BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022-2025

Người đam mê kể chuyện Bác Hồ bằng hình ảnh

Dù mới chỉ được gặp Bác Hồ một lần nhưng những hình ảnh về Người luôn ẩn hiện trong tâm trí ông Trần Văn Cao suốt 60 năm qua. Để thỏa niềm kính trọng với Bác, ông Cao đã sưu tập gần 800 bức ảnh và kể những câu chuyện về Bác tại Phòng lưu niệm Bác Hồ ngay tại tư gia.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Trần Văn Cao đã dày công sưu tầm ảnh Bác Hồ và mở Phòng lưu niệm Bác ngay tại nhà.
Ông Trần Văn Cao đã dày công sưu tầm ảnh Bác Hồ và mở Phòng lưu niệm Bác ngay tại nhà.

Một lần gặp Bác, nhớ suốt đời

Chúng tôi tìm về thôn 2 (xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) khi gần đến dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Trên những con đường làng ngõ xóm, cờ Tổ quốc bắt đầu đỏ rực, ánh sao vàng lấp lánh nơi nơi. Hỏi thăm “Bảo tàng Bác Hồ” của ông Trần Văn Cao, người dân đều bảo “tháng 5 với tháng 9, khách lạ về thăm làng chủ yếu hỏi nhà ông Cao”.

Người dân Việt Nam nào cũng có tình yêu với Bác Hồ, tuy nhiên với ông Cao thì lại có nét rất đặc biệt. Bởi sau 60 năm gặp Bác, trong tâm trí ông luôn có hình ảnh của Bác. Trong những giấc mơ, ông Cao vẫn thường mơ về Bác cho dù ông mới được gặp Bác duy nhất một lần vào năm 1963 tại Thái Nguyên.

Dẫn chúng tôi lên tham quan Phòng lưu niệm Bác Hồ trên tầng 3, ông Cao hoạt bát hẳn như có một nguồn năng lượng trong người, ông hào hứng kể về Bác Hồ ngay cả khi chúng tôi chưa hỏi. Dường như với ông, mỗi lần kể chuyện về Bác Hồ lại giúp ông sản sinh ra năng lượng, để nay khi đã 88 tuổi, ông vẫn rất minh mẫn, khỏe khoắn và bảo rằng, vẫn sẽ đi sưu tầm tư liệu về Bác ở bất cứ đâu nếu có thông tin.

Phòng lưu niệm Bác Hồ của ông Cao ngoài ảnh còn có bàn thờ Bác ở chính giữa. Khác với một số nhà lưu niệm Bác Hồ trên cả nước. Năm 2007, khi con cái đã yên bề gia thất, ông Cao mới “công khai” tài sản quý nhất đời mình là 21 bức ảnh về Bác Hồ mà ông được tặng năm 1968 sau khi giành danh hiệu Chiến sĩ thi đua trong ngành Thủy lợi. Ông mang ra hiệu ảnh phóng to, đóng khung trang trọng và treo ở phòng khách. Mỗi khi có ai đến chơi, những câu chuyện của ông Cao lại xoay quanh những bức ảnh về Bác.

Từ đây, ông Cao bắt đầu những chuyến hành trình sưu tầm ảnh Bác. Tuổi đã cao nhưng ông không ngại ngần đi hàng trăm cây số từ Lai Châu, Điện Biên đến Nghệ An, Hà Tĩnh… thậm chí Kiên Giang, cứ nghe đâu có thông tin là ông lên đường đi ngay, mặc cho con cháu muốn ông ở nhà, giữ gìn sức khỏe. Cứ bẵng đi chục ngày không thấy ông Cao ở nhà, hàng xóm láng giềng đều biết ông đang đi sưu tầm ảnh Bác. Hơn 300 tấm ảnh quý về Bác được ông mang về cất giữ cẩn thận. Nhưng rồi, ông Cao nghĩ rằng, có ảnh thì phải trưng bày để mọi người cùng biết đến, nếu cất trong tủ thì coi như không có giá trị.

Đến cuối năm 2019, sau khi bàn bạc với gia đình, ông Cao quyết định mở Phòng lưu niệm Bác Hồ trên tầng 3 với diện tích 20 m2. Phòng lưu niệm ra đời nhận được sự khích lệ của nhân dân địa phương, ông Cao quyết tâm mở rộng phòng hơn nữa, tích cực sưu tầm thêm ảnh. Sang năm 2022, ông Cao sử dụng 40 triệu đồng tiền lương hưu tích góp trong nhiều năm để mở rộng Phòng lưu niệm lên 50 m2, đặc biệt số lượng ảnh về Bác ông sưu tầm được trong 16 năm lên hơn 800 bức ảnh.

Không chỉ sưu tập những bức ảnh chụp thật mà ông Cao còn sưu tập được các bức tranh vẽ Bác hồi 4 tuổi, 6 tuổi theo trí tưởng tượng của các họa sĩ. Theo ông Cao, những bức ảnh đó cũng rất quan trọng bởi các em học sinh khi nhìn vào tuổi thơ của Bác sẽ dễ liên hệ với bản thân và noi theo Bác từ những việc nhỏ nhất.

Luôn có Bác trong tim

Có được nguồn tư liệu ảnh đồ sộ, ông Cao đi đến một số bảo tàng để học hỏi cách bố trí, trưng bày ảnh hợp lý. Đặc biệt, ông sắp xếp ảnh theo trình tự thời gian, sự kiện để khách tham quan dễ hiểu, dễ nắm bắt thông tin về Bác.

Hay tin ông Cao khai trương Phòng lưu niệm Bác Hồ, nhiều người quanh vùng tìm đến xem thực hư ra sao. Có người tin nhưng cũng có người tò mò cho rằng, việc này nằm ngoài khả năng của một lão nông đã ngoài 80 tuổi. Nhưng rồi, khi đến tham quan Phòng lưu niệm, ai nấy đều trầm trồ trước tình yêu mãnh liệt của ông Cao đối với Bác. Họ càng thêm thán phục khi ông thực hiện gần 100 chuyến đi vào nam ra bắc để sưu tầm ảnh Bác theo từng giai đoạn.

Ông Nguyễn Gia Kim, một người cao tuổi ở Đại Yên chia sẻ: Tôi rất khâm phục ông Cao vì đã bỏ nhiều công sức, tâm huyết sưu tập hơn 800 bức ảnh về Bác Hồ, rồi sắp xếp khoa học tạo nên một phòng lưu niệm rất sinh động, ý nghĩa về Bác.

Mỗi khi có khách đến tham quan, ông Cao gác lại mọi công việc, nhập vai thuyết minh viên bảo tàng kể từng câu chuyện về Bác gắn liền với các bức ảnh. Đặc biệt, đối với các đoàn khách trẻ đến từ trường học, ông không ngừng khuyến khích các cháu học tập và noi theo gương sáng Bác Hồ để sau này xây dựng đất nước giàu đẹp, phồn vinh.

Để kể những câu chuyện về Bác thật hay, thật sinh động, ông Cao còn dày công sáng tác bản sử ca dài 1.456 câu thơ lục bát về cuộc đời và sự nghiệp của Bác từ khi rời bến cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước đến khi Bác mất.

“Tôi sáng tác bài sử ca này trong vòng 9 năm. Mỗi ngày tôi ngẫm ra 5 - 6 câu rồi lấy giấy bút ghi lại. Có lúc đang đi cấy ngoài đồng, nhớ về hình ảnh Bác xuống đồng cùng nông dân tôi ngẫm ra vài câu thơ rất hay. Sợ về nhà quên mất vì tuổi cao rồi nên tôi bỏ mạ đó, đạp xe ngay về nhà để viết lại. Đến giờ thì 1.456 câu thơ tôi đã đọc thông vanh vách và dùng thơ để thuyết minh cho khách tham quan”, ông Cao chia sẻ.

Dừng chân tại bức ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, ông Cao hồ hởi đọc: “Mười chín tháng Tám nổ ra/Công nông đứng dậy nước nhà tự do/Thủ đô vui tiếng hát hò/Mùng hai tháng chín Bác Hồ về đây/Tuyên ngôn độc lập nước này/Khai sinh nước Việt từ đây ra đời/Bác Hồ Chủ tịch lâm thời/Quân thù hoảng sợ sáng ngời lòng ta/Việt Nam dân chủ cộng hòa/Việt Nam dân chủ cộng hòa muôn năm”.

Trên hành trình sưu tập ảnh Bác, ông Cao nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người, họ hiểu được ý định tốt của ông nên đồng ý cho mượn ảnh đi sao lại. Tuy nhiên, cũng có một số bức ảnh là kỷ vật gia đình rất đáng quý, ông phải thuyết phục năm lần bảy lượt, gia chủ mới đồng ý cho sao lại nhưng phải có người nhà đi theo, giám sát. Tuy vậy, ông Cao chẳng bao giờ nản chí mà thông cảm với họ, dẫu sao công việc ông làm cũng chẳng giống ai, người này dị nghị, người kia chưa tin là lẽ thường tình.

Ước mơ giản dị cuối đời

Gần 20 năm sưu tập tranh ảnh về Bác, ông Cao đã đặt chân đến hàng chục tỉnh, thành phố, kể hàng nghìn câu chuyện Bác Hồ với thiếu nhi, với nông dân, bộ đội, người cao tuổi. Tính từ khi khai trương Phòng lưu niệm, ông Cao đã đón 45 đoàn khách tham quan. Đặc biệt, tháng 3/2021, ông Cao đã đón đoàn cán bộ của Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh đến tham quan và xin chụp lại một số hình ảnh tư liệu mà Bảo tàng chưa có.

Đã bước đến quãng tuổi gần đất xa trời, mong ước của ông Cao không gì khác ngoài việc con cháu sẽ tiếp tục thay ông trông nom ban thờ và Phòng lưu niệm Bác Hồ. Trường hợp bất đắc dĩ, ông Cao sẽ giao lại UBND xã quản lý để không ngừng lan tỏa hình ảnh về Bác Hồ tới thế hệ trẻ, giáo dục truyền thống yêu nước và đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Chủ tịch UBND xã Đại Yên, ông Đặng Tiến Hoàng cho biết: Việc làm của ông Trần Văn Cao rất đặc biệt và ý nghĩa. Phòng lưu niệm Bác Hồ của ông Cao là một địa chỉ hữu ích cho công tác giáo dục, tuyên truyền về tấm gương Bác Hồ, truyền thống cách mạng của dân tộc ta tới thế hệ trẻ ở xã Đại Yên nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.