Năm nay, nắng nóng đến sớm tại nhiều nước Nam Á, đặc biệt là Ấn Độ và Pakistan - hai trong những quốc gia đông dân nhất thế giới. Ngay từ tháng 3, nắng nóng đã bắt đầu xuất hiện tại hai quốc gia này. Theo Cục Khí tượng Ấn Độ, nước này đã ghi nhận tháng 3 nóng nhất kể từ năm 1901, với nhiệt độ trung bình toàn quốc ở mức 33,1oC. Nhiệt độ tháng 4 và 5 tiếp tục tăng cao, thậm chí vượt ngưỡng 50°C tại nhiều địa điểm.
Trong khi đó, hôm 15/5, thành phố Jacobabad thuộc tỉnh Sindh (Pakistan) - một trong những thành phố nóng bức nhất trên thế giới ghi nhận mức nhiệt lên đến 51oC. Trước đó một ngày, nhiệt độ nơi đây cũng đạt ngưỡng cao ở mức 50oC. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Thủ đô Delhi của Ấn Độ với mức nhiệt hơn 49oC.
Theo The Guardian, nhiệt độ tăng vọt trong những tuần gần đây làm trường học tại nhiều vùng của Pakistan và Ấn Độ phải đóng cửa, mùa màng bị hư hại, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp năng lượng. Cắt điện thường xuyên khiến nhiều người dân tại Jacobabad không có điều kiện mua hoặc sử dụng điều hòa, thậm chí cả quạt để đối phó cái nóng. Hầu hết cư dân thành phố này cũng đang phụ thuộc vào các chuyến xe lửa giao nước, song vẫn không đủ phục vụ các nhu cầu cần thiết.
Dù nhiệt độ lên tới hơn 40oC, Sonari - thai phụ 20 tuổi, vẫn phải làm việc tại cánh đồng dưa ở ngoại ô thành phố Jacobabad để kiếm thêm thu nhập. “Dưới nắng nóng như thế này, những thai phụ như chúng tôi cảm thấy rất căng thẳng”, chị Sonari cho biết. Sonari và hàng chục phụ nữ khác bắt đầu ca làm tại cánh đồng dưa vào lúc 6 giờ sáng. Họ được phép giải lao ngắn trong ca chiều để về lo việc nhà trước khi trở lại cánh đồng và làm việc đến khi mặt trời lặn. Làm việc nhiều giờ dưới thời tiết nắng như đổ lửa, những phụ nữ này thường xuyên bị đau nhức chân, nhiều người ngất xỉu vì kiệt sức. “Cảm giác như không ai quan tâm đến họ”, nhân viên cứu trợ Liza Khan từ tổ chức phi lợi nhuận Community Development Foundation cho biết.
Cùng cảnh ngộ, quận Subarnapur thuộc bang Odisha ở đông Ấn Độ ghi nhận mức nhiệt cao nhất, với nhiệt độ đo được trong ngày 3/5 lên tới 43,2oC. Bang Odisha đã ghi nhận có người chết và nhập viện vì nắng nóng từ cuối tháng 4. Một người đàn ông 64 tuổi đã tử vong vì say nắng vào ngày 2/4, trong khi hàng trăm người khác phải đến các trung tâm y tế để theo dõi sức khỏe. Trong khi đó, theo số liệu thống kê tại bang Maharashtra (Ấn Độ), ít nhất 25 người chết vì nắng nóng kể từ cuối tháng 3/2022. Đây là số người tử vong vì nắng nóng cao nhất trong vòng một tháng ở Ấn Độ trong 5 năm qua.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thời tiết cực đoan ở Nam Á trong những tháng vừa qua có liên quan biến đổi khí hậu. Nắng nóng gia tăng cả về tần suất và mức độ là một trong những hậu quả trực tiếp nhất của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Phân tích trên cũng đưa ra những dự đoán cho thấy tần suất của những đợt sóng nhiệt như vậy sẽ tăng theo mỗi năm.
Nam Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Trong Báo cáo đánh giá lần thứ sáu, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết, các đợt nắng nóng sẽ diễn ra gay gắt và thường xuyên hơn ở Nam Á trong thế kỷ này. Tần suất xuất hiện các sự kiện cực đoan như sóng nhiệt ở Ấn Độ và Pakistan có khả năng tăng cao gấp 30 lần, theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO).
Dù vậy, nhiều chuyên gia về khí hậu cho rằng chưa có giải pháp nhanh chóng và dễ dàng đối phó mối đe dọa từ các đợt nắng nóng. Ngay việc tái cấu trúc các thành phố và nền kinh tế nhằm đối phó tình trạng này cũng là một quá trình cần nhiều thời gian và công sức, cũng như tiền bạc. Vì vậy, trước mắt, người dân ở Nam Á sẽ vẫn phải gồng mình hứng chịu những đợt nóng ngày càng gay gắt.