Nếu không phải vì làng cũ bị thiên tai, dịch bệnh thì hiếm khi người Ca Dong tại huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) rời bỏ ngôi làng thân thương của mình. Và khi họ phải chọn lựa mảnh đất mới cho mình thì những gì là hồn vía, là tập tục lâu đời của người Ca Dong vẫn được tuân thủ gần như tuyệt đối.
Đồng bào Ca Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) từ xưa quan niệm rằng, đỉnh núi là nơi các thần trên trời trú ngụ, chân núi lại là nơi ma quỷ chờn vờn chầu chực bắt đi trẻ em, người già, nên nơi an toàn nhất vẫn là những mảnh đất, mảnh nương ở lưng chừng núi. Và họ chọn lập làng mới ở những phần đất tương đối bằng phẳng, hơi dốc thoai thoải, quay mặt về hướng mặt trời mọc, vẫn cao mà thoáng.
Khi đã chọn được nơi cất dựng nhà như ý, người Ca Dong tiếp tục dò tìm nguồn nước để ăn uống và sinh hoạt, bởi đất (ta nẻ) và nước (wing) luôn là những thứ đầu tiên cần thiết duy trì cuộc sống của người dân ở làng mới. Nguồn nước phải dồi dào, trong xanh, tinh khiết và ở nơi mà con người không phải vất vả bắc máng nước từ xa.
Sau một vài cuộc họp với dân làng để thông báo về nơi ở mới, người chủ làng và đại diện các gia đình sẽ cùng đến vùng đất vừa được khảo sát. Mảnh đất dành cho người chủ làng sẽ được phát dọn đầu tiên.
Phải sau khi làm một vài nghi lễ, phép thử theo chỉ dạy của tổ tiên người Ca Dong từ xa xưa để xem nơi đất mới lành hay dữ, người ta mới bắt đầu dựng nhà sàn truyền thống. Trước khi chôn trụ nhà đầu tiên (grăng zing) ở phía hướng mặt trời, người dân làm lễ tế Thần đất. Đó là sự tri ân đối với đất đai-nơi họ lập làng để sống cuộc sống yên bình, no ấm!
Nhà sàn của người Ca Dong Sơn Tây. |
"Thủ phủ" của những nếp nhà sàn truyền thống của người Ca Dong nằm ở xã Sơn Mùa, Sơn Bua (huyện Sơn Tây). Đứng trên cao phóng tầm mắt về những mái ngói trong làn sương sớm, giữa chỏm núi với ruộng bậc thang vắt vẻo quấn quanh sẽ thấy một cảm giác yên bình đến khó tả. Ở đó, dưới mái ngôi nhà sàn, có một đại gia đình với nhiều thế hệ sinh sống, quây quần bên một bếp lửa hồng...
Theo thống kê của huyện Sơn Tây, hiện nay ở các xã Sơn Bua, Sơn Mùa còn khoảng 500 ngôi nhà sàn được xây dựng gần như nguyên bản với nhà sàn truyền thống của tổ tiên. Điều khác biệt lớn nhất chỉ là nhà sàn trước đây mái lợp tranh, diện tích nhỏ còn bây giờ là lợp ngói, rộng rãi, nhưng ba bên bốn phía vẫn bằng gỗ, sàn nhà lát bằng cây lồ ô.
Hiện nhiều nơi ở huyện Sơn Tây, người dân được hỗ trợ xây dựng nhà ở và không ít vùng người dân vẫn chọn dựng lại như những ngôi nhà sàn truyền thống của người Ca Dong.