Những năm qua, với vai trò là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, bà Hồ Thị Thanh, người có uy tín thôn Phú Thiềng, xã Mò Ó, huyện Đakrông (Quảng Trị) cùng tham gia phát triển sản xuất với bà con, áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Cũng thông qua bà con, nữ già làng Hồ Thị Thanh đã rút ra cho mình nhiều bài học thực tiễn để từ đó vận dụng vào công việc của mình. Bà Thanh cho hay: Ngày nay, phát triển phải đi đôi với bền vững, đó cũng là ưu thế trong xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền bà con sản xuất phát triển kinh tế nhưng phải bảo đảm công tác bảo vệ môi trường bằng cách không phát đốt như ngày xưa, không xả rác bừa bãi mà phải thu gom rác thải quy về một điểm tập kết rác theo quy định. Chăn nuôi thì chuồng trại phải hợp vệ sinh, luôn phải tiêm phòng dịch bệnh.
Tâm sự với chúng tôi, nữ già làng cho hay: Bản thân tôi luôn vận động gia đình, dòng tộc và bà con hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương vận động bà con chấp hành tốt hương ước, quy ước của thôn; vận động bà con tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, tham gia các mô hình tự quản về an ninh trật tự, xây dựng các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, bài trừ tệ nạn. Nhờ đó, nhiều hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, bà con thực hiện nếp sống văn minh trong cưới hỏi, tang lễ, lễ hội, giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu dân cư bảo đảm xanh, sạch, đẹp.
Thôn Vầng (thuộc xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa), thôn của già làng Ăm Neng, người có uy tín với nhiều nỗ lực cho sự phát triển kinh tế gia đình và cộng đồng. Ăm Neng không phải là người nói suông, già làng nói được làm được nên bây giờ chính ông là người sở hữu khu vườn - ao - chuồng, trở thành hộ khá giả giữa bản làng biên giới. Già làng Ăm Neng bộc bạch với chúng tôi: Thôn Vầng có hai dân tộc anh em cùng nhau sinh sống là Vân Kiều và Pa Cô. Địa bàn thôn rộng lớn người dân sống không tập trung, người dân ở đây chủ yếu làm nương rẫy kinh tế phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, cùng với các phong tục, tập quán lạc hậu của bà con nên cái đói nghèo nó đeo bám người dân bản quanh năm.
Là người uy tín tại cộng đồng, Ăm Neng luôn học hỏi kinh nghiệm từ các già làng, trưởng bản đi trước để tìm ra hướng đi đúng hỗ trợ người dân phát triển kinh tế nhằm xóa đói, giảm nghèo. Năm 2018, ông mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng. Hiện nay gia đình Ăm Neng đã trồng được hơn 200 gốc cây ăn quả các loại; nuôi 700 m2 cá nước ngọt; 0,5 ha lúa nước; 10 con dê sinh sản; đàn lợn tám con. Già làng chia sẻ, gia đình đã thoát được nghèo cố gắng vươn lên làm giàu, bản thân ông thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn cho bà con ở trong thôn cũng như các thôn bản khác đến học hỏi mô hình làm kinh tế.
Sinh năm 1989, anh Hồ Văn Mắt, người uy tín thôn Sa Trầm, xã Ba Nang (huyện Đakrông) thuộc thế hệ trẻ đi tiên phong trong bảo vệ hệ thống chính trị - quốc phòng an ninh nơi biên giới. Anh khẳng định, đó là một trong những mục tiêu để nông thôn mới phát triển bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới.
Sa Trầm là thôn biên giới thuộc xã Ba Nang giáp với bản A Xóc (Lào). Trong những năm qua với vai trò là người có uy tín của thôn, “già làng 8X” Hồ Văn Mắt đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động quần chúng thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các hiệp định, quy chế khu vực biên giới và những quy định liên quan đến quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh và công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn bằng nhiều hình thức và cách làm hiệu quả. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền cá biệt đến từng đối tượng.
Ông Hồ My, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ba Nang cho hay: Trong thời gian qua, người có uy tín xã Ba Nang đã phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền xã và Đồn Biên phòng Ba Nang triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác tổ chức quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; góp phần quan trọng nâng cao nhận thức cho bà con nhân dân trên địa bàn về vị trí, vai trò, ý nghĩa của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Tại Hội nghị biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023, đồng chí Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã khẳng định: Người có uy tín không chỉ là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, mà còn động viên con cháu, người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình phù hợp đặc điểm tự nhiên và định hướng sản xuất hàng hóa thị trường. Bản thân và gia đình người có uy tín đã tự nguyện hiến đất để xây dựng công trình phúc lợi phục vụ dân sinh.