Nghĩ từ Hiền Lương

Tháng 7/2024, nhìn lại 70 năm trước, vĩ tuyến 17 bị lấy làm ranh giới tạm thời chia cắt đất nước trong 2 năm, chờ Tổng tuyển cử theo Hiệp định Geneva 1954, trên thực địa, lấy con sông Bến Hải làm điểm phân cách, với một Khu phi quân sự ở hai ven bờ. Thời điểm đó, gần toàn bộ tỉnh Quảng Trị nằm ở phía nam, riêng phần lớn huyện Vĩnh Linh (trừ mấy xã) nằm ở phía bắc được thành lập Đặc khu Vĩnh Linh (ngang cấp tỉnh).
0:00 / 0:00
0:00
Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Ảnh: K.MINH
Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Ảnh: K.MINH

1/Từ khi đổi mới, bộ mặt đất nước đã có những biến đổi thần kỳ, như lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay! Rất nhiều miền đất hoang hóa gần các thành phố lớn đã thành những đô thị sầm uất. Các đảo xa gần như Côn Đảo, Phú Quốc, Cô Tô, Lý Sơn… đã thành những đô thị du lịch hiện đại. Nằm ở khu vực Trung Bộ của đất nước, lại là nơi lưu giữ nhiều di tích chiến tranh, nơi tập kết của hơn 50 nghìn mộ liệt sĩ ở mọi miền quê, nhưng xem ra Quảng Trị có tốc độ phát triển còn rất chậm so với mặt bằng chung của cả nước.

Dân số cả nước tăng gấp đôi, đạt 100 triệu, thì hình như dân số Quảng Trị vẫn giảm dần đều. Nhớ đến sự hy sinh lớn lao của nhân dân trong chiến tranh, nhà văn anh hùng-liệt sĩ Nguyễn Thi, người mà trong những ngày đầu chia cắt từng có mặt ở Vĩnh Linh, đã từng viết: “Nhân dân đối xử tốt, đầm ấm tới mức mà anh nghĩ mình có chết cũng không có gì đáng ngại. Một cử chỉ tốt làm con người vui, sung sướng và bỗng nhiên cảm thấy mình cao lớn hơn, can đảm hơn”. “Biết lấy gì đền đáp xương máu nhân dân đã hy sinh không tính toán để bảo vệ cách mạng những năm tháng này! Mai này, đất nước thống nhất, cách tưởng niệm xứng đáng nhất chưa phải là xây những tượng đài to tát mà phải là tạo dựng đời sống no đủ, hạnh phúc cho những con người còn sống” (Toàn tập Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi, NXB Văn học - 2015).

Những năm chiến tranh, hầu như không gia đình nào ở đây không từng đón các đơn vị bộ đội liên tiếp đi qua. “Bộ đội về làng” vẫn là khúc hát quen thuộc: “Các anh đi/Ngày ấy đã lâu rồi/Xóm làng tôi còn nhớ mãi/Các anh đi/Đến bao giờ trở lại?/Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong (“Bộ đội về làng”, Lê Yên - Hoàng Trung Thông). Có hơn 50 nghìn chiến sĩ đã trở lại trong các nghĩa trang liệt sĩ. Cũng hàng chục nghìn đồng đội còn sống trở lại thăm các nghĩa trang. Những người còn tại chức do bận rộn công việc cũng như còn nhiều lý do khách quan khác nên chưa có điều kiện, thời gian để thường xuyên thăm lại bà con xưa. Các chiến sĩ bộ đội đã rời quân ngũ đa phần khả năng kinh tế còn hạn hẹp nên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc giúp đỡ những gia đình nơi mình đã từng được chở che trong bom đạn.

Nghĩ từ Hiền Lương ảnh 1

Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: K.MINH

2/Cho đến nay, Quảng Trị có lẽ vẫn chưa khắc phục được hậu quả chiến tranh, để vươn lên, như mong ước của bao nhiêu chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh… Chúng tôi, những người bộ đội còn lại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, mà chắc không chỉ chúng tôi, mong ước, cả nước chung tay xây dựng cho Quảng Trị thật sự thành một vùng đất thể hiện nguyện vọng nghìn đời của dân tộc là giành lấy một đất nước Độc lập, Hòa bình. Đây sẽ là một công trình thiết thực, cụ thể khi nước ta kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Quảng Trị có tất cả những ưu thế về địa lý, lịch sử, văn hóa. Tất cả đó phải được biến thành năng lượng tích cực cho sự phát triển. Tất nhiên, xây dựng một thành phố thời hiện đại sẽ khác những mô hình đã có rất nhiều, nhất là xây dựng một đô thị mang tính LỊCH SỬ, vừa giữ được dấu tích xưa, vừa tiếp nhận những nhân tố tiên tiến đương đại, sử dụng những tiến bộ kỹ thuật hiện đại để lưu dấu những ký ức xưa. Trong xu thế đô thị hóa, định hướng phát triển nên là một thành phố VĂN HÓA, LỊCH SỬ, DU LỊCH.

Trong mong ước đó, chúng tôi nghĩ phải đánh thức dòng sông Bến Hải, nơi bao năm qua vẫn nén lòng đợi chờ sự chuyển mình. Đôi bờ Bến Hải, hơn 50 km, từ Cửa Tùng lên biên giới, sẽ là nơi cho 63 tỉnh, thành phố của cả nước chung tay hội tụ bằng những công trình, cây cỏ, kiến trúc mang bản sắc riêng, nơi có thể giới thiệu về địa phương mình, đặc biệt là những đóng góp lớn lao trong thời kỳ chiến tranh, cho việc hàn gắn đất nước thống nhất trong hòa bình.

3/Như đã nói, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thực chất có hình hài của một cuộc chiến tranh ý thức hệ mang tầm quốc tế. Chưa bao giờ nước ta có một cuộc chiến tranh mà mỗi bên đều có nhiều nước tham gia, với những mức độ khác nhau. Và còn mặt trận các nước ủng hộ chúng ta dưới nhiều hình thức. Trong hình thái ngoại giao cởi mở như hiện nay, hướng tới một nền HÒA BÌNH BỀN VỮNG, nếu chúng ta gợi ý, tất cả các quốc gia đó chắc sẽ vui lòng góp vào đây những công trình vừa lưu dấu lịch sử, vừa quảng bá cho sự hợp tác hòa bình. Sẽ có nhiều cây cầu có kiến trúc đặc biệt nối đôi bờ Bến Hải, nhiều công trình văn hóa cho du khách tham quan. Rất có thể bố trí những điểm homestay làm nơi lưu trú cho du khách, vừa tạo nguồn thu để duy tu các công trình về lâu dài.

Hiện thực hóa mong ước đẹp đẽ này, đến dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), nước ta sẽ có một công trình hiện đại, biến chiến trường khốc liệt nhất thành một thành phố hiện đại, giữ trong lòng nó những tư liệu sinh động về những năm tháng lịch sử hào hùng không thể nào quên. Đó là một trong những cách tôn vinh chiến công của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bền vững và thiết thực nhất.

Kho tàng tác phẩm văn học nghệ thuật về Quảng Trị, đặc biệt trong chiến tranh là vô cùng giàu có. Đò là những kho vàng vô tận cho các kênh thông tin hiện đại khai thác. Bao quanh Công viên HÒA BÌNH QUỐC TẾ ấy, các tập đoàn kinh tế sẽ khai thác và sử dụng những lợi thế địa lý làm khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Cửa Tùng đến Cửa Việt, Mỹ Thủy - Hải Lăng, lên tận biên giới Cam Lộ, Lao Bảo… Chỉ có sự mở mang ấy mới thiết thực nâng cao được giá trị kinh tế của những vùng đất quý báu bởi máu xương đã đổ, và nâng dần mức sống cho những người dân Quảng Trị hiện nay.