn vốn của chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.