Người chắp nối... niềm vui

Dưới gốc cây si già hàng trăm năm, một người đàn ông trung niên xấp xỉ tuổi 60 ngồi cùng chiếc máy khâu, khoan nhặt từng sợi chỉ, uốn nắn từng đường kim, thi thoảng lại nhúm miệng huýt sáo.
0:00 / 0:00
0:00
Người chắp nối... niềm vui

Hằng ngày, trên con đường Hùng Vương, mọi người vẫn đi lại nhộn nhịp, bởi đây là cung đường dẫn vào chợ Ba Đồn, một ngôi chợ cũng đã có lịch sử lâu đời trên cái thị xã còn rất trẻ này. Tôi đã vòng xe qua lại nơi đây không thể đếm được số lần, và bất chấp nắng mưa, gió rét vẫn thấy người đàn ông cặm cụi chắp nối từng ký ức vụn của người đời thành một sản phẩm “mới”. Khách qua lại thường xuyên, như một điểm hẹn. Đó là hình ảnh của ông Nguyễn Văn Hải, ngụ ở xóm 2 tổ dân phố Minh Lợi, phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, mọi người thường gọi là chú Hải.

Trong một ngày se se lạnh của xứ miền trung vốn thời tiết luôn bầm dập bởi tính khí thất thường, tôi đã trò chuyện cùng chú. Chú hào hứng tâm sự: vui vì cái tay, cái chân luôn được hoạt động. Trước sự ồn ào của cuộc sống thường nhật, chú lại ngồi bên vệ đường hướng ra phía người, xe qua lại, nên trong chú luôn cảm giác rộn ràng, náo nhiệt. Chú hào hứng kể cho tôi nghe: Gia đình mình có mấy anh em, nhưng các anh đều rời quê hương từ sớm để vào tỉnh Bình Phước lập nghiệp bằng nghề sửa quần áo. Mình cùng vợ ở nhà chăn nuôi trâu bò và làm ruộng. Thế rồi cuối năm 1999, mình cất công vào Đồng Xoài, Bình Phước tìm các anh và từ đấy mình cũng thấy yêu thích nên được các anh dạy nghề cho. Vừa học, mình vừa ở lại nơi xa xứ để hành nghề một thời gian. Đến năm 2001 mình trở về quê hương cùng vợ con, và mang theo chiếc máy khâu này. Thế là cái nghề khâu vá của mình ra đời từ đó và tồn tại cho đến hôm nay. Nói đến đây, lòng chú khá hào hứng và bao nhiêu chuyện nghề, chuyện đời được chú trút bầu tâm sự vì như đã gặp được người tâm đầu, ý hợp.

Gần 25 năm với chiếc máy khâu, chú đã tiếp xúc rất nhiều vị khách, có nhiều vị khách đặc biệt, còn tâm chú cũng chừng ấy năm buồn vui với nghề khâu vá, mang lại nhiều niềm vui cho bao người. Chú kể: khách của mình đa số là người nghèo, người ta cực khổ nên họ muốn vá dặm lại, lên lai, bóp ống, đằn tay… Họ cần gì thì mình cũng tu sửa lại cho họ, ví như cái áo đã sờn cổ mình mở ra lật ngược trở lại, thế là thành chiếc áo “mới”. Còn có những chiếc quần của dân ăn chơi đôi khi họ lại cần một kiểu khác, chẳng hạn như họ mua đồ mới nhưng bị lỗi đường may, cũng có khi một chiếc quần bò còn nguyên đai nguyên kiện, họ cần cắt ống quần đi để thành chiếc quần lửng, hay đôi lúc thu vào, nới ra để hợp mốt tân thời, thế là mình cũng làm thành một sản phẩm mới như ý cho khách với tinh thần “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”…

Người đàn ông trung niên vừa chuyện trò, vừa tỉ mẩn từng đường may, nếp gấp và trời đã nhá nhem tối nhưng khách vẫn mang đồ hỏng đến để nài nỉ chú khâu lại, càng nhanh càng tốt. Mặc dù bên phía chú ngồi còn nhiều thứ chưa làm xong, nhưng chú vẫn vui vẻ nhận hàng và không quên nở nụ cười trên môi với lời chào khách rất đỗi thân thương.