Một bữa tiệc bàn thắng “mãn nhãn” đã được bày biện trên sân Thống Nhất. Tổng cộng 9 bàn thắng được ghi và niềm vui vỡ òa khi CLB nữ Thành phố Hồ Chí Minh khép lại hiệp 2 bùng nổ bằng khát khao, ý chí quyết thắng sắt đá. Họ làm được điều không tưởng dù bị dẫn trước đến 3 bàn trong hiệp đầu, trong đó Bảo Châu và Hồng Nhung ghi dấu ấn bằng những cú sút xa ở đẳng cấp cao.
“Thành phố Hồ Chí Minh là một tập thể mạnh, có nhiều cá nhân xuất sắc và được tổ chức tốt. Họ là hình mẫu của một đội bóng thật sự”, HLV Sara Hassanien của Abu Dhabi Country tỏ ra khâm phục sau trận. Còn với thầy và trò HLV Đoàn Thị Kim Chi, họ chắc hẳn đang đắm chìm trong cảm giác hạnh phúc khi vượt lên nghịch cảnh. “Chuyện gì cũng có thể xảy ra trong bóng đá, chỉ cần nỗ lực”, HLV Kim Chi nói với các học trò trong giờ nghỉ giữa hiệp, và họ đã làm được điều kỳ diệu.
Màn ngược dòng kịch tính bậc nhất lịch sử bóng đá nữ châu Á của CLB nữ Thành phố Hồ Chí Minh được AFC ca ngợi đây là “phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực đến phút cuối”. Chiến thắng này thêm một lần nâng tầm vị thế bóng đá nữ Việt Nam và lại làm bùng lên “cơn sốt” hâm mộ những cô gái đá bóng. Chương tiếp của câu chuyện cổ tích vẫn đang chờ Huỳnh Như, Chương Thị Kiều cùng các đồng đội viết tiếp, với trận bán kết sẽ diễn ra ngày 21/5.
Đó là chuyện ở thì tương lai, còn hiện tại, hãy cứ chung vui với các cô gái khi hình ảnh rạng ngời của họ xuất hiện tràn ngập trên truyền thông lẫn mạng xã hội. Tuy vậy, khi “cơn sốt” tạm lắng xuống, nhiều tâm tư về chuyện đãi ngộ với bóng đá nữ lại xuất hiện. Chuyện không mới, đã từng gây tranh luận nhiều lần, nhưng chưa tạo chuyển biến đáng kể.
Xét đơn thuần thành tích, bóng đá nữ Việt Nam trội hơn hẳn các đồng nghiệp nam. Nếu như CLB nữ Thành phố Hồ Chí Minh vào đến bán kết Champions League châu Á, tuyển nữ Việt Nam từng 8 lần vô địch SEA Games, lọt vào vòng loại trực tiếp World Cup, hiện nằm trong tốp 6 châu Á và đứng thứ 37 thế giới. Tuy nhiên đổi lại, bóng đá nữ vẫn chưa được quan tâm, đầu tư xứng đáng, hầu như không có tài trợ, thu nhập và mức thưởng của cầu thủ nữ thấp hơn hàng chục lần nam giới.
Đây không phải chuyện cá biệt, sự bất bình đẳng giới tính trong bóng đá tồn tại khắp nơi. Không thể xóa bỏ điều này, tuy nhiên hoàn toàn có thể có những điều chỉnh phù hợp để cán cân bớt chênh lệch. Chúng ta cần sự thay đổi mạnh mẽ trong đầu tư, truyền thông và chính sách đãi ngộ với bóng đá nữ, thay vì chỉ tập trung vào bóng đá nam, vốn chưa đạt bước tiến tương xứng dù nhận nhiều ưu ái.